Về già muốn hạnh phúc, phải ngưng qua lại với 3 kiểu người này, nếu không cuộc sống chẳng có một ngày an ổn
Sau khi về hưu, bạn khao khát một cuộc sống thoải mái, nhưng người này lại xuất hiện và cười nhạo sự bình thường của bạn bằng cảm giác vượt trội của riêng họ.
Về hưu hẳn là cơ hội tận hưởng niềm vui cuộc sống đối với nhiều người. Thời trẻ phấn đấu làm việc kiếm tiền, âu cũng là để bản thân sống đủ đầy, hạnh phúc khi về già. Chúng ta nên tích cực chọn cách sống phù hợp với bản thân, duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Cuộc sống của những năm còn lại phải được định hình bởi chính chúng ta, không phải những gì người khác mong đợi.
Bên cạch đó, phải biết sàng lọc các mối quan hệ, ngưng kết giao với những người gây ảnh hưởng đến chúng ta. Tuổi già sức yếu, không nên để bản thân lãng phí thời gian lẫn sức lực bởi những việc không đáng.
Sau khi về hưu, muốn có cuộc sống không sóng gió, bình lặng mà tận hưởng hạnh phúc, phải cố gắng không giao du với 3 kiểu người này:
1. Người thích “lo chuyện nhà người ta”
Cho dù đó là vấn đề gia đình hay tranh chấp giữa các cá nhân, người này luôn thích can thiệp dù họ không hề dính líu. Họ quan tâm một cách thái quá, thậm chí là “nhiều chuyện”, thường bám riết lấy bạn. Về hưu muốn thư giãn và tận hưởng cuộc sống, nhưng họ lại “không mời mà tới”, mang đến cho bạn đủ loại rắc rối.
Họ sẽ nói về việc làm thế nào để quản lý tiền bạc, làm thế nào để sắp xếp cuộc sống, và thậm chí làm thế nào để giữ tình cảm với bạn đời. "Mối quan tâm" của họ đã trở thành nguồn căng thẳng và khiến bạn cảm thấy nghẹt thở, bí bách.
Kiểu người thích “lo chuyện nhà người ta” này luôn lo sợ cuộc sống quá mức yên bình, nhàn rỗi không biết làm gì nên chỉ đành “hóng chuyện và can thiệp”. Thế nhưng đến khi mọi chuyện đi quá giới hạn thì lại biệt tăm biệt tích, tìm không thấy đâu.
Nếu muốn yên ổn qua ngày, tuổi già hạnh phúc, phải tránh xa kiểu người không biết an phận này, nếu không bạn sẽ chẳng có một ngày yên ổn.
2. Người thích so sánh, tị nạnh
Sau khi về hưu, bạn khao khát một cuộc sống thoải mái, nhưng người này lại xuất hiện và cười nhạo sự bình thường của bạn bằng cảm giác vượt trội của riêng họ. Khoe khoang và phóng to những gì họ có, như nhà lầu xe hơi, những chuyến đi du lịch và sự thành đạt của con cái… Những điều này khiến bạn nghi ngờ chất lượng cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời của mình.
Cứ xem như bạn là người vững vàng tâm lý, tinh thần không bị ảnh hưởng bởi những sự so sánh kia, nhưng năm ba hôm lại nghe họ khoe khoang thì ít nhiều cũng sinh lòng khó chịu, ngày tháng trôi qua chẳng mấy vui vẻ. Có thể họ không sai khi nói về những gì họ có, nhưng bạn không có nghĩa vụ phải nghe lời phù phiếm của họ.
Đáng sợ hơn là họ còn có thái độ ghen tị khi thấy cuộc sống của bạn hơn họ. Do đó, tránh xa là cách tốt nhất để cho mình cuộc sống về già bình an.
3. Người lan tỏa năng lượng tiêu cực
Cuộc sống thời trẻ có lẽ chẳng mấy thuận buồm xuôi gió, hiện tại khấm khá hơn một chút để tận hưởng tuổi già, nhưng mọi thứ sẽ nhuốm màu đen tối nếu xung quanh có những người hay than vãn và nói điều tiêu cực.
Đương nhiên con người không thể tránh những lúc cảm xúc tiêu cực trỗi dậy, nhưng nếu để tình trạng này thành thói quen thì nó đã là vấn đề đáng lưu tâm.
Về già, sức khỏe không còn đảm bảo, do đó hãy cố sống một cách lạc quan và tích cực nhất. Người ta thường nói vui rằng: “Một lời than vãn, một tiếng thở dài, có hại bằng năm điếu thuốc”. Muốn sở hữu sự an yên khi về hưu, hãy ngưng kết bạn với người mang năng lượng tiêu cực quá lớn. Đó cũng là bí quyết để sống trường thọ.
Cuộc sống về già nên được yên tĩnh và thoải mái, nhưng sự tồn tại của 3 kiểu người này sẽ cản trở chúng ta tìm đến hạnh phúc. Nhưng bạn cũng không cần phải từ chối hoàn toàn, mà hãy học cách đối phó với họ.
Trước hết, hãy kiên quyết thể hiện suy nghĩ và nhu cầu của mình, để đối phương hiểu rằng chúng ta không muốn nghe những lời đó.
Tiếp đến, rèn luyện tâm lý chịu áp lực và dung dị với cuộc sống, học cách lọc năng lượng tiêu cực, giữ cho trái tim luôn bình tĩnh. Quan trọng hơn cả là phải duy trì sự độc lập và tự tin của riêng mình, không để bản thân bị ảnh hưởng bởi sự so sánh và kỳ vọng của người khác.