Từ tháng 12, người dân có thể kê khai thông tin làm căn cước công dân qua mạng
Thay vì phải kê khai qua giấy tờ, từ tháng 12, người dân có thể kê khai thông tin trực tuyến khi làm thủ tục căn cước công dân.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 48 (có hiệu lực từ ngày 1/12/2019) quy định mới về trình tự, thủ tục cấp, đổi Căn cước công dân (CCCD).
Điểm mới trong Thông tư 48 là quy định đối với thủ tục cấp CCCD, người dân có thể kê khai thông tin trực tuyến.
Cụ thể, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ tiếp dân yêu cầu người dân đến làm thủ tục viết tờ khai theo mẫu (nếu không kê khai trực tuyến).
Nếu công dân kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến, thì cán bộ in tờ khai CCCD để công dân kiểm tra lại thông tin, ký, ghi rõ họ, chữ đệm và tên.
Bên cạnh việc người dân có thể kê khai thông tin qua trực tuyến, thì thông tư cũng quy định sẽ hủy, thu hồi Chứng minh thư bị hỏng, bong tróc.
Cụ thể, cán bộ phụ trách sẽ thu Chứng minh nhân dân (CMND), cắt góc và trả lại cho công dân, trong trường hợp người dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua chuyển phát nhanh.
Đối với CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Gần đây, VTC News có nhiều bài viết phản ánh về những rắc rối người dân gặp phải khi chuyển đổi từ CMND sang CCCD.
Trả lời VTC News, Đại tá Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho hay, Bộ Công an quy định, người dân khi làm CCCD không phải đi lại để xin xác nhận số CMND cũ mà chỉ cần xin tại nơi cấp căn cước, cơ quan cấp căn cước phải có trách nhiệm xác minh và cấp cho công dân giấy xác nhận.
Dù công dân đổi bao nhiêu lần và ở đâu thì đơn vị cấp căn cước phải có trách nhiệm gửi yêu cầu xác minh về đơn vị cũ của công dân, đơn vị đó sẽ cung cấp các thông tin trong tàng thư cho đơn vị cấp căn cước để xác nhận vào giấy xác nhận số CMND cho công dân, công dân không phải đi đâu hết.
Video: Đại tá Phùng Đức Thắng lý giải nguyên nhân không in số CMND cũ vào thẻ CCCD
Còn đối với những tài sản cố định của công dân gắn với số CMND cũ, chẳng hạn giấy tờ đất đai như số đỏ, nếu đã lưu số CMND cũ trong giấy tờ đó thì chỉ cần mang giấy xác nhận đến cơ quan cấp giấy đấy đề nghị điều chỉnh thì cán bộ sẽ điều chỉnh. Tương tự đối với bất cứ giao dịch gì thì sẽ cần mang theo giấy xác nhận CMND cũ để điều chỉnh lại.
Theo Đại tá Phùng Đức Thắng, hiện tại ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới dù tiên tiến đều phải thực hiện quy trình xác nhận, cơ quan nhà nước sẽ đồng bộ toàn bộ các xác nhận đó nếu có kho dữ liệu chung. Việt Nam còn đang ở giai đoạn chưa có kho dữ liệu chung nên chưa thể giải quyết ngay lập tức được.
Bộ Công an đang triển khai xây dựng kho dữ liệu dân cư, dự án đang được phê duyệt và đã tham mưu Chính phủ để cấp vốn triển khai thực hiện.