Từ "thiên đường rớt địa ngục" vì mua nhà giá rẻ, cơn ác mộng không hồi kết của cô gái trẻ

Hồng Nhung,
Chia sẻ

4 năm chắt bóp cô gái trẻ Hayley Tillotson tự hào và vui sướng khi sở hữu bất động sản đầu tiên trong cuộc đời với giá gần 3,3 tỷ đồng. Nhưng chính nó là nguyên nhân khiến toàn bộ thời gian cô dành để tiết kiệm tiền trong những năm tháng đôi mươi trở nên vô nghĩa.

Theo trang tin The Guardian, Hayley Tillotson đã gặp bi kịch khi dành toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình trong vòng 4 năm để mua chung cư tọa lạc tại St George, trung tâm thành phố Leeds, Anh vào tháng 4/2019. Đây là khoảnh khắc được Hayley Tillotson cho rằng là đáng tự hào nhất trong cuộc đời ngay tại thời điểm đó.

Căn hộ giá rẻ này chỉ có 1 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh. Giá để sở hữu được căn hộ này là 102.000 bảng Anh (gần 3,3 tỷ đồng) thông qua chương trình nhà ở giá rẻ, nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp.

Để có được số tiền này, Hayley Tillotson đã sử dụng số tiền tiết kiệm 4 năm. Đó là số tiền cô làm việc chăm chỉ, gửi tiết kiệm từ mức lương của vị trí quản lý nhân viên marketing và PR.

Tậu được căn hộ riêng vào năm 28 tuổi là điều đáng tự hào và ý nghĩa tới mức nào đối với cô gái trẻ. Cả gia đình đều thấy hạnh phúc. Bố của Hayley Tillotson chỉ là thợ điện nghỉ hưu còn mẹ là trợ lý hành chính. Không có gia đình khá giả hậu thuẫn nên số tiền tự kiếm và chắt bóp mua căn hộ khiến cả gia đình họ rất vui vẻ.

Theo các điều khoản trong thỏa thuận, Hayley Tillotson không được phép cho thuê hoặc bán căn hộ cho người khác bằng hình thức thanh toán tiền mặt. Tuy nhiên, điều này dường như không thành vấn đề vào thời điểm đó vì nhu cầu sinh sống của cô gái trẻ.

Từ "thiên đường rớt địa ngục" vì mua nhà giá rẻ, cơn ác mộng không hồi kết của cô gái trẻ  - Ảnh 2.

Hayley Tillotson. Ảnh: Christopher Thomond/The Guardian.

Vỡ mộng

Sáu tháng sau khi chuyển đến nhà mới, Hayley Tillotson nhận được một lá thư từ Dịch vụ Cứu hỏa và Cứu hộ Tây Yorkshire. Họ nói trong thư rằng mái nhà của Hayley Tillotson được bao phủ bởi lớp ốp nguy hiểm, tương tự vật liệu được sử dụng trên tháp Grenfell.

Quá trình kiểm tra thêm còn phát hiện vấn đề với lớp gạch bên ngoài, vật liệu cách nhiệt dễ cháy, ban công bằng gỗ sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Khi nhận được thư, Hayley Tillotson vừa mua tủ lạnh và sofa mới. Trước đó, cô gái trẻ nghĩ mình sẽ tận hưởng cuối tuần ở trung tâm thành phố và nhâm nhi cocktail. Nhưng sau khi nhận được nhưng thông báo không hay liên tiếp cô đã tự nhốt mình trong căn hộ, khóc lóc và cố gắng tìm hiểu về vấn đề hỏa hoạn.

Do tòa nhà không đảm bảo an toàn, ban quản lý thuê người tuần tra 24/7 để đề phòng cháy nổ. Các cư dân phải trả tiền cho dịch vụ này, dù đó không phải là lỗi của họ. Các quy định của tòa nhà thống nhất với cư dân đã bị thay đổi dần mà không có sự kiểm soát.

Chi phí cho dịch vụ tuần tra tòa nhà là 300 bảng/tháng (9,6 triệu đồng), tương đương khoản thanh toán thế chấp của Hayley Tillotson. Cô gái trẻ đương nhiên là không đủ khả năng chi trả, nhưng cũng chẳng được phép cho thuê lại căn hộ và chuyển về sống nhờ bố mẹ để xoay xở.

