Từ vụ nhiễm xoắn khuẩn Leptospira khi đi thác nước: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng ngừa
Một số triệu chứng ban đầu của bệnh xoắn khuẩn Leptospira dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Nếu không điều trị, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Gần đây, Khoa Nội thận - Tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) thông tin vừa điều trị thành công cho người bệnh P.V.T (ở Định Hóa, Thái Nguyên) bị tổn thương thận cấp và suy gan cấp do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.
Theo khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho hay, 7 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân cùng bạn đi chơi ở thác nước. Sau đó về nhà thì người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt, mẩn ngứa toàn thân, đi ngoài phân lỏng nhiều lần và sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự điều trị trong 1 ngày. Khi gia đình thấy người bệnh nôn nhiều, đi tiểu ít thì đã cho bệnh nhân nhập viện ngay.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.
Hiện nay, bệnh xoắn khuẩn Leptospira ở người ít phổ biến nhưng bệnh vẫn xuất hiện tản phát, nhất là trong mùa mưa lũ.
1. Bệnh xoắn khuẩn Leptospira là gì?
Bệnh Leptospirosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Leptospira gây ra. Ở người, bệnh chủ yếu lây lan khi tiếp xúc với nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh hoặc có thể xảy ra do tiếp xúc với đất hoặc nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn này (nguồn nước hoặc đất có thể bị ô nhiễm do nước tiểu của súc vật hoang dã bị bệnh). Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở hoặc niêm mạc, như mắt hoặc miệng. Sau đó xoắn khuẩn này sẽ đi vào máu và lan ra khắp cơ thể.
Thông thường vi khuẩn Leptospira được thải ra theo nước tiểu khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, người ta đã theo dõi ở cả người và ở súc vật thì sau khi mắc bệnh cấp tính, Leptospira được đào thải trong nước tiểu nhiều tháng, thậm chí có thể nhiều năm. Đặc biệt, các súc vật là ổ chứa Leptospira phổ biến, nhất là các loại hoang dã có thể lây truyền bệnh suốt đời.
Bệnh xoắn khuẩn Leptospira trải qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh leptospirosis, là giai đoạn nhiễm xoắn khuẩn huyết cấp tính, gây ra các triệu chứng khá giống với bệnh cúm.
- Giai đoạn 2: Là giai đoạn miễn dịch xoắn khuẩn vàng da, khi chuyển sang giai đoạn này, bệnh nghiêm trọng hơn và kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, giai đoạn này ít phổ biến hơn so với giai đoạn đầu tiên của bệnh leptospirosis.
2. Triệu chứng của bệnh xoắn khuẩn Leptospira
Bệnh xoắn khuẩn leptospirosis gây ra các triệu chứng giống như cúm nhẹ hoặc hoàn toàn không có triệu chứng. Khi xuất hiện triệu chứng, bệnh leptospirosis có thể gây ra các triệu chứng với nhiều loại và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
- Bệnh xoắn khuẩn Leptospira nhẹ có thể gây ra các triệu chứng như:
+ Sốt
+ Ho
+ Đau đầu
+ Đau cơ (đặc biệt là bắp chân và lưng dưới)
+ Phát ban không ngứa (chủ yếu ở cẳng chân), có thể dẫn đến tiêu cơ vân
+ Tiêu chảy
+ Nôn mửa
+ Ớn lạnh
+ Mắt đỏ
+ Đau bụng
- Các triệu chứng của bệnh xoắn khuẩn Leptospira nặng bao gồm:
+ Vàng da (vàng da và mắt)
+ Suy thận
+ Suy gan
+ Xuất huyết
+ Các vấn đề về hô hấp
+ Rối loạn nhịp tim
+ Viêm màng não vô trùng
+ Viêm cơ tim
Thời gian ủ bệnh xoắn khuẩn Leptospira thông thường là 10 ngày. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của có thể kéo dài đến 30 ngày.
3. Bệnh xoắn khuẩn Leptospira nguy hiểm như thế nào?
Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, kịp thời, người bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm màng não
- Suy gan
- Tổn thương thận (có thể dẫn đến suy thận)
- Các vấn đề về hô hấp
- Suy giảm huyết động (sốc)
- Sảy thai hoặc chết lưu ở phụ nữ mang thai
- Đe doạ tính mạng
4. Ai là người có nguy cơ cao mắc bệnh xoắn khuẩn Leptospira
Ai cũng có nguy cơ nhiễm xoắn khuẩn Leptospira. Tuy nhiên, một số người làm việc hoặc sinh sống trong các môi trường sau dễ nhiễm loại vi khuẩn này hơn:
- Sống ở vùng khí hậu nhiệt đới hoặc ôn đới
- Môi trường làm việc tiếp xúc nhiều với động vật, như nông dân chăn nuôi bò sữa hoặc bác sĩ thú y
- Những người làm mỏ hoặc vệ sinh cống rãnh
- Tham gia vui chơi ngoài trời mà có nguồn nước, đất ô nhiễm
- Sống ở những khu vực có lũ lụt hoặc vệ sinh không đúng cách
Do đó, những người có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn nên cẩn trọng và có những biện pháp bảo hộ phù hợp khi làm việc.
5. Cách phòng ngừa bệnh xoắn khuẩn Leptospira
Xoắn khuẩn Leptospira khá nguy hiểm khi gây bệnh ở người. Do đó, mọi người nên có những biện pháp phòng bệnh tích cực như:
- Tránh bơi trong các ao, hồ, sông, suối tự nhiên, nhất là những khu vực có nhiều động vật hoang dã vì các địa điểm này có khả năng cao nhiễm nước tiểu của động vật nhiễm bệnh.
- Tránh bơi trong các vùng nước sau khi mưa lớn hoặc lũ lụt. Đặc biệt, nếu có mưa lũ, nên hạn chế tiếp xúc với nước ô nhiễm, nếu cần thiết phải có các dụng cụ bảo hộ như đi ủng, đeo găng tay...
- Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm Leptospira cao phải được trang bị đồ bảo hộ như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt...
- Tại các cơ sở chăn nuôi, các lò mổ, bể bơi… kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.
Có thể nói, bệnh do xoắn khuẩn Leptospira khó chẩn đoán trong giai đoạn đầu vì các triệu chứng không điển hình. Tuy nhiên, nếu sau khi tiếp xúc với nước tiểu động vật hoặc vui chơi, làm việc trong các môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao và thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm.