Điều trị thành công ca bệnh hiếm gặp: Tổn thương đa cơ quan do nhiễm xoắn khuẩn Leptospira, mắc COVID-19 nặng trên bệnh nền Thalassemia
Đây là trường hợp bệnh nhi 13 tuổi, vừa được các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh điều trị thành công sau 18 ngày nhập viện.
Ngày 19/4, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận trường hợp bệnh nhi T.D.M (13 tuổi), chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế Bình Liêu trong tình trạng mệt, sốt 38,5 độ C, thở nhanh, SpO2 90%, vàng da, nôn ra máu, phù mặt.
Bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán: Suy hô hấp - viêm phổi/mắc COVID-19 - thiếu máu nặng/xuất huyết tiêu hóa có tiền căn bị viêm cầu thận cấp, Alpha Thalassemia.
Bệnh nhi diễn biến với các triệu chứng suy hô hấp tiến triển, sốt cao khó hạ, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, vàng da nặng lên. Các kết quả xét nghiệm cho thấy: Bệnh nhi bị thiếu máu nặng, giảm tiểu cầu; chỉ số nhiễm trùng tăng cao, suy giảm chức năng thận nặng, tăng men gan, tăng bilirubin, tăng men tụy...
Sau khi hội chẩn, bệnh nhi được chẩn đoán: Suy hô hấp - nhiễm khuẩn huyết nặng - tổn thương đa cơ quan - mắc COVID-19 mức độ nặng - nghi nhiễm xoắn khuẩn Leptospira/ Alpha Thalassemia. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị, đồng thời cho xét nghiệm tìm vi khuẩn. Kết quả bệnh nhi bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira.
Với sự kết hợp nhiều phương pháp hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh đặc hiệu, oxy liệu pháp, truyền máu, lợi tiểu, giảm tiết, dinh dưỡng, trị liệu hô hấp, cùng với các biện pháp chăm sóc hỗ trợ, bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện sau 18 ngày điều trị.
Chia sẻ về ca bệnh, BSCKI. Phí Xuân Thi, Phó Khoa Hồi sức tích cực cho biết: Bệnh nhi này bị nhiễm Leptospira nặng có tổn thương đa cơ quan và cũng là 1 trường hợp bệnh hiếm gặp do đồng nhiễm COVID-19. Bệnh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira (Leptospirosis) là bệnh của động vật, chủ yếu là loài gậm nhấm và gia súc, lây truyền cho con người. Lây truyền thường xảy ra khi da hoặc niêm mạc tiếp xúc với đất và nước nhiễm nước tiểu do các loài động vật có Leptospira thải ra môi trường.
Bác sĩ Phi cho biết thêm: Đặc điểm lâm sàng của bệnh đa dạng, từ sốt, đau cơ giống cúm trong thể bệnh nhẹ, đến vàng da, suy thận, xuất huyết da niêm và hội chứng nguy kịch hô hấp cấp trong thể bệnh nặng. Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong vùng dịch tễ cao của bệnh xoắn khuẩn.
Để phòng tránh nhiễm xoắn khuẩn Leptospira (Leptospirosis), người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
Tuyên truyền cho cộng đồng thông tin cần thiết về bệnh xoắn khuẩn vàng da (do Leptospira), đặc biệt là vùng đã từng có ổ bệnh, người có yếu tố nguy cơ nghề nghiệp (thường xuyên tiếp xúc với động vật, làm việc nơi ao hồ...).
Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, thường xuyên khử trùng, tẩy uế... đặc biệt là xử lý nước thải.
Người làm việc trong môi trường trang trại, ao hồ... thường xuyên tiếp xúc với động vật và yếu tố có khả năng lây nhiễm phải được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ: găng tay, khẩu trang, giày, quần áo bảo hộ.
Cơ sở chăn nuôi, chế biến thực phẩm, phòng khám thú y... tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh môi trường và cần phải được kiểm tra định kỳ.