Cách duy nhất mà Hayley Tillotson có thể làm lúc này là bán cho người khác trong cùng chương trình mua nhà giá rẻ. Thế nhưng ai có thu nhập thấp đời nào lại mua căn hộ với các khoản phụ phí cao ngất trời đang tiếp diễn như thế này?

Một cái vòng luẩn quẩn quấn lấy Hayley Tillotson khiến sức khỏe và tinh thần của cô gái bị sa sút trầm trọng.

Ngoài khoản phí cao trên, Hayley Tillotson còn phải đối mặt với khoản phí để thay thế lớp ốp trên mái nhà. Mặc dù ban quản lý tòa nhà có thể xin trợ cấp từ chính phủ để loại bỏ lớp ốp nguy hiểm, nhưng quỹ thực tế không đủ lớn để chi trả cho tất cả dịch vụ sửa chữa mà các cư dân vẫn tiếp tục phải đóng góp.

"Tôi phải thanh toán thêm 1.400 bảng (44,8 triệu) cho hệ thống báo cháy mới và các hóa đơn cho nhiều vấn đề hỏa hoạn khác. Tôi phải tự chi tiền để sửa chữa căn hộ của mình, chứ không phải công ty xây dựng hay chính quyền đã phê duyệt quy định xây dựng nơi này dù không hề đảm bảo an toàn cho cư dân của mình.

Tôi lặng lẽ làm mọi thứ trong khả năng để tránh bị vỡ nợ. Điều duy nhất tôi phải chứng kiến là số tài khoản ngân hàng của mình cạn kiệt đến từng xu. Tôi cố tỏ ra lạc quan, tự nhủ mọi người sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ của chính phủ. Nhưng tôi không đủ khả năng tiếp tục trang trải các khoản thanh toán hàng tháng. Tôi đã hết tiền. Tháng trước, tôi tuyên bố vỡ nợ".

Tuyên bố vỡ nợ và cái kết ác mộng

Từ "thiên đường rớt địa ngục" vì mua nhà giá rẻ, cơn ác mộng không hồi kết của cô gái trẻ  - Ảnh 3.

Hayley Tillotson cùng các cư dân của chung cư St George. Ảnh: YorkshirePost.

Ngày 17/12/2020, Hayley Tillotson trả lại chìa khóa căn hộ. Cùng ngày, chính quyền thông báo khoản phí mới được nhận để trang trải dịch vụ tuần tra, đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Nhưng lúc này tôi đã dọn đến ở với bố.

Tôi lo sợ vỡ nợ sẽ đồng nghĩa với việc không thể độc lập về tài chính. Giờ tôi không có một số tiền tiết kiệm nào cả và phải vật lộn để có thể vay tiền mua xe hơi.

Thêm vào đó, muốn tuyên bố vỡ nợ tôi phải trả 6.000 bảng (192 triệu đồng) cho dịch vụ của chính phủ, phí quản lý 1.990 bảng (63,7 triệu đồng) và phí đăng ký 680 bảng (21,7 triệu đồng). Tôi phải vay toàn bộ số tiền này từ bố của mình, một người thợ điện đã về hưu.

Sau khi tìm hiểu, Hayley Tillotson đã biết rằng mình không hề đơn độc. Có khoảng 700.000 người Anh đang sống trong những căn hộ có tấm ốp dễ cháy. Nhiều người trong số họ phải tự trả tiền để sửa chữa tòa nhà mà không có sự tài trợ từ chính phủ.

Thậm chí, tổ chức Action Cladding của Vương quốc Anh phát hiện rằng 23% người gặp vấn đề với tấm ốp mái muốn tự tử hoặc có suy nghĩ về việc tự làm hại bản thân.

Căn hộ vốn là mơ ước và là niềm tự hào của Hayley Tillotson và gia đình đã hủy hoại cuộc đời cô gái trẻ. Nó khiến toàn bộ thời gian cô dành để tiết kiệm tiền trong những năm tháng đôi mươi trở nên vô nghĩa.

Theo The Guardian

Chia sẻ