Tức nghẹn cổ vì những lão chồng keo kiệt
Mang tiếng có chồng, thậm chí chồng lương cao ngất, thế nhưng những người vợ này chẳng được tiêu tiền của chồng. Ngược lại, họ còn phải nuôi chồng khiến nhiều lúc không khỏi tức nghẹn cổ.
4 năm kết hôn, dù chị Huệ, 28 tuổi (Hà Đông, HN) cũng biết chồng không đến nỗi nào. Nhưng nhiều lúc nghĩ đến người chồng hàng ngày đầu ấp tay kề này mà cứ keo kiệt với vợ con khiến chị tức đến nghẹn cổ. Nhiều lúc tức giận người chồng keo kiệt này, chị không làm gì được.
Trước đây, khi xem những bộ phim về các gã chồng keo kiệt, chị Huệ cứ nghĩ những nhân vật như thế chỉ có trên phim ảnh thôi, chứ không có trong thực tế. Nhưng chồng chị, đi làm mang tiếng lương gần 40 triệu thế song hàng tháng anh không bỏ ra cho vợ chi tiêu mà cất hết vào két hoặc để tài khoản tiết kiệm để ngắm. Trong khi tiêu gì, chồng chị cũng lấy tiền của vợ.
“Nào có phải chồng mình không kiếm được ra tiền đâu. Lương tháng của anh không hề thấp. Nhưn từ trước đến giờ, 4 năm sống cùng với chồng, mình là vợ mà phải bao tất các khoản chi tiêu trong gia đình: ăn uống, điện nước, gas, điện thoại, tiền học cho con, quần áo, đồ dùng và nhiều khoản tiền đối nội đối ngoại khác… Chồng không bao giờ đưa cho mình 1 xu đề chi tiêu cả. Lương của chồng được 38 triệu/tháng thì lão để cả 37 triệu vào tài khoản tiết kiệm. Lão chỉ để 1 triệu để chi tiêu cá nhân. Có lúc chi tiêu cá nhân của chồng không đủ, chồng còn quay sang thản nhiên xin vợ tiền” - Người vợ này kêu trời.
Đi làm mang tiếng lương gần 40 triệu thế song hàng tháng anh không bỏ ra cho vợ chi tiêu mà cất hết vào két hoặc để tài khoản tiết kiệm để ngắm. Trong khi tiêu gì, chồng chị cũng lấy tiền của vợ (Ảnh minh họa)
Chị Huệ cũng phân trần: “Được cái lương tháng của mình cũng khá nên vẫn chi tiêu thoải mái. Là vợ mà chẳng được cầm tiền của chồng, chẳng được chồng cho tiền nên mình cũng tự ái không thèm hỏi han hay đếm xỉa đến lương lậu của chồng nữa. Mình chẳng biết có lão nào keo kiệt như chồng mình không. Mang tiếng có chồng làm lương cao mà chẳng được nhờ chồng. Chưa kể hàng tháng còn phải nuôi cả chồng nữa”.
Có những lúc, là phụ nữ, chị Huệ cũng muốn sắm sửa thứ này thứ nọ cho bản thân và gia đình. Nhưng lần nào muốn mua sắm gì đó, chị phải nói ráo với chồng hàng chục lần để làm công tác tư tưởng trước. Bởi lần nào, chồng của chị cũng gạt đi: “Chẳng hiểu sao, chồng mình rất sợ phải chi tiêu. Nhiều lúc bàn sắm thêm đồ đạc hoặc nâng cấp cho các vật dụng, nội thất trong nhà mà chồng cứ gạt đi, bảo dùng thế cũng được. Lâu dần biết bệnh của chồng, mình không hỏi nữa, cứ tích cóp đủ tiền, thích là zing về. Mua về, lại bị chồng cằn nhằn vài hôm đến điếc tai nhưng mình mặc kệ”.
