Tuyển sinh lớp 10: Cần ổn định, giảm áp lực

Hà Linh,
Chia sẻ

Mỗi địa phương có phương thức tuyển sinh lớp 10 khác nhau, trong đó nơi thi 3 - 4 môn, nơi tổ chức bài thi tổ hợp, có nơi chỉ xét tuyển giảm áp lực cho học sinh.

Phụ huynh, học sinh thấp thỏm

Mấy năm trở lại đây, gần đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội, phụ huynh lại đồng loạt có ý kiến về việc bỏ bài thi thứ 4 với nhiều lí do. Trước đây, Thủ đô duy trì 13 năm tổ chức 2 bài thi Toán, Ngữ văn để tuyển sinh. Đến 2019 là năm đầu tiên, địa phương tổ chức 4 bài thi. Năm 2020, Hà Nội dự kiến thi 4 môn, sau đó vì dịch COVID-19 nên quyết định thi 3 môn để giảm tải. Đến năm 2021, kỳ thi tiếp tục được tổ chức với 4 bài thi. 

Năm 2022, phụ huynh và các giáo viên lại đồng loạt có ý kiến bỏ môn thi thứ 4 (nhận về 94% phiếu bình chọn). Năm 2023, Hà Nội buộc phải khảo sát ý kiến thì có 7.002/7.337 giáo viên, phụ huynh lựa chọn phương án thi 3 môn. Cuối cùng, thành phố đã phê duyệt phương án thi tuyển lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2023-2024 với 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Trong khi đông đảo phụ huynh, học sinh phấn khởi, trút bỏ được phần nào áp lực, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người cho rằng, Hà Nội “đẽo cày giữa đường”.

Tuyển sinh lớp 10: Cần ổn định, giảm áp lực - Ảnh 1.

Vĩnh Long và Đồng Tháp không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 – 2024 Ảnh: Kim Hà


Ngoài một số địa phương duy trì phương thức thi tuyển với 3 bài thi, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở nhiều nơi cũng có sự đổi mới. Hải Phòng có năm đã thi bài tổ hợp lên đến 9 môn nhưng năm nay cũng giảm xuống còn 3 môn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, chưa thể tính được phương án thi của kỳ thi năm tiếp theo. Nghệ An trước đây thi bài thi tổ hợp nhiều môn, vài năm trở lại đây chỉ thi 3 môn.

Một số địa phương hiện vẫn duy trì phương thức tổ chức kỳ thi với 4 bài thi hoặc bài thi tổ hợp như: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình… Tuy nhiên, đến thời điểm này có 2 địa phương tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển hồ sơ học bạ 4 năm học THCS gồm Đồng Tháp và Vĩnh Long. Sở GD&ĐT An Giang đang trình 2 phương án kết hợp thi tuyển và xét tuyển để xóa bỏ áp lực thi cử cho học sinh.

Giảm áp lực cho học sinh

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học (Hệ thống giáo dục Học Mãi) cho rằng, thi vào lớp 10 hiện nay áp lực hơn thi vào ĐH rất nhiều vì các em chỉ có 4 lựa chọn: công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phần lớn mong muốn học công lập. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, chỉ tiêu cho trường công lập khoảng 60% mỗi năm, áp lực là rất lớn. Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi tiền, bỏ thời gian đưa đón con học thêm.

Theo thầy Hiền, phương thức thi tuyển lớp 10 với 3 môn đã có sự bất cập khi lên THPT, các em thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Thứ nhất, học sinh đang học thuộc chương trình cũ, ngay từ lớp 8 đã ôn thi 3 môn và hầu hết bỏ qua những môn học khác, trong khi lên lớp 10, các em phải chọn tổ hợp môn. Nhưng ở lớp 8-9 là giai đoạn cực kì quan trọng trong việc trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tiền đề cho THPT thì đa số học sinh lại gần như dành thời gian cho luyện thi, các môn học khác biến thành “môn phụ”. Khi lên THPT, học sinh mất gốc các môn tự nhiên, xã hội nên không biết mình thực sự nên chọn môn học nào phù hợp. 

Thứ hai, Hà Nội nhân đôi điểm Toán và Ngữ văn nên vô tình đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao. “Trong khi mục tiêu của chương trình mới không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, đánh giá học sinh toàn diện. Do vậy, kỳ thi vào 10 cũng cần có bước chuyển mình phù hợp khi chỉ còn 2 lứa học sinh THCS theo chương trình hiện hành nữa là sẽ có lứa học sinh thực hiện chương trình mới vào THPT”, thầy Hiền nói.

Vĩnh Long, Đồng Tháp xét tuyển vào lớp 10

Ngày 23/2, ngành giáo dục 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp cho biết, các tỉnh này sẽ không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024, mà thay vào đó là xét tuyển dựa trên học lực, hạnh kiểm 4 năm THCS của học sinh. Tại Vĩnh Long, năm nay tuyển sinh vào lớp 10 phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), THPT sẽ được thực hiện bằng hình thức xét tuyển; còn tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên sẽ kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.Theo đó, mỗi học sinh sẽ được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường THPT, THCS&THPT khác nhau (không tính nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 PTDTNT, lớp 10 THPT chuyên). Những học sinh nào không trúng tuyển vào lớp 10 THPT chuyên, lớp 10 PTDTNT sẽ được chuyển sang tuyển sinh lớp 10 THPT bình thường như những học sinh khác. Khi kết thúc thời gian đăng ký tuyển sinh, các cơ sở giáo dục sẽ căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh đã được duyệt, thực hiện tuyển đủ 90% nguyện vọng 1 và 10% các nguyện vọng còn lại.

Ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng xét tuyển vào lớp 10. Mỗi thí sinh sẽ được đăng ký 2 nguyện vọng để xét tuyển vào 2 trường THPT cùng địa bàn huyện, thành phố hoặc vùng giáp ranh. Đối với tuyển sinh lớp 10 hệ không chuyên, Hội đồng tuyển sinh sẽ căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện của 4 năm học THCS của học sinh. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cuối năm của 4 năm học THCS và điểm ưu tiên (nếu có); trong đó, điểm trung bình cuối năm lớp 9 nhân hệ số 2. Còn hạnh kiểm sẽ được quy ra thành điểm; hạnh kiểm tốt tương đương 2,5 điểm; khá 2,0 điểm; trung bình là 1,5 điểm. Kim Hà

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, định hướng kỳ thi trong những năm tiếp theo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như tình hình, điều kiện thực tiễn. Do đó, trong năm học tới, học sinh bậc THCS vẫn phải học đều tất cả nội dung, kiến thức môn học theo chương trình.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng, Hà Nội nên duy trì ổn định phương thức thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi là phù hợp. Hằng năm không nên có sự biến động, khiến giáo viên, học sinh thấp thỏm chờ đợi phương án thi gây xáo trộn tâm lý học tập bởi lẽ, thi tốt nghiệp đầu ra “đã học gì thi nấy” còn thi đầu vào thì “học gì thi nấy”.

Chia sẻ