Tuyển sinh 2022: Phấp phỏng tham gia kỳ thi riêng
Vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh đại học (ĐH) ngày càng giảm, trong khi các kỳ thi riêng được nhiều trường tín nhiệm lấy kết quả xét tuyển. Tuy nhiên, đôi khi các kỳ thi này làm khó thí sinh.
Có thể sẽ phải đi ngoại tỉnh thi đánh giá năng lực
Khu vực phía Nam có hơn 80 trường ĐH lấy kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TPHCM; Khu vực phía Bắc có hơn 50 trường sẽ lấy kết quả kỳ thi này của ĐH Quốc gia Hà Nội, 17 trường lấy kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Vì vậy, số lượng thí sinh tham gia các kỳ thi này khá lớn.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022, Trung tâm đã công bố lịch 12 đợt thi từ tháng 2 đến tháng 7 và chuẩn bị chỗ cho khoảng 75.000 lượt thí sinh dự thi. Tuy nhiên, vừa qua, khi ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký cho thí sinh dự thi đợt 5 (kỳ thi được tổ chức trong tháng 4), nhiều thí sinh đã kêu trời vì không thể đăng ký được và lo lắng những lần sau, nếu không nhanh tay đặt được suất dự thi tại Hà Nội, rất có thể sẽ phải đăng ký tại các tỉnh có tổ chức thi nếu còn.
Về vấn đề này ông Thảo thông tin, thời gian tới tiếp tục mở đăng ký cho 7 đợt còn lại với quy mô khoảng 50.000 thí sinh. Ông lý giải, sở dĩ đợt 5 (205) nhiều thí sinh gặp khó khăn khi đăng ký là do nhu cầu đăng ký tăng đột biến lên khoảng 27.000 thí sinh, trong khi số chỗ thi là hơn 8.000; 4 đợt đăng ký trước (201-204) thí sinh đăng ký nhanh và không có vấn đề gì phát sinh.
“Có lẽ do đợt thi 205 diễn ra cuối tháng 4 (thi ngày 23-24/4) nên nhiều thí sinh lớp 12 đã thi xong học kỳ 2 và muốn thử sức lần đầu với kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội”, ông Thảo nói. Ông cho biết, các đợt thi 208-212 tổ chức tại Hà Nội chưa mở; còn các đợt thi 204-207 đã mở từ 12/3 đến nay. “Nếu muốn thi đợt này tại Hà Nội, thí sinh phải đăng ký trước khi còn chỗ, hết chỗ thì phải chờ đợt sau hoặc chọn nơi nào còn chỗ đăng ký. ĐH Quốc gia Hà Nội không thể đảm bảo 100% cho thí sinh Hà Nội đều có chỗ để thi tại Hà Nội”, ông Thảo khẳng định.
Theo ông, trong các đợt tổ chức thi vào cuối tháng 5, tháng 6 tới, tại Hà Nội, thí sinh còn hơn 20.000 suất. Phụ huynh, thí sinh chỉ muốn tham gia các đợt thi sớm đầu tháng 5 rất có thể sẽ phải ra các tỉnh khác có tổ chức kỳ thi để dự thi. “Theo số liệu hằng năm, Hà Nội có khoảng trên 85.000 thí sinh tốt nghiệp THPT. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ tổ chức được tối đa cho 75.000 suất thi cho 8 tỉnh thành phía Bắc nên không đảm bảo sẽ tổ chức đủ cho 100% thí sinh Hà Nội. Vì kỳ thi chuẩn hóa có những tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu riêng nên quy mô chưa thể mở ngay lập tức theo yêu cầu. Ngoài ra, còn nhân lực, nguồn lực, tài chính đáp ứng để kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng”, ông Thảo nói.
Mượn danh để trục lợi
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định cuốn sách “Tốc chiến luyện đề kiểm tra tư duy” đang rao bán trên mạng là giả mạo để trục lợi. ĐH Bách khoa Hà Nội không xuất bản những tài liệu này. Ông khuyên thí sinh nên đăng ký thi thử kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức miễn phí để có định hướng ôn tập đúng, có thêm kinh nghiệm về phương pháp làm bài. Ông cho biết, phương châm của kỳ thi đánh giá tư duy là tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh, thi trong 1 ngày.
Ông Điền cho hay, việc thiết kế môn Đọc hiểu, môn Khoa học tự nhiên đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức nền tảng tốt, mặc dù đề thi được thiết kế trong khuôn khổ các kiến thức được học trong bậc phổ thông nhưng tính phân loại thí sinh khá - giỏi chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm gần đây. Đây là yếu tố đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH Bách khoa Hà Nội. Cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm.
Sau 14 ngày mở cổng cho thí sinh đăng ký thi thử đợt 2, đã có trên 6.000 thí sinh đăng ký. Ở lần thi thử đợt 2 này, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ chấm cả phần thi tự luận. Sau khi nộp bài thi, thí sinh sẽ biết ngay điểm số của mình đạt được cho phần thi Trắc nghiệm. Với phần thi Tự luận, hệ thống sẽ hiển thị kết quả khi quá trình chấm hoàn thành.