Từ vụ hơn 70 học sinh mầm non nghi bị ngộ độc: Sữa chua tự làm tiềm ẩn nguy cơ gì?
Theo nhận định của chuyên gia y tế, có thể trong quá trình làm sữa chua, việc an toàn vệ sinh không được đảm bảo dẫn đến sữa chua bị nhiễm khuẩn.
Sáng ngày 10/5, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, cho biết hiện tại sau quá trình điều trị sức khỏe, các bệnh nhi nghi bị ngộ độc đã ổn định. Một số bệnh nhi sẽ được xuất viện trong sáng nay, các cháu còn lại đang được tiếp tục theo dõi.
Theo ông Dương Phúc Chung - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đô Lương, phần lớn các em học sinh đều chưa bị ngộ độc nặng, đang trong khả năng điều trị của bệnh viện, chưa phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. "Trước mắt, chúng tôi sẽ bù dịch điện giải, điều trị triệu chứng rồi tiếp tục theo dõi thêm", ông Chung cho hay.
Kết quả xác minh ban đầu, địa điểm xảy ra ngộ độc tại bếp ăn bán trú Trường mầm non xã Thuận Sơn. Thời gian ngộ độc vào khoảng 18h30' ngày 9/5. Bữa ăn nghi ngộ độc là bữa ăn giữa chiều cùng ngày. Đã có tổng số 267 học sinh ăn bữa ăn này. Số lượng học sinh xuất hiện các triệu chứng nghi bị ngộ độc như đau bụng, nôn là 76 em.
Bước đầu cơ quan chức năng nhận định, 76 trường hợp nghi bị ngộ độc đều là các cháu mẫu giáo ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều. Vì thế, nguyên nhân gây ngộ độc nghi do món sữa chua.
Sữa chua được các cô nuôi tự chế biến từ nguyên liệu gồm sữa đặc, sữa chua và nước giếng khoan qua lọc. Sau đó được ủ từ 17h ngày 8/5 đến 15h30' ngày 9/5. Sau đó sữa chua được đem ra để cho các cháu ăn. Trong quá trình chế biến, sữa chua được ủ và bảo quản ở nhiệt độ thường, không bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, bản chất của sữa chua là vô hại. Nguyên nhân dẫn đến việc ăn sữa chua bị ngộ độc có thể là trong quá trình chế biến, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm không được đảm bảo (nguồn nước, cách ủ lên men,…) dẫn đến việc sữa chua bị nhiễm độc.
PGS Thịnh phân tích, đặc trưng của sữa chua là lên men, thông thường nhiệt độ bảo quản thường từ 4-8 độ C mới an toàn. Điều kiện khí hậu của nước ta khá nóng, nếu để sữa chua ở nhiệt độ cao rất dễ bị hư, sẽ bị lên mùi, biến đổi màu.
"Sử dụng sữa chua không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá như nôn ói, tiêu chảy, một số trường hợp nặng có thể đưa đến ngộ độc thực phẩm", PGS Thịnh cho biết.
Vì vậy, người tiêu dùng khi sử dụng sữa chua, có thể quan sát bằng cảm quan, nếu sản phẩm mịn đều và không chuyển đổi màu, không có mùi, không có gì bất thường thì mới dùng để tránh những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Một số tác hại khi lạm dụng sữa chua
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết mặc dù sữa chua vô cùng tốt, tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ gây ra một số tác hại như:
Các vấn đề về tiêu hóa: Nếu ăn quá nhiều sữa chua trong ngày sẽ dẫn đến tình trạng đau bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Gây béo phì: Mặc dù sữa chua có thể giúp trọng lượng cơ thể bạn ổn định nhưng nếu ăn nhiều sẽ gây ra béo phì vì trong sữa chua có chứa đường.
Dị ứng: Nếu bạn bị ứng với sữa hoặc sữa chua thì không nên dùng vì nó sẽ gây ra tình trạng khó thở, phát ban thậm chí là nôn mửa.
Bệnh nhân có bệnh nền cần chú ý: Bệnh nhân tiểu đường, xơ vữa động mạch, viêm túi mật và viêm tụy tốt nhất nên tránh loại sữa chua có đường và hàm lượng chất béo cao nếu không muốn bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Ngoài ra một số loại vi khuẩn trong sữa chua và những chất có tính axit có thể gây tổn hại cho răng.