Từ vụ học sinh ngộ độc thực phẩm, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chỉ ra 5 vấn đề về 'trường học an toàn'
'Tôi rất mong trường học ở Việt Nam luôn bị ám ảnh bởi an toàn, luôn lấy thành tích về an toàn trước khi lấy thành tích học thuật. Đó mới đúng nghĩa là trường học vì trẻ em!', chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chia sẻ.
Ngày 20/11, một học sinh trong vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Ischool Nha Trang, tử vong trên đường chuyển vào bệnh viện ở TP HCM. Sở Y tế thống kê đến 11h ngày 20/11, số học sinh ngộ độc được các bệnh viện tiếp nhận trong những ngày qua là 600, trong đó 240 em được cho về nhà theo dõi; 360 em nhập viện điều trị nội trú. Đến chiều 20/11, còn 266 em đang điều trị, trong đó 21 em tình trạng nặng.
Trước vụ việc đau lòng, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ nỗi đau với gia đình em học sinh gặp nạn, đồng thời cho rằng hầu hết các trường học ở Việt Nam cần cải thiện về tư duy an toàn.
"Tôi muốn nhấn mạnh với trường học, thầy cô, các công ty sở hữu trường học, với phụ huynh học sinh, và với chính các em học sinh rằng, AN TOÀN là tiêu chí quan trọng nhất của trường học, vì nó là sinh mạng, là sự sống", chuyên gia này chia sẻ.
Tôi cho rằng hiện các trường học đang có 5 vấn đề về an toàn:
Thứ nhất, hầu hết trường học ở Việt Nam không có chuyên gia an toàn trường học. Khi tư vấn cho trường học, tôi luôn khuyên các trường rằng nên có chức danh chuyên viên an toàn trường học trong biên chế nhân sự của trường. Hiện nay chuyên ngành này chưa được đào tạo ở trường sư phạm, nhưng chuyên môn gần nhất có lẽ là chuyên ngành An toàn lao động được đào tạo ở hai trường đại học trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là Đại học Công đoàn ở Hà Nội, và Đại học Tôn Đức Thắng ở TP. HCM.
Tôi cũng nhấn mạnh rằng có thể tuyển người có chuyên ngành gần và gửi đi đào tạo, tập huấn thêm, nhưng hầu như ít có trường nào quan tâm điều này, vì mindset của họ là trường học ở Việt Nam từ trước tới nay không có chức danh này. Nhưng đây thực sự là một lỗ hổng, một khiếm khuyết của trường tại Việt Nam.
Tôi khẳng định các hiệu trưởng không phải nhân sự chuyên về an toàn, do vậy khi thực hiện công việc không có chuyên môn sâu, và rất cần nhân sự chuyên trách để thực hiện việc giám sát an toàn hàng ngày cho một trường học thường có tới vài trăm hoặc lên tới hàng ngàn con người. Phạm vi an toàn không chỉ là phòng ngừa tai nạn như té ngã, va chạm nói chung, mà còn là cháy nổ, thiên tai, điện, ngộ độc thực phẩm, sự cố gây thương tích, chết đuối… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong.
Thứ hai, bữa ăn của trường học nói riêng và bữa ăn tập thể nói chung phải theo thứ tự an toàn thực phẩm - dinh dưỡng - ngon miệng. Đây là điều tôi học được từ quá trình đi làm cho nhiều tổ chức lớn và đi thăm các trường học tốt ở các nước khác. Khi còn làm quản lý ở trường học, tôi phải mất rất nhiều thời gian để tranh cãi với phụ huynh khi tôi nhất quyết làm theo thứ tự này. Hầu hết tâm lý cha mẹ học sinh chỉ đòi bữa ăn của con ở trường ngon miệng, nhưng tôi khẳng định với họ bữa ăn học đường là bữa ăn tập thể, để bảo vệ học sinh tôi đặt an toàn thực phẩm lên vị trí ưu tiên cao nhất. Sau đó là bữa ăn vì dinh dưỡng phù hợp với các em, do các em đang ở lứa tuổi phát triển. Và sau cùng mới là ngon miệng.