Có những lúc vì mua sắm vật dụng trong nhà, tiền của chị Huệ hết sạch. Những lúc ấy, chị bắt buộc phải bảo chồng đưa tiền cho chi tiều thì chồng toàn đưa nhỏ giọt hoặc cằn nhằn đến điếc tai: “Có lúc tiền tiêu vào mua nội thất hết, lương tháng chưa đến nên mình bảo chồng đưa tiền tiêu tạm. Lần nào cũng vậy, mình phải trơ mặt nhắc cả chục lần, anh mới đưa. Mỗi lần đưa thì 300-500 ngàn đồng một khiến mình phát điên lên. Có lúc bực quá mình phải sang vay tạm mẹ đẻ, cuối tháng có lương thì trả”.
Nói về người chồng ky bo và keo kiệt này, Huệ kêu ca: “Chồng mình tất cả mọi cái đều ổn, nhưng phải mỗi cái tính xấu ky bo cực kỳ, không muốn bỏ tiền chi cái gì. Nhiều lúc mình ức đến phát khóc. Cứ nghĩ chẳng may nếu bị thất nghiệp hay không đủ chi tiêu hàng ngày mà mình phải ngửa tay xin tiền lão chồng ky bo này thì mình chắc stress và chết mất”.
Cũng trong hoàn cảnh có chồng hiền lành, lại khá tài giỏi trong công việc, rất yêu thương con, chịu khó giúp vợ, nhưng Minh (Hàng Buồm, HN) cũng nhiều lần phát điên với lão chồng bủn xỉn, keo kiệt.
Chồng Minh, dù mang tiếng là Phó giám đốc một công ty lớn. Lương tháng cao ngất thế nhưng khi chi tiêu trong gia đình lại không thoải mái chút nào. Nhiều khi chính Minh cũng không thể hiểu nổi, tại sao chồng lại thế. Sống với người chồng như vậy, Minh chưa bao giờ cảm thấy thoải mái.
“Vợ chồng tôi cũng chỉ mới cưới nhau được hơn 2 năm và đã có em bé rồi. Song phải thừa nhận sống với chồng keo kiệt, tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái. Cho dù chồng tôi cũng thường xuyên đi làm về giúp đỡ vợ việc nhà hay chăm sóc và yêu thương vợ con” - Minh kể.
Chuyện càng trở nên căng thẳng khi người vợ trẻ này phải nghỉ đẻ và ở cữ: “Vì không đi làm nên hàng tháng nên tôi không có lương và phải sống hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền chồng đưa. Tiền lương tháng của chồng, chồng vẫn gửi hết vào sổ tiết kiệm mang tên chồng như trước đây. Trong khi số tiền chồng đưa hàng tháng chỉ đủ cho tôi đi chợ búa, cơm nước và mua đồ cho con. Nhiều khi dù ở nhà, tôi cũng muốn mua sắm cái này cái khác mà chẳng có tiền để mua. Những lúc ấy lại phải hỏi chồng. Nhưng nhiều lúc ngại hỏi xin nên đành thôi” - Người vợ trẻ này kể.
Chồng Minh, dù mang tiếng là Phó giám đốc một công ty lớn. Lương tháng cao ngất thế nhưng khi chi tiêu trong gia đình lại không thoải mái chút nào. Nhiều khi chính Minh cũng không thể hiểu nổi, tại sao chồng lại thế (Ảnh minh họa)
Sống cùng người chồng chi li và keo kiệt như vậy, cuộc sống của bà mẹ trẻ này trở nên dần đơn điệu và ngột ngạt: “Lương chồng thuộc hàng cao, vậy mà chi tiêu trong gia đình đều chi li tính toán, đồ đạc cũng không dám sắm sửa, các ngày lễ cũng chẳng mua bán gì nhiều. Nghĩ tới chồng như vậy mà buồn so, nhưng lại phải chấp nhận thôi vì hình như là cái tính rồi. Cũng may, được cái là ngoài tật này chồng không dính dáng đến mấy thói hư tật xấu khác”.
Hiện, người vợ trẻ này xác định: “Tôi mong mau mau chóng chóng cho hết 6 tháng ở cữ để còn đi làm có chút tiền chi tiêu cá nhân. Thôi thì trời không chịu đất, đất cũng phải chịu trời. Tôi chỉ lo nhất là sau này nếu phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, rồi phải hàng ngày hỏi xin từng đồng tiền tiêu từ chồng thì không biết lúc ấy có chịu nổi không nữa”.