Từ vụ nhóm trẻ gây náo loạn ở TTTM: Đừng nói "Trẻ con có biết gì đâu", chỉ phụ huynh vô trách nhiệm mới làm vậy!
Ngoài răn dạy nghiêm khắc để các em biết được lỗi sai, người lớn cũng nên có cái nhìn bao dung nhằm giúp trẻ có thể quay đầu và hoàn thiện mình.
Vụ việc nhóm 3 bé trai gây náo loạn ở trung tâm thương mại vì những hành động ngỗ ngược vẫn đang nhận nhiều quan tâm trên MXH. Cụ thể, nhóm trẻ này quậy phá không cho một bé gái hát karaoke tại quầy hát. Tuy nhiên khi bị người lớn nhắc nhở thì các em chửi thề, thái độ thách thức, có những hành động quấy rối với đối phương. Khi xem clip ghi lại hành động và lời nói của 3 em, nhiều người không khỏi thấy sốc và buồn trước những phản ứng lệch chuẩn từ khi còn nhỏ của các bạn.
Sự việc càng nhận được nhiều chú ý hơn, sau khi một người tự xưng là người nhà của một trong 3 bé trai lên tiếng. Dù đưa ra lời xin lỗi nhưng người này vẫn thể hiện thái độ bênh con thái quá, không đánh giá đúng vấn đề hay nhận ra con em mình cần được dạy dỗ nghiêm khắc hơn: "Cháu ở nhà rất ngoan", "Sự việc không có gì to tát", "Dù sao con chị cũng không tổn hại gì cả", "Cháu em còn nhỏ hiếu động, chị là người lớn đừng trách nó"... Động thái của người này khiến netizen thêm ngán ngẩm.
Được biết, hiện 3 đứa trẻ này đang tạm trú trên địa bàn phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ba bạn đều có hoàn cảnh khó khăn, đang ở trọ cùng gia đình. Trong 3 bé thì có 2 trẻ là anh em ruột lần lượt sinh năm 2012 và 2014... Cha mẹ của hai em này đều là người khiếm thị, mưu sinh bằng nghề bán tăm bông, diêm,... Đứa trẻ còn lại bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, được bà ngoại cưu mang. Bà ngoại kiếm sống nhờ công việc bán bánh mì, nước giải khát trước cổng bệnh viện.
Do điều kiện kinh tế nên 3 đứa trẻ không được đi học. Các em không biết đọc, viết, đồng thời cũng chưa có giấy khai sinh. Hiện, các em đã nhận lỗi và tỏ ra hối hận về hành vi của mình.
Sau khi câu chuyện của nhóm trẻ này được phơi bày dưới góc nhìn đa chiều, nhiều người đã chuyển hướng sang thương xót và thông cảm. Tuy nhiên, mọi người cũng đau đáu suy nghĩ rằng thực tế những vụ việc tương tự cũng từng xảy ra trước đó không chỉ một mà rất nhiều lần. Nhóm trẻ trong vụ việc lần này có thể đã hành xử sai do thiếu sự sát sao của gia đình vì hoàn cảnh bất khả kháng song không phải tất cả các sự việc trước đó đều có mẫu số chung như vậy.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Làm sao để trẻ nhỏ không có những hành vi và phát ngôn lệch chuẩn, thiếu tôn trọng người khác ở nơi công cộng? Đây là "bài toán" cần giải để không đứa trẻ nào gây thất vọng về cách hành xử ở thời điểm đang phát triển tâm sinh lý, cũng như bồi đắp nhân cách tốt đẹp của em sau này.
Khi trẻ có hành động không lệch chuẩn, đừng nói: "Trẻ con có biết gì đâu"!
Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) lý giải: Hành vi và lời nói thiếu chuẩn mực của trẻ nhỏ được "bồi đắp" và bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố:
1/ Yếu tố sinh lý: Trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ có nhiều sự thay đổi về chất dẫn truyền thần kinh, hormone nên sẽ có nhiều sự biến đổi về cảm xúc và hành vi bất thường. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân phổ biến dẫn đến rối loạn tâm lý của trẻ vị thành niên.
2/ Yếu tố xã hội: Môi trường là nơi trẻ sinh ra và lớn lên. Trẻ sẽ học tập thông qua việc bắt chước các hành vi, thói quen và suy nghĩ của người trưởng thành. Vậy nên phong cách dạy dỗ của người lớn đối với trẻ là vô cùng quan trọng trong việc định hình hành vi của trẻ trong cuộc sống.
3/ Yếu tố tâm lý cá nhân: Trẻ sẽ có tự định hình nét tính cách thông qua suy nghĩ cá nhân. Với những trẻ trong tuổi vị thành niên sẽ thường có những hành vi thử và sai trong cuộc sống. Trẻ sẽ thực hiện một số hành vi thách thức lại các quy tắc tại gia đình, trường lớp hoặc nơi công cộng. Nếu không có sự giáo dục đúng mức thì trẻ được củng cố hành vi sai lệch và xây dựng nét tính cách rối loạn.
Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh chia sẻ thêm, phong cách giáo dục từ phụ huynh là 1 trong 3 yếu tố định hình hành vi của trẻ.
Vị chuyên gia nhận định về trách nhiệm của phụ huynh: "Bên trong tâm trí của mỗi người sẽ thường xuyên có những nhu cầu bản năng như thích sự dễ chịu, giải trí và những hoạt động thỏa mãn bản thân,… Những nhu cầu bản năng này có nhiệm vụ giúp con người tận hưởng cuộc sống, tuy nhiên, con người sẽ sống trong một tập thể, một nhóm xã hội vậy nên cần tuân thủ các quy tắc của nhóm xã hội để đảm bảo trật tự và vận hành của nhóm chẳng hạn như gia đình, nhà trường, nơi công cộng. Khi trẻ em có quá nhiều nhu cầu bản năng thì trẻ sẽ vi phạm các quy tắc chuẩn mực cộng đồng gây ảnh hưởng đến người khác và chắc chắn hành vi này sẽ bị lên án bởi mọi người xung quanh.
Vậy nên phụ huynh cần nhận trách nhiệm về bản thân mình. Trẻ không thực hiện hành vi sai lệch ở nhà nhưng lại thực hiện hành vi đó ở nơi công cộng thì phụ huynh cần cẩn trọng và suy xét lại phong cách dạy trẻ trong cuộc sống của phụ huynh".
Khi trẻ mắc lỗi, mà phụ huynh nói rằng: "Trẻ con có biết gì đâu" thì được xem như là một câu nói né tránh trách nhiệm giáo dục trẻ của mình. Điều này sẽ gây ra một đặc quyền sai lầm là trẻ sẽ không chịu trách nhiệm về hành vi của bé. Vậy nên phụ huynh cần nâng cao khả năng giáo dục quy tắc chuẩn mực đạo đức cho trẻ từ đó nhận trách nhiệm về bản thân cũng như yêu cầu trẻ phải có trách nhiệm với hành vi của mình.
Làm sao để đưa trẻ về với đúng con đường?
Giữa thời đại của mạng xã hội, ai nấy khi ra đường đều ít nhiều phải cân nhắc tính đúng sai trong hành động của mình, nếu không muốn lời nói và hành vi của bản thân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội rồi từ đó bị phê phán và chỉ trích bởi cộng đồng mạng. Các bạn nhỏ cũng vậy.
Tuy nhiên khác với người lớn - đối tượng đã hình thành nhận thức và biết cách bảo vệ bản thân thì nhiều bạn nhỏ lại đang trong quá trình hình thành tâm sinh lý, tư duy phản biện và khả năng tự bảo vệ bản thân còn quá mong manh trước những đợt tấn công dữ dội từ cư dân mạng. Nhiều đứa trẻ đã không thể đứng dậy sau khi lỡ mắc sai lầm trong quá khứ, bị công chúng chỉ trích. Và sau đó các em trưởng thành với biết bao nhiêu vết sẹo, đi cùng với những hoài nghi về giá trị cốt lõi của bản thân mình.
Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh lý giải về vấn đề này: "Trẻ em sẽ luôn có những hành vi lệch chuẩn trong quá trình trưởng thành. Và trẻ sẽ có cảm xúc xấu hổ nếu như nhiều người biết về hành vi sai lệch của mình, đặc biệt là các bạn cùng lớp.
Thời điểm trước đây trên mạng xã hội cũng nói về việc giáo viên liệt kê tội của học sinh trước lớp với mục tiêu làm gương cho các bạn không tái phạm nhưng lại khiến cho bạn bị kể tội trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trong lớp, bị xấu hổ khi các bạn trêu ghẹo lỗi lầm của mình. Như vậy việc đưa hành vi sai lệch của trẻ lên mạng xã hội có thể sẽ khiến trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý vì sẽ có rất nhiều người nhìn thấy hành vi của trẻ. Những hình ảnh xấu này có tính lan truyền, được lưu trữ lâu sẽ khiến cho trẻ tái tổn thương nhiều lần và nhiều năm nếu như vô tình trẻ hoặc bạn bè của trẻ nhìn thấy".
Và để uốn nắn bạn trẻ từng có hành vi lệch chuẩn về lại đúng con đường, phụ huynh cần giữ sự bình tĩnh và nhìn nhận các khía cạnh sau:
- Nhận trách nhiệm giáo dục và nhắc nhở trẻ là điều phụ huynh cần làm.
- Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ các quy tắc trong gia đình, nơi công cộng và trường học.
- Người lớn cùng trẻ thực hiện các hành vi lành mạnh, quản lý tốt các nhu cầu bản năng có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng.
- Hướng dẫn trẻ phân định đúng sai trong các tình huống cụ thể và từ đó giúp trẻ có được bài học kinh nghiệm trong những lần sau.
- Hạn chế việc gây ra sự xấu hổ bên trong trẻ vì có thể trẻ sẽ xuất hiện sự sợ hãi và dẫn đến những lời nói dối, che dấu các hành vi sai lệch của mình trong tương lai.