Thực ra nhiều món ăn ngon miệng, dễ lấy lòng học sinh, phụ huynh như bánh bao, bánh chưng, bánh giò… là những thực phẩm rất dễ hư hỏng và gây ngộ độc thực phẩm. Với trường học cung cấp suất ăn đại trà thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt là rất lớn. Thế nên, tôi mong các vị phụ huynh và nhà trường đừng bao giờ đảo lộn thứ tự trên. An toàn thực phẩm và dinh dưỡng thực sự quan trọng hơn ngon miệng. Chúng ta phải học tư duy này, dù nó trái với văn hóa truyền thống của chúng ta.
Thứ ba, tôi muốn nói về bữa ăn chuyên nghiệp. Theo tôi, bữa ăn của học sinh không nên là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh. Nhà trường có thể thu học phí cao hơn, nhưng nên minh bạch bữa ăn của học sinh với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép làm bữa ăn chỉ 20.000 đồng. Phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu. Kê giá bữa ăn là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học.
Trường học có thể thu phí quản lý kèm theo bữa ăn, nhưng phải minh bạch với phụ huynh về thành phần phí, ví dụ tiền ăn của các em là 50.000 đồng trả cho nhà cung cấp, phí quản lý là 20.000 đồng, tổng cộng là 70.000 đồng. Rõ ràng như vậy, thì phụ huynh ai có nhu cầu có thể đăng ký bữa ăn ở trường, không nên lập lờ thông tin khiến phụ huynh trả tiền bữa ăn 70.000 đồng và cứ nghĩ rằng con họ đang ăn bữa ăn có giá trị dinh dưỡng 70.000 đồng.
Ngoài ra, tôi cũng đánh giá rất cao một số trường nước ngoài, họ thu phí ăn trưa tại trường của giáo viên và nhân viên giống như mọi học sinh và không cho phép nhân sự người lớn “ăn miễn phí” bữa ăn trong canteen nhà trường mà chi phí do cha mẹ học sinh trả. Cách tư duy như vậy là rất rõ ràng, liêm chính, và đáng được khen ngợi. Bữa ăn bị “rút ruột” là một nguyên nhân chính khiến các nhà cung cấp suất ăn phải “cân đối thu chi” bằng các nguồn nguyên liệu kém chất lượng, kém an toàn, làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Thứ tư, thật vô lý khi học sinh của chúng ta sinh ra ở một quốc gia nông nghiệp mà không được ăn những bữa ăn sạch, an toàn về hóa chất. Điều này rất đáng suy nghĩ với cả ngành giáo dục và ngành y tế. Nó không liên quan đến việc quốc gia giàu hay nghèo, nó liên quan đến tư duy của chúng ta, tấm lòng của chúng ta, năng lực của chúng ta. Nếu thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính của những vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học, thì chúng ta cần suy nghĩ lại về nền nông nghiệp của chúng ta, về văn hóa của chúng ta trước khi giáo dục học sinh bất kỳ điều gì to lớn về tương lai, về thế giới.
Thứ năm, trường học nào cũng có rủi ro tai nạn, dù nó là trường tư, trường công, trường bán công, trường quốc tế, trường chuyên… Đơn giản là vì trường học là môi trường tập thể nơi có sự tương tác của hàng ngàn con người. Do vậy, để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro, người ta chỉ có thể dựa vào chính sách tốt, quy trình tốt, và con người mẫn cán.
Một trường học an toàn phải nghĩ về an toàn từ trước, phải có chính sách về an toàn trường học, phải tuyển dụng và đào tạo nhân sự chuyên trách thường xuyên kiểm tra về an toàn, và phải xây dựng văn hóa an toàn trong trường học. Để mỗi thành viên trong trường, nhìn thấy cái đinh trên thảm cũng biết nhặt đi, tổ chức sự kiện cũng biết giữ an toàn điện trước hết, mở cửa hồ bơi thì phải có người trực, gác, phục vụ bữa ăn thì cũng phải kiểm soát, giám sát từ khâu nguyên liệu đầu nguồn cho tới lúc thành phẩm.