Từ vụ nam sinh tử vong trong bể bơi nhà trường: Các quy định an toàn cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Thạc sĩ Thể thao Trần Cao Khánh cho rằng sự việc đau lòng xảy ra ở Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam là điều không ai mong muốn. Qua sự việc này, các cơ sở giáo dục cần rút kinh nghiệm và chủ động trong việc phòng ngừa tai nạn khi năm học mới sắp bắt đầu.

Liên quan đến vụ việc một nam học sinh tử vong do đuối nước ở bể bơi của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Trần Lâm Thắng - giáo viên dạy môn bơi lội của Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 BLHS.

Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi của nhà trường: Hàng loạt khuyến cáo đã có quy định - Ảnh 1.

Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam

Trước sự việc trên, Thạc sĩ Thể thao Trần Cao Khánh - Trưởng bộ môn Giáo dục Thể chất Trường THPT Kim Sơn A, HLV dự án Dạy bơi phòng tránh đuối nước của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn (Ninh Bình), cho biết tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, nhất là khi nó xảy ra trong chính khuôn viên nhà trường.

Dưới góc độ chuyên môn, Thạc sĩ Trần Cao Khánh cho hay, trong các môn thể thao nói chung và bơi lội hay học bơi nói riêng, vấn đề an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu và vốn đã có quy định rất nghiêm ngặt. Trong đó, có yêu cầu giáo viên dạy bơi phải tuyệt đối tập trung bao quát lớp, quản lý học sinh trước, trong và sau tiết học. Bên cạnh đó, giáo viên phải điểm danh học sinh khi vào giờ học và điểm danh lại sau khi kết thúc giờ học bơi. 

Từ vụ nam sinh tử vong trong bể bơi nhà trường: Các quy định an toàn cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt - Ảnh 2.

Người dạy và học bơi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn

Theo Thạc sĩ Khánh, đây chính là điều mà giáo viên dạy bơi Trầm Lâm Thắng không đảm bảo được, dẫn tới sự việc đau lòng. 

"Ở trường hợp này lỗi lớn nhất là giáo viên không có trách nhiệm với môn học của mình, không bao quát lớp, không giám sát học sinh học tập. Điều quan trọng nhất là không điểm danh lại khi học sinh ra khỏi bể bơi nên để xảy ra tình huống xấu", thầy Khánh chia sẻ.

Quy định an toàn lớp học bơi

1. Mọi người khi tham gia học bơi tuyệt đối phải tuân thủ Nội quy bể bơi.

2. Bể bơi khi có lớp học bắt buộc phải có người phụ trách cứu đuối.

3. Học sinh khi tham gia lớp học bơi phải tuyệt đối thực hiện theo đúng hướng dẫn của Giáo viên lên lớp

4. Học sinh trong lớp học bơi không được tự ý xuống khu vực nước sâu khi chưa có kỹ năng bơi lội

5. Giáo viên dạy bơi phải tuyệt đối tập trung bao quát lớp, quản lý học sinh trước, trong và sau khi kết thúc giờ học

6. Phải điểm danh học sinh khi vào giờ học bơi và điểm danh lại học sinh sau khi học xong giờ học bơi

7. Phải tuyên truyền các phương pháp phòng tránh đuối nước cho học sinh trước khi tham gia học bơi.

8. Học sinh phải nắm được nội quy bể bơi, biết cách phòng tránh đuối nước, biết được các tình huống sẽ dẫn đến bị đuối nước để phòng tránh

9. Khu vực bể bơi phải có camera giám sát an toàn.

(Theo Thạc sĩ Thể thao Trần Cao Khánh)

Trước đó, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đánh giá sự việc đau lòng này là điều không ai mong muốn, từ sự việc, các cơ sở giáo dục cần rút kinh nghiệm và chủ động trong việc phòng ngừa trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu.

Vụ học sinh đuối nước trong bể bơi của nhà trường: Hàng loạt khuyến cáo đã có quy định - Ảnh 2.

Khu vực bể bơi đã tạm dừng hoạt động

Theo diễn biến sự việc, chiều 22/8, lớp 9A1 của trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông) có tiết bơi lội từ 13h20 đến 14h, do giáo viên Trần Lâm Thắng phụ trách.

Khoảng 13h20 cùng ngày, giáo viên Thắng tập trung học sinh lớp 9A1 (27 học sinh) tại khu vực trước cửa bể bơi để chuẩn bị cho tiết bơi lội. Sau khi khởi động khoảng 10 phút, lớp chia làm 2 nhóm (1 nhóm tự chơi thể thao ở sân trường, 1 nhóm gồm 11 học sinh do Thắng hướng dẫn).

Sau khi dẫn học sinh vào bể bơi, giáo viên Thắng đã không phổ biến, hướng dẫn mà để cho các em học sinh tự do xuống bể bơi thực hành. Nam giáo viên này cũng không giám sát mà ngồi sử dụng điện thoại nên không phát hiện học sinh P.H.A (lớp 9A1) đi đến đoạn qua dây phao ngăn cách độ sâu 1,2m và 1,55m thì không đi được nữa, rồi vùng vẫy liên tục trong thời gian khoảng 3 phút trước khi bị chìm.

Sau khi học sinh H.A bị chìm xuống đáy bể bơi, giáo viên Thắng vẫn ngồi vị trí cũ sử dụng điện thoại di động, khoảng 20 phút sau thì gọi và yêu cầu các em học sinh lên bờ rồi cho lớp tự giải tán. Lúc này, vẫn chưa ai phát hiện H.A bị chìm.

Đến 14h06, anh Hà Văn X. - nhân viên vệ sinh của bể bơi, trong lúc dọn vệ sinh bể bơi thì phát hiện H.A nằm bất động dưới đáy bể, khu vực mực nước sâu 1,55m, nên cùng một số giáo viên trong trường đưa cháu H.A vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông cấp cứu. Cơ quan chức năng xác định cháu H. A đã tử vong ngoại viện.

Chia sẻ