Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải

VĂN KIÊN,
Chia sẻ

Trong phiên họp toàn thể vừa kết thúc sáng nay (16/6), các thành viên Ủy ban Tư pháp đã phân tích về tính đúng đắn trong phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải. Sau phiên họp này, Ủy ban Tư pháp sẽ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét.

Sáng nay (16/6), Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội họp phiên toàn thể để đánh giá theo thẩm quyền về kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao với vụ án Hồ Duy Hải. Đây là cuộc họp nội bộ và chỉ có các thành viên trong Uỷ ban Tư pháp tham dự, chứ không có các cơ quan tố tụng.

Lý do họp là sau phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải, một số đại biểu Quốc hội như Lê Thanh Vân, Lưu Bình Nhưỡng và đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét lại.

Tại phiên họp toàn thể, các thành viên Uỷ ban Tư pháp đã phân tích, đưa ra các đánh giá về tính đúng đắn của phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra. Sau phiên họp này, Uỷ ban Tư pháp sẽ có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Trước đó, báo cáo với Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải xảy ra năm 2008, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng, cơ quan điều tra cho Hải mô tả hiện trường, và Hải đã mô tả đúng vị trí tất cả các đồ vật ở thời điểm xảy ra vụ án. 

“Nếu không có mặt tại hiện trường thì không thể mô tả được”, ông Bình nói.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nói rằng, chi tiết đáng chú ý là Hải khai lấy của nạn nhân Vân một dây chuyền không có mặt, của nạn nhân Hồng một dây chuyền có mặt. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, mặt dây chuyền của Vân nằm trên ngực áo Vân. 

Cơ quan điều tra yêu cầu Hải khai địa chỉ tiêu thụ, Hải đã vẽ chính xác địa chỉ cửa hàng vàng và cửa hàng đồ cũ. Hải cũng khai đúng về nhân viên ở cửa hàng. Về giá cả, cơ quan điều tra xác minh giá chiếc điện thoại cũ ở thời điểm đó là 200.000 đồng, phù hợp lời khai của Hải bán được 200.000 đồng.

Đối với hung khí, ông Bình nói rằng, ở thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết cái thớt là hung khí. Khi Hải khai dùng thớt đập vào đầu nạn nhân, người ta mới biết thì cái thớt đã bị dọn đi. 

Về dao, Hải khai bên tường nhà bưu điện có một cái bảng và đã để con dao vào đó. Sau khi hiện trường được khám nghiệm xong, có 3 dân phòng vào dọn, phun nước, dỡ bảng ra thì có một con dao rơi xuống, họ sơ suất vứt con dao đi. Cơ quan điều tra tìm không thấy. Sau này, công an cho 3 dân phòng mô tả lại và đi mua. 

“Dư luận nói mua dao về thay hung khí nhưng hồ sơ vụ án không có chỗ nào mua dao về thay hung khí cả. Công an mua dao, thớt, vật tương tự để cho Hải, những người có liên quan nhận diện xem có đúng dao có mặt tại hiện trường và là hung khí hay không”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra khá chi tiết, chứ không phải là bản hỏi. Ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải nhận tội. 

Khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát, Hải cũng khẳng định đúng. Khi phiên toà phúc thẩm kết thúc, khi gửi đơn cho Chủ tịch nước, kể cả sau sơ thẩm, Hải cũng không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hải ở ngoài trại giam.

Chia sẻ