Tuổi thơ kinh hoàng của cụ bà 85 tuổi: Nhà như địa ngục trần gian, bị mẹ tra tấn dã man nhưng vẫn yêu mẹ khôn xiết
Bà Maria khi bé thường xuyên phải ở trong tủ nhiều giờ liền để trốn những chuyện kinh khủng sẽ xảy ra với mình. Không chỉ phải chịu đau đớn từ bố mẹ, bà Maria còn bị những người anh hiếp đáp, hành hạ mình không ngừng.
Cho đến ngày hôm nay, hơn 7 thập kỷ trôi qua, những ký ức đau buồn vẫn còn rõ mồn một trong tâm trí bà Maria Tinschert. Nó giống như cần gạt nước trên kính chắn gió xe ô tô, những hình ảnh về thời thơ ấu đen tối cứ thoát ẩn thoát hiện, lặp đi lặp lại mãi không ngừng. Hầu hết chúng đều có sự xuất hiện của máu và đau đớn.
“Khi tôi còn trẻ tôi hay dụi mắt”, người phụ nữ 85 tuổi phát biểu với Mamamia. “Tôi thường làm điều đó vì nghĩ rằng, nó sẽ giúp những kí ức biến mất. Nhưng rồi tôi nhận ra nó thực sự đã xảy ra. Nó chẳng biến mất đi đâu cả”.
Bà Maria tên thật là Mary Josephine Goodfield. (Ảnh: dailymail)
Bà Maria sinh ra vào ngày 6/8/1932 với tên Mary Josephine Goodfield. Bà là cô con gái út và duy nhất trong gia đình có 6 anh trai (3 anh lớn là con của mẹ và người chồng trước, 3 anh sau là anh ruột của bà). Cả nhà sống trong căn hộ có 3 phòng ngủ ở phố Valencia, Chullora, vùng ngoại ô phía tây Sydney, Úc. Trong hồi ký của mình - Daughter of the Razor - bà Maria mô tả rằng đó là một địa ngục trần gian được bao quanh bởi hàng rào kẽm gai, một nơi của sự tra tấn, của những điều tàn nhẫn đến từ mẹ của bà: Violet Jessie Goodfield.
Bà Violet Jessie là gái mại dâm có liên quan đến băng đảng xã hội đen khét tiếng của Sydney đứng đầu bởi 2 tên trùm Tilly Devine và Kate Leigh - hai kẻ đã trở thành cảm hứng cho serie phim Underbelly vào năm 2011. Vẫn chưa rõ sự liên quan giữa bà Violet với băng đảng ra sao nhưng trong tâm trí của Maria, bà có một ký ức mờ nhạt với Leigh và cho rằng tên bà được đặt theo tên của người này (tên thật của Leigh là Kathleen Mary Josephine). Tuy nhiên, bà Maria chắc chắn rằng mẹ mình cũng có tên tuổi trong băng nhóm khi đã có lần bà chứng kiến mẹ ra tay tàn bạo với một phụ nữ khác trong nhà chứa. “Bà ta đã la lên ôm lấy gương mặt đẫm máu”, Maria viết trong hồi ký.
Tilly Devine (Ảnh: dailymail)
Nhưng hầu hết những nỗi kinh hoàng mà bà Maria phải trải qua lại là trong phạm vi của ngôi nhà ở Chullora. Bà nhớ mình đã bị đánh đập, tra tấn bởi những người sống trong đó và bị lạm dụng tình dục.
Violet là người gây ra hầu hết những lần hành hạ đó. Những miếng giẻ lau được thấm đẫm nước tiểu nhét trong miệng bà Maria, những chiếc bát đập vào đầu bà, bị mắc kẹt trên mái nhà bằng tôn nóng hổi, bị gọi bằng nhiều tên miệt thị như xấu xí, đầu đất, buộc phải cúi người xuống mỗi khi bị mẹ đá để người mẹ thấy vui mỗi khi con nhảy lên. “Mỗi khi làm như thế bà lại nói: “Vui chứ? Chúng ta đang vui vẻ mà?””, bà Maria kể lại.
