Tự tin dạy con cách kể chuyện cười sao cho thu hút, "thánh hài" Xuân Bắc bị Bi Béo chốt 1 câu, nghe xong chỉ muốn độn thổ ngay cho đỡ ngượng
Không phải cứ danh hài thì kể chuyện cười lúc nào cũng hay, ít ra là trong mắt khán giả khó tính như.... Bi Béo.
Nhắc tới những cặp bố con mặn hơn cả chữ mặn, gia đình danh hài Xuân Bắc chắc chắn là một trong những cái tên được nhắc đầu tiên. Ngoài ông bố siêu "lầy" thì 2 nhóc Bi Béo và Minh Bủm nhà Xuân Bắc được dân tình hết mực yêu quý vì thừa hưởng tính cách hài hước của bố. Trên trang cá nhân của nam diễn viên, những câu chuyện của ba bố con luôn khiến người hâm mộ có những phút giây xả stress hiệu quả.
Mới đây, đoạn hội thoại bá đạo từ gia đình tấu hài này lại tiếp tục gây sốt mạng xã hội. Ban đầu, Minh Bủm thuật lại việc em Bi Béo kể chuyện hài, nhưng khi Bi Béo kể thì Xuân Bắc lại thấy "không hấp dẫn và buồn cười như quảng cáo". Tuy nhiên, ông bố vẫn khen ngợi động viên, đồng thời góp ý cho con trai cách kể câu chuyện cười sao cho thu hút.
"Nói có sách, mách có chứng", MC Xuân Bắc liền kể một câu chuyện cho hai con biết thế nào là "chuyện cười" thực sự. Nghe xong hai đứa con quý hóa đúng là ôm bụng cười, nhưng sau đó chốt 1 câu khiến ông bố mất hết cả tự tin.
Câu chuyện được danh hài chia sẻ như sau:
Cơm tối !!!
Minh: Bố ơi em Bi biết kể chuyện cười đấy!
Bố: Dư lào?
Minh: Lúc nãy em Bi kể chuyện buồn cười cực.
(Bi vẫn đang ăn, bây giờ mới nói)
Bi: Chả hiểu sao con kể chuyện cười, có người cười có người không cười, với lại tùy lúc người ta mới cười bố ạ?
Bố: (Bắt đầu tò mò) Thế lúc nãy con kể chuyện gì cho anh Minh?
(Bi nhìn sang Minh dò hỏi)
Minh: Bi kể đi, Bi kể hay mà.
Bi: Nhưng Bi không biết lúc này là lúc Bi kể buồn cười hay lúc không buồn cười!?
Bố (khích lệ): Con cứ kể đi, một khi đã duyên thì kiểu gì chả buồn cười.
(Bi bắt đầu kể)
................
Công nhận là câu chuyện không hấp dẫn và buồn cười như Minh quảng cáo nhưng để tôn trọng, khuyến khích và... lịch sự với Bi mình cũng cười lớn và nói: Được đấy chứ. Hay phết!
Bi: Bố không cần phải " hay phết", con biết nó như thế nào!!!
Bố: (bằng kinh nghiệm bắt đầu phân tích). Con muốn kể một câu chuyện cười con phải lựa chọn ngôn ngữ, cách kể... Con phải biết điểm chốt và tình huống gây cười... Con phải biết ém chi tiết và điều phối nhịp điệu làm sao cho thu hút... vv bla bla bla...(nói chung lý thuyết như sách).
Minh: Bố thử kể lại con ghe xem nào.
Bố: Câu chuyện cười ăn nhau ở tình huống bất ngờ, ông bảo tôi kể lại làm sao mà hay được hả ông Apio.
Bi: Thế bố kể câu chuyện mới đi cho nó bất ngờ!
Bố: Oki ngay. (Lập tức trong đầu lựa chọn một câu chuyện cười thật mặn và phù hợp) Nghe nhá... (bắt đầu kể).
....... ....... ......
Kể xong hai đứa nó nhìn nhau rồi thằng anh cười rơi cả cơm ra khỏi mồm, cười ngặt cười nghẽo. Mình có cảm giác hình như nó cười vì cái gì khác chứ không phải câu chuyện mình kể.
Bố: Đấy, kể chuyện cười là phải thế.
Minh: ( cười to hơn và lăn khỏi ghế).
Mình chưa kịp hỏi thêm thì:
Bi: Bố ơi con hỏi thật nhé?
Bố: Sao?
Bi: Bố vô duyên như thế này từ hồi trẻ hay khi chuyển sang trung niên bố mới vô duyên ạ?
Em thề là nhìn mặt nó hỏi rất chân thành và nghiêm túc các bác ạ. Với câu hỏi Trùm cuối này em phải trả lời thế nào bây giờ?
Câu chốt bá đạo của Bi Béo khiến dân tình cười đau ruột. Ngoài ra, nhiều người cũng kihen ngợi cách dạy con của nghệ sĩ Xuân Bắc. Có thể thấy, các thành viên trong gia đình Xuân Bắc rất thân thiết với nhau. Bản thân nam nghệ sĩ cũng luôn vui vẻ với các con như những người bạn, không có khoảng cách.
Xem con như những người bạn nhưng vẫn nghiêm khắc đúng lúc
Tôn trọng con nhưng không có nghĩa Xuân Bắc là người dễ dãi trong việc dạy dỗ con. Trái lại, anh còn là người cực kỳ nghiêm khắc.
Anh chia sẻ: "Tôi là người khá nghiêm khắc và cực đoan trong việc dạy con. Tôi phản đối những ý kiến rằng dạy con mà không dùng đến roi vọt, thứ nhất nếu cái gì cũng có thể nói được thì các quốc gia không cần đầu tư vào quân sự, lớn rồi, biết suy nghĩ rồi, biết phải trái rồi mà còn phải sử dụng đến những biện pháp quân sự, nữa là trẻ.
Thứ hai, các nhà tù luôn chật người, lớn rồi, biết suy nghĩ rồi, mà vẫn vào tù, nữa là trẻ em, đấy là trong thực tế. Các cụ xưa nói thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, ở phương Tây có thể họ rất ít đánh con cái, nhưng luật pháp họ khác, họ có môi trường trật tự xã hội rất tốt, anh không nuôi con anh thì xã hội nuôi, còn xã hội mình anh không nuôi con anh, thì không ai nuôi cả. Vì vậy bản thân mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội phải tốt, ông bố bà mẹ phải có trách nhiệm trước hết với con cái của mình.
Tôi có đọc được ở sách câu: "Sự dịu dàng và nhẹ nhàng của người mẹ, sự nghiêm khắc của người cha sẽ tạo cho con cơ hội tốt để phát triển" và "đánh một lần, lần sau giơ roi lên cho con nó biết là cái roi đấy sẽ làm nó đau".