Xem xong "Sex and the City", tôi mới hiểu tại sao khi đi họp phụ huynh cho con, không một ai vui vẻ nói chuyện với mình!
Sex and the City khiến tôi nhận ra, cách dạy con trước đó của mình sao mà ngớ ngẩn và dại dột!
- Tâm sự của một bà mẹ sau khi xem Sex and the City và giật mình nhận ra bản thân đang dạy con sai cách như nào:
Tôi chưa từng nghĩ rằng một bộ phim như Sex and the City lại có thể khiến tôi suy ngẫm sâu sắc về cách dạy con. Là một người mẹ, tôi luôn tự hào vì cô con gái hiện học lớp 11 của mình luôn nằm trong top 2 của lớp, là thành viên đội tuyển Học sinh Giỏi, năm lớp 9 từng đoạt giải HSG môn tiếng Anh cấp thành phố, IELTS hiện 7.5.
Khi thi lớp 10, cháu đạt điểm đầu vào Thủ khoa, được từ nhà trường đến tổ dân phố khen ngợi. Tất cả những điều này khiến tôi khoe khoang, kể lể với bạn bè, hàng xóm cả ngày không hết.
Tôi tự hào về con nhưng chưa bao giờ nhận ra con là một đứa trẻ có vấn đề! Khi đi họp phụ huynh cho con, tôi mới phát hiện con không có bất kỳ một người bạn thân thiết nào. Trong khi các phụ huynh có con chơi thân với nhau túm lại trò chuyện, thì tôi bối rối vì không tìm thấy phụ huynh của bạn thân con mình.
Tôi chợt nhớ lại, chưa thấy con dẫn một người bạn nào về nhà, cũng chưa thấy con kể về ai, lễ Tết cũng chưa từng xin phép bố mẹ đi chơi với bạn, cũng chưa thấy nhận được quà sinh nhật nào từ bạn bè.
Chồng từng cảnh báo tôi: "Không khéo con mình thành con "mọt sách", chả thấy đi đâu chơi, chỉ đi từ trường đến lớp học thêm, rồi lại ru rú ở nhà". Tôi từng nạt chồng nói linh tinh, nhưng sau khi đi họp phụ huynh cho con, tôi bắt đầu lo sợ.
Tôi thấy hình ảnh con gái mình trong Miranda Hobbes của Sex and the City
Miranda Hobbes, một luật sư tài giỏi, luôn là hình mẫu của sự thông minh và quyết đoán. Tuy nhiên, Miranda lại thiếu tự tin khi bước ra ngoài những khuôn khổ chuyên môn của mình. Cô cảm thấy lạc lõng trong các bữa tiệc và khó kết nối với mọi người xung quanh. Tôi nhớ một cảnh trong phim khi Miranda ngồi một mình tại một bữa tiệc công ty, không biết cách hòa nhập. Khi ấy, tôi nhận ra rằng, con gái mình giống Miranda ở nhiều điểm: Học giỏi, chăm chỉ, nhưng lại thu mình và ngại giao tiếp.
Trước đó, tôi đã luôn nghĩ rằng con chỉ cần học giỏi là đủ. Tôi khen ngợi con khi con đạt điểm cao và thậm chí nói rằng không cần quan tâm đến việc có bạn bè.
Tôi từng nói với con: " Chỉ cần học giỏi, con sẽ có tương lai sáng lạn, bạn bè có hay không không quan trọng", đôi khi tôi còn nói đùa: "Người đứng trên đỉnh thường cô đơn". Nhưng bây giờ, tôi nhận ra rằng suy nghĩ đó thật sai lầm.
Nhìn Miranda trong phim, rồi đến buổi họp phụ huynh kia, tôi hiểu rằng một người dù giỏi đến đâu cũng cần biết cách xây dựng các mối quan hệ xã hội. Không phải chỉ để "hòa nhập", mà còn để sống hạnh phúc hơn, trọn vẹn hơn. Con gái tôi không thể mãi sống trong thế giới của riêng mình. Nếu không học cách kết nối với mọi người, liệu con có hạnh phúc không?
Sau này khi con ra xã hội, khi gặp khó khăn và cần giúp đỡ, người giúp được cho con là bạn bè, là các mối quan hệ xã hội, chứ không phải điểm 9, điểm 10 trên giấy thi, không phải bằng khen giải Học sinh Giỏi cất trong tủ kính. Chẳng hạn có một ngày con bị ốm, con phải nhờ bạn mua thuốc giúp, chứ chẳng thể lôi giấy khen ra ngắm cho hạ sốt được!
Tôi nhận ra sự ngu ngốc trước đây của mình và chủ động ngồi xuống nói chuyện với con, khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Tôi không còn ép con phải đạt điểm tuyệt đối nữa, thay vào đó, tôi muốn con dành thời gian tham gia các hoạt động nhóm, kết bạn, thử nói chuyện với mọi người nhiều hơn, bất kể các bạn học giỏi hay học kém, chỉ cần không phải bạn hư là được.
"Con không chỉ cần giỏi giang, mà còn cần những người bạn để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Học giỏi là quan trọng, nhưng biết yêu thương, kết nối với người khác mới là điều sẽ giúp con sống hạnh phúc", tôi khuyên con.
Hai mẹ con tôi đã có một buổi nói chuyện dài và con cũng thừa nhận, có những lúc rất buồn, cô đơn vì không có ai nói chuyện cùng. Nhiều lúc con muốn có bạn, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Sau khi nghe con chia sẻ, tôi đã khuyến khích con hãy thử gần gũi hơn với những người bạn gần con nhất, chẳng hạn như bạn cùng bạn. Trong giờ ra chơi, hãy thử bắt đầu câu chuyện bằng cách hỏi bạn dạo này có xem phim gì hay không, có đi học thêm môn gì, hay con có thể hỏi bạn có sở thích ăn uống gì rồi rủ bạn cùng nhau đi ăn sau giờ tan học. Dưới lời khuyên của tôi, con đã thật sự bắt thân được với người bạn ngồi cạnh mình.
Một tuần sau, lần đầu tiên tôi thấy con tan học về mà vui vẻ như vậy. Con kể, cuối tuần con và bạn đi xem phim. "Hóa ra con với cái Ngân hợp tính thế mà giờ mới biết. Trước con với nó chỉ nói với nhau vài câu kiểu "Nãy tớ chép bài không kịp, cậu cho tớ mượn vở". Hôm trước cái Ngân bảo: "Tớ thấy cậu cũng vui tính phết, thế mà trước giờ chả bao giờ nói chuyện gì, tớ tưởng cậu học giỏi nên ti toe".
Nhìn con có bạn, tôi vui hơn ai hết. Cảm ơn nhân vật Miranda Hobbes đã giúp tôi nhận ra rằng, đôi khi chúng ta quá tập trung vào việc làm tốt một khía cạnh của cuộc sống mà bỏ qua những khía cạnh khác. Giống như Miranda, con gái tôi cần học cách cân bằng: Giỏi giang trong học tập, nhưng cũng phải tự tin và cởi mở hơn trong giao tiếp xã hội.
Thành công không chỉ nằm ở điểm số, mà còn nằm ở những kết nối, tình bạn và sự tự tin trong cuộc sống. Vì một người thật sự thành công là người biết tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, cả trong công việc lẫn các mối quan hệ.