Bà Maria và mẹ (Ảnh: dailymail)
Một trong những người anh của bà Maria đứng trước ngôi nhà kinh hoàng, nơi bà Maria phải chịu nhiều đau đớn. Ảnh chụp vào khoảng những năm 1930. (Ảnh: dailymail)
Lên 10 tuổi, bà Maria thường xuyên xuất hiện cùng mẹ trong mỗi lần khách làng chơi đến nhà mình. Và dần dần, cô bé Maria năm xưa phải quan hệ tình dục với những người đàn ông trưởng thành. Trái với những người anh trai, bà Maria khi bé thường xuyên phải ở trong tủ nhiều giờ liền để trốn những chuyện kinh khủng sẽ xảy ra với mình và bà cũng chẳng được đi học như họ. Không chỉ phải chịu đau đớn từ bố mẹ, bà Maria còn bị những người anh hiếp đáp, hành hạ mình không ngừng. Bà Maria không được phép khóc cũng không được nói không. Bà còn thường xuyên bị bố mẹ treo lên cây treo quần áo và họ sẽ nhìn bà một cách thích thú. Bà khẳng định mẹ mình không sử dụng chất kích thích nhưng chính bà cũng không hiểu vì sao lại bị mẹ mình đối xử tàn nhẫn như thế.
Bà Maria vào lúc khoảng 15 tuổi. (Ảnh: dailymail)
Bà Maria chỉ thoát khỏi ngôi nhà đầy đau khổ đó nhờ một cuộc hôn nhân. Thế nhưng đó lại là cuộc hôn nhân do bà bị bố bán đi ở tuổi 16. Chung sống với người đàn ông này, bà Maria sinh được 5 người con nhưng đó không phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc mà cũng tràn ngập đau khổ. Bà bị hành hạ, phải sống trong đau đớn, buồn tủi cho đến khi được một người bạn giải cứu trong tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Khi đó bà 29 tuổi. Được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ, bà Maria đã được 1 vị bác sĩ giúp cô nhận thức rõ hơn về bản thân mình. Người này đã giúp cô nhận ra rằng mình không phải là một nạn nhân mà là người sống sót.
Nhiều năm sau, bà Maria tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Ông tên Eberhardt Tinschert, một kỹ sư người Đức rất tử tế và kiên nhẫn, yêu thương bà hết mực, người đã cho bà thấy ý nghĩa của sự chăm sóc, cống hiến. Họ kết hôn trong niềm hạnh phúc vô bờ và chính ông là người đã khuyến khích bà đổi tên từ Mary thành Maria như một cách để quên đi quá khứ, tiến về phía trước và chữa lành vết thương lòng. “Anh ấy là người khiến tôi hiểu rằng thế giới này không phải chỉ toàn quái vật”, bà Maria tự hào chia sẻ về chồng. Ông đã qua đời bởi căn bệnh đa u tủy xương vào năm 2010.
Hôn lễ của bà Maria và ông Eberhardt Tinschert. (Ảnh: dailymail)
Ông khuyến khích bà đổi tên từ Mary thành Maria như một cách để quên đi quá khứ, tiến về phía trước và chữa lành vết thương lòng. (Ảnh: dailymail)
Bà Maria chưa bao giờ chia sẻ câu chuyện về tuổi thơ đen tối của mình cho đến những năm ở tuổi 60, sau khi đã đổi tên thành Maria. Mặc cho cách cư xử của mẹ dành cho mình, bà Maria vẫn yêu mẹ vô cùng. “Bà là một trong những người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy. Trong tâm trí tôi, tôi từng muốn mình trông giống như mẹ. Tôi không thích những gì đã xảy ra với tôi. Tôi cũng không biết nữa. Đó là mẹ tôi và vì vài lý do nào đó, tôi muốn làm mẹ vui lòng”, bà Maria chia sẻ. Bố của bà Maria qua đời năm 1966 trong một vụ tai nạn xe hơi, còn bà Violet đã qua đời vào năm 1978, được chôn cất cạnh chồng trong nghĩa trang Rookwood ở Sydney. Trước khi mất, bà Violet đã trao cho con gái toàn bộ số nữ trang mà mình có được. Tuy nhiên, bà Maria đã cất nó ở một nơi bí mật và không muốn con mình biết đến sự tồn tại của số nữ trang đó.
Bà Maria bên số nữ trang mẹ trao lại cho mình trước khi bà qua đời. (Ảnh: dailymail)
Kể từ khi được giải cứu, bà Maria luôn hết lòng cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội. Bà giúp đỡ những trẻ em chịu nhiều thiệt thòi, bà có những bài phát biểu tiếp thêm động lực cho những người có hoàn cảnh như bà, bà giúp họ nhận ra mình là người sống sót chứ không phải là nạn nhân để họ cảm thấy mình may mắn. Bà còn viết quyển hồi ký Daughter of the Razor để kể về cuộc đời nhiều sóng gió mà mình đã trải qua.
Bà Maria cùng quyển hồi kí của mình. (Ảnh: dailymail)
(Nguồn: dailymail, mamamia)