Từ vụ cô gái bị quấy rối trên xe bus: Đừng treo mỡ trước miệng mèo!
Khi bạn đi xe bus một mình và đeo khẩu trang, đồng thời cắm cúi vào điện thoại, chính là bạn đang “treo mỡ trước miệng mèo”, tạo điều kiện để kẻ gian hành động.
Trước chuyện nữ sinh tên M của trường Đại học Mở Hà Nội công khai tố cáo chuyện bị quấy rối trên xe bus, kèm theo đó là một loạt các bài viết kể về chuyện gặp rắc rối khi tham gia phương tiện giao thông công cộng trên các diễn đàn mạng, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu, đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số lời khuyên cho chị em phụ nữ khi rơi vào những trường hợp này.
Thưa chuyên gia, gần đây có một bạn gái lên tiếng tố cáo bị quấy rối trên xe bus. Theo diễn biến vụ việc, có một thanh niên lạ mặt đã tiếp cận, đeo bám, giả làm chồng của cô gái. Hắn liên tục nhận mình là chồng, bắt được cô gái bỏ nhà theo trai để không ai can thiệp vào chuyện vợ chồng của hắn, nhằm đánh lạc hướng mọi người xung quanh để hắn dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Theo chuyên gia, trong trường hợp này, các bạn gái nên làm gì để bảo vệ bản thân và tài sản một cách tốt nhất?
Hiện nay, những kẻ côn đồ ngoài xã hội rất manh động, không từ bỏ một thủ đoạn nào để tìm cách cướp bóc tài sản của người dân. Một trong những đối tượng dễ bị nguy hiểm khi ra ngoài là các bạn gái, nhất là trong việc di chuyển một mình.
Khi đi một mình, các bạn gái thường rơi vào thế yếu, phải đơn độc đối chọi với mọi thứ có thể xảy ra. Điều này khiến các bạn gái rất dễ rơi vào tầm ngắm của bọn côn đồ, lưu manh.
Thủ đoạn giả danh vợ chồng là một biện pháp khá hiệu quả, vừa đánh vào việc các bạn gái thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân, vừa dựa vào tâm lý không muốn xen vào chuyện “gia đình người ta” của những người xung quanh. Từ đó sẽ khiến cho hành vi tấn công và trấn lột tài sản của kẻ gian dễ thành công.
Chính vì vậy, điều đầu tiên là chị em phụ nữ cần lưu tâm chính là đề cao cảnh giác khi có nhu cầu đi lại một mình. Những phương tiện công cộng tưởng chừng rất an toàn, giờ đã bị kẻ gian lợi dụng để hoạt động. Càng đông, chúng càng có cơ hội để móc túi hoặc quấy rối tình dục bởi lúc đó nạn nhân do bị chen lấn, không thể để ý được. Đồng thời, vì có nhiều người, nạn nhân cũng không thể biết được người nào đã lấy cắp hoặc quấy rối mình.
Trong trường hợp đi xe bus, xe khách, chúng ta nên chọn vị trí gần tài xế lái xe, hay ở những hàng ghế đầu, để ít nhất nếu có dằng co xô xát thì sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc lái xe và bác tài có thể phải ngừng xe để hỗ trợ mình.
Đeo khẩu trang trên xe bus và chăm chú xem điện thoại dễ khiến bạn bị xa lánh với cộng đồng và tạo cơ hội cho tội phạm hoành hành (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, khi bước lên mua vé, chị em cũng nên nói ngay và hơi lớn tiếng với anh phụ xế thậm chí là nói với bác tài, dù bác tài không có chức năng bán vé, là: “Bán cho tôi một vé, tôi chỉ đi một mình, không kèm ai”.
Trong trường hợp chưa kịp nói, thì cũng phải tìm một người lớn tuổi để vừa hỏi thăm, vừa phân trần: “Cháu đi có một mình, bác vui lòng cho biết trạm sắp đến là gì?”. Nói chung là chúng ta phải nhanh chóng cho mọi người biết là chúng ta không đi cùng với chồng hay họ hàng gì cả, để tránh rơi vào tư thế “người vợ bất đắc dĩ”! Từ đó đưa đến việc kẻ gian sẽ dàn cảnh “mắng vợ” hay “đánh ghen” để trấn lột.
Có một yếu tố nhỏ nhưng các chị em thường dễ phạm sai lầm là đeo khẩu trang khi lên xe và thường chủ quan lấy điện thoại ra nhắn tin hay lên facebook “buôn chuyện”. Đây là hai sai lầm khiến các bạn gái vô tình tiết lộ về bản thân cho bọn côn đồ.
Khi chúng ta đeo khẩu trang, sẽ khó mà nói lớn tiếng hay phản ứng một cách nhanh chóng. Đồng thời khi không nói chuyện với người bên cạnh mà chăm chú nhìn điện thoại, bọn côn đồ dễ dàng đoán ra các bạn đi một mình. Bạn cũng vô tình khiến mình xa cách với đám đông khi im lặng từ khi lên xe tới khi gặp chuyện. Bởi không ai biết bạn và tên tội phạm, lúc này đang mạo nhận là chồng, có quan hệ thật sự hay không. Còn việc sử dụng điện thoại trên xe tức là bạn đã đem “mỡ treo trước miệng mèo”.
