Uống nhiều sữa bầu trong thời gian mang thai có thật sự tốt không?

BS Hoa Hồng,
Chia sẻ

Trong thời gian mang thai nhiều mẹ suy nghĩ uống càng nhiều sữa càng tốt. Tuy nhiên theo các chuyên gia uống sữa cũng cần hợp lý tránh uống quá nhiều không tốt.

Chào bác sĩ, em năm nay 25 tuổi và đang mang thai. Vì mang thai lần đầu tiên nên chồng em đặc biệt quan tâm, đã mua rất nhiều sữa bầu về cho em. Trước khi uống có thấy ghi thành phần sữa chứa nhiều: Canxi, vitamin A, D, axit folic, sắt, DHA... đều là những chất rất quan trọng cho sự phát triển của em bé, vì thế chị em uống rất nhiếu một ngày em uống 5 cốc/ngày. Sau khi uống được khoảng 2 tháng, em tăng hơn 9kg. Mẹ em khuyên uống nhiều sữa bầu chưa hẳn đã tốt, cần ăn uống thêm. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em, em có thể ăn ít, uống sữa là chủ yếu được không? Em cảm ơn bác sĩ! (Nguyễn Thu Hiền)

Trả lời:

Thu Hiền thân mến!

1
Không nên lạm dụng uống quá nhiều sữa bầu

Thời gian mang thai, nhiều người thường uống thêm sữa bầu là vì mục đích muốn bổ sung dưỡng chất để thai nhi phát triển tốt. Vì trong quá trình phát triển, thai nhi cần một lượng lớn dinh dưỡng, đặc biệt là canxi để hình thành hệ xương, răng, tim mạch, và đặc biệt là hệ thần kinh ảnh hưởng đến sự phát triển trí não con sau này. Nếu không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết, bé có thể sẽ “rút” canxi từ cơ thể mẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Vì vậy, mẹ bầu có thể "nạp" lượng canxi dồi dào mà sữa mang lại.

Tuy nhiên, việc uống nhiều sữa, thậm chí uống sữa thay cho việc ăn uống lại không có lợi vì mẹ bầu uống nhiều sữa có thể làm tăng nguy cơ bé sơ sinh thừa cân. Vì vậy, mẹ bầu nên uống khoảng 250ml sữa mỗi ngày là hợp lý. Nếu uống gấp đôi lượng trên (khoảng 500ml) thì không những có thể làm cho trọng lượng của bé sơ sinh tăng nhiều mà còn khiến người mẹ cũng tăng cân. 

Bởi những trẻ sinh ra nặng cân cao tuy trông bụ bẫm khỏe mạnh nhưng thực chất những em bé này có nguy cơ thường trực với các bệnh như hạ đường huyết sau khi sinh do nồng độ insulin của người mẹ rất cao và sau khi sinh thì bị tụt xuống nên hệ thống nội tiết của em bé chưa thích nghi kịp. Hiện tượng này kéo theo một loạt hiện tượng như suy hô hấp, suy thở, suy tuần hoàn, suy tim, hạ thân nhiệt… 

Trẻ thừa cân khi sinh lớn lên nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp đôi so với những em bé có cân nặng bình thường. Vì vậy, trẻ sơ sinh thừa cân cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là những ngày đầu sau sinh để hạn chế những biến chứng.

Sữa bầu rất nhiều chất, nhưng bà bầu hoàn toàn có thể bổ sung những chất đó từ thực phẩm hàng ngày như canxi có trong tôm cá, hải sản; sắt có trong thịt, gan động vật; axit béo omega 3 có trong cá biển. Nếu chịu khó ăn uống đa dạng, kèm với uống sữa tươi hoặc sữa chua thì cũng tốt ngang sữa bầu.


Bởi vậy, nếu bạn ăn uống tốt, hãy uống bổ sung sữa bầu ở mức vừa phải. Ăn uống lành mạnh cũng giúp cung cấp nhiều dinh dưỡng cho bạn, đặc biệt, các loại rau củ quả còn tăng cường chất xơ, giúp bạn hạn chế táo bón.

Ngoài ra, bạn cũng không nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ và trước mỗi bữa ăn để tránh gây cảm giác chán ngán không muốn ăn. Việc ăn uống hợp lý của mẹ bầu trong thời gian mang thai sẽ tạo cho thai nhi phát triển cách toàn diện.

Chúc mẹ con bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