Tủi thân khi con tôi muốn bố và mẹ kế lên sân khấu hôn lễ

Thanh Tâm,
Chia sẻ

Giờ con chuẩn bị lấy vợ. Con mong muốn cả nhà tôi đến chung vui nhưng bố và mẹ Lan (vợ mới của chồng cũ tôi) sẽ lên sân khấu cùng con.

Chị Thanh Tâm thân mến!

Vợ chồng tôi chia tay nhau khi con trai lên 7 tuổi. Vì áp lực gia đình chồng, bản thân lại chưa có việc làm và thu nhập ổn định nên tôi phải để con lại nhà nội, ra đi với hai bàn tay trắng. Tôi cố gắng giữ kết nối với con trai, nhà chồng cũ cũng tạo thuận lợi cho hai mẹ con gần gũi, gắn bó.

Bốn năm sau, chồng cũ của tôi kết hôn. Tôi lúc đó cũng đã có công việc thuận lợi, xin phép gia đình chồng cũ đưa con về nuôi nhưng họ không đồng ý, bảo tôi cứ giữ như cũ, rồi còn lo mà lập gia đình của mình.

Tôi thấy mọi việc giữa tôi và con cũng suôn sẻ nên cũng xuôi. Ba năm sau tôi lấy chồng rồi sinh một con gái. Mối quan hệ của mẹ con tôi không còn gần gũi như xưa khi thời gian gặp nhau rất ít.

Lúc đó, con trai tôi 15 tuổi, bắt đầu dậy thì. Dường như giai đoạn nhạy cảm đó khiến cháu khó chấp nhận chuyện mẹ lấy chồng mới, có em bé. Và mẹ con tôi cứ thế ngày một xa nhau hơn.

Giờ con chuẩn bị lấy vợ. Con mong muốn cả nhà tôi đến chung vui nhưng bố và mẹ Lan (vợ mới của chồng cũ tôi) sẽ lên sân khấu cùng con.

Tôi cũng nghĩ rằng đó là phương án tối ưu vì con gắn bó với mẹ Lan trong cả hành trình khôn lớn, tôi cũng không muốn làm chồng và con gái phải suy nghĩ hay tổn thương. Nhưng trong lòng vẫn trào dâng một nỗi niềm chua xót, tủi thân…

Tôi xin được giấu tên.

Chào chị!

Là một người mẹ, việc cảm thấy buồn tủi khi không thể gần gũi với con mình như mong muốn là điều tự nhiên. Hành trình của chị đầy thử thách và sự hy sinh. Những nỗ lực của chị để giữ kết nối với con dù trong hoàn cảnh khó khăn đã thể hiện tình yêu của chị dành cho con trai.

Tuy nhiên, Thanh Tâm khuyến khích chị thử nhìn mọi việc từ một góc độ khác để lòng nhẹ nhõm hơn:

Trước hết, hãy hiểu và chấp nhận vai trò hiện tại của mình. Trong cuộc đời con trai, chị đã, đang và sẽ mãi là mẹ ruột - một vị trí không ai có thể thay thế. Dù con đã gắn bó với mẹ Lan trong nhiều năm, điều đó không làm mất đi ý nghĩa của mối quan hệ giữa hai mẹ con.

Mẹ Lan có thể đồng hành với con trong hành trình trưởng thành nhưng chị là người đã mang con đến với thế giới này và luôn âm thầm dõi theo, yêu thương con.

Chị hãy tôn trọng quyết định của con về việc để bố và mẹ Lan cùng xuất hiện trên sân khấu. Đó là mong muốn xuất phát từ tình cảm và sự gắn bó của con với gia đình hiện tại, không có nghĩa là con không yêu thương hay không nhớ đến chị.

Hãy tin rằng, trong sâu thẳm, con vẫn trân trọng tình yêu của mẹ dành cho con suốt những năm qua.

Hôn lễ là một ngày đặc biệt nhưng nó chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc đời dài rộng của con. Sự hiện diện của chị trong ngày vui của con, với nụ cười nhẹ nhàng và thái độ bao dung, sẽ là điều con nhớ mãi.

Thay vì để nỗi buồn xâm chiếm, hãy tập trung vào cách chị có thể tiếp tục xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với con trai trong tương lai. Chị hãy chăm sóc chính mình và gia đình hiện tại.

Chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn để có một gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng và con gái hiện tại. Đừng để nỗi buồn về mối quan hệ với con trai che lấp niềm hạnh phúc hiện tại. Hãy tận hưởng tình yêu thương từ gia đình mới và xem đây là nguồn động lực để tiếp tục yêu thương và bao dung.

Nếu có thể, chị hãy trò chuyện với con trai để bày tỏ sự yêu thương và tôn trọng quyết định của con. Một lời nhắn như: "Mẹ rất vui mừng và tự hào khi con lập gia đình. Mẹ luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất cho con.

Dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, mẹ vẫn luôn ở đây, dõi theo và yêu thương con!" sẽ giúp con cảm nhận được tình cảm của chị mà không gây áp lực hay tổn thương. Chị biết không, tình yêu của một người mẹ không cần phải chứng minh bằng những khoảnh khắc công khai, mà được thể hiện qua những hành động thầm lặng và bền bỉ.

Chia sẻ