Ngoài ra, các chị em cũng có một thói quen “dễ thương” là hay gom tất cả giấy tờ, tiền bạc, thậm chí là nữ trang hay các tài sản khác vào trong cái túi xách của mình. Khi bị cướp giật một là sẽ mất hết, hoặc sẽ bị tung tóe ra sàn xe và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Vì vậy khi có việc đi ra ngoài hay phải dùng xe máy, xe bus, xe khách làm phương tiện di chuyển thì đầu tiên là nên tránh các chuyến xe quá đông. Đồng thời chỉ nên mang theo những vật dụng tối thiểu, một khoản tiền nhất định, cũng như cất các thẻ tín dụng, giấy tờ vào túi quần hoặc không mang theo.
Nếu đi xe máy, nên cất túi xách hoặc tài sản quan trọng vào cốp xe. Nếu đi xe bus, xe khách, cần chuẩn bị sẵn một ít tiền lẻ để mua vé, không nên tùy tiện mở ví có chứa tài sản lớn ra trước mặt người lạ. Và nên cất riêng điện thoại vào túi quần, cài chế độ rung và tuyệt đối không lấy ra sử dụng trên xe.
Làm như vậy, để đề phòng nếu xẩy ra tình huống xấu, thì chúng ta chấp nhận cho “của đi thay người” và chỉ phải mất một số “của” vừa phải, không quý giá hay nhiều đến mức chúng ta xót xa, tìm cách giành lại để thay vì chỉ mất tiền, thì có khi mất thêm cả tính mạng. Từng có một vài trường hợp vì đuổi theo tên cướp giật, bạn nữ đã ngã xe và xảy ra tai nạn thương tâm.
Nếu không thể tránh được việc đi vào những nơi vắng vẻ, chúng ta nên tìm thêm bạn đồng hành để hỗ trợ nhau hoặc trong trường hợp buộc phải đi một mình thì cố gắng chỉ mang theo một số vật tư và tiền bạc tối thiểu để nếu bị trấn lột thì sẵn sàng chấp nhận việc “bỏ của chạy lấy người”. .
Nhưng điều cần thiết là các bạn gái nên tự học hỏi hay tham dự các buổi huấn luyện các kỹ năng tự vệ cơ bản nhất. Phụ huynh cũng nên quan tâm cho con cái mình tham gia các khóa kỹ năng bảo vệ bản thân, để các em tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tự vệ, không phải là để tấn công mà là để thoát thân một cách an toàn nhất.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh.
Bạn gái nêu trên có kể rằng, khi bị gã đàn ông lạ quấy rối và cướp điện thoại, bạn đã gào to lên nhưng mọi người đều im lặng, sự thờ ơ của mọi người trong trường hợp đó được lý giải như thế nào?
Hiện nay, điều đáng buồn nhưng khá phổ biến trong người dân chính là thái độ thờ ơ, vô cảm với những điều xấu đang diễn ra. Điều này không phải chỉ xuất phát từ sự thụ động của người dân mà trong khá nhiều trường hợp, khi chúng ta phản ứng trước cái xấu, hay có hành động giúp đỡ những nạn nhân, thì sau đó chúng ta sẽ bị vướng vào những hệ lụy, từ chuyện bị “trả thù” ở những tên đồng bọn, cho đến việc bị gây “khó dễ” từ chính lực lượng chức năng, hay từ nhân viên bệnh viện, thậm chí là người nhà nạn nhân.
Tất cả những điều đó khiến “lòng tốt” và tinh thần “vì cộng đồng” sẽ bị thách thức đáng kể, để sau khi trải qua một vài tình huống như thế, hẳn là tinh thần hiệp sĩ của chúng ta sẽ không còn nữa. Dần dần sẽ thành cảnh “mũ ni che tai” trước những tiếng kêu cứu hay những nạn nhân đang cần sự giúp đỡ thực sự.
Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài chia sẻ trên mạng xã hội nói về một người đàn ông nhìn thấy một cô gái bị ngã xe. Anh này đã dừng xe bước xuống giúp đỡ cô gái. Nhưng ngay sau đó, chính anh ta bị người nhà của nạn nhân xông vào đánh đập vì cho rằng anh ta gây ra vụ tai nạn đó. Sau khi làm rõ phải trái, người nhà nạn nhân có xin lỗi anh chàng, nhưng việc bị đấm đau trước đó có lẽ sẽ khiến anh ta không bao giờ còn có lòng tốt giúp đỡ người giữa đường như thế nữa.
Bài viết sau khi được chia sẻ, đã có nhiều lời bình luận cho rằng đúng là “làm phúc phải tội”. Việc “làm phúc” là chuyện tốt, tôi tin rằng có rất nhiều người sẵn sàng và luôn muốn “làm phúc”. Nhưng thứ nhận được, không phải là lời cảm ơn mà chính là “phải tội” đã khiến nhiều người chùn chân khi muốn giúp đỡ người khác.
Vì vậy, đứng trước tình trạng quấy rối, trấn lột theo kiểu vu vạ ngày càng nhiều, ngoài việc các bạn gái phải tích cực để phòng chủ động học tập kỹ năng tự vệ thì cũng cần phải có sự đồng hành của những cơ quan hữu trách, vừa tích cực can thiệp giúp đỡ các nạn nhân, vừa tạo ra sự thoải mái và điều kiện thuận lợi hơn cho những người nhiệt tình giúp đỡ các nạn nhân.
Không phải tự nhiên mà những hành động bạo lực và phạm tội ngày càng “ liên tục phát triển” mà phải có những lý do của nó. Trong đó tính cách thụ động, chấp nhận sức mạnh của bạo lực như một điều bình thường và thái độ can thiệp thiếu tích cực, thậm chí là thờ ơ và gây khó khăn qua các thủ tục của các cơ quan chức năng cũng góp phần làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Sự thay đổi phải đến từ nhiều phía mới có thể góp phần cải thiện được tình trạng tệ hại này.
Xin cảm ơn chuyên gia!