Biện pháp đơn giản không ngờ giải quyết rắc rối khi chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân

LS TRƯƠNG THANH ĐỨC,
Chia sẻ

Luật sư đề xuất chỉ cần in thêm số Chứng minh nhân dân vào Căn cước công dân nhằm hạn chế rắc rối, phiền toái phát sinh cho người dân.

Dân gặp vô vàn rắc rối

Giấy Chứng minh nhân dân (CMND) hay Chứng minh thư hay Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, được sử dụng để thực hiện các giao dịch và phải xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi “không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền” thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Căn cước công dân (CCCD) là loại giấy tờ tùy thân quan trọng nhất nhằm định danh mỗi người, được ghi vào sổ hộ khẩu, hộ chiếu, “sổ đỏ”… để thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như các giao dịch dân sự như mua bán nhà đất, giao dịch tiền gửi.

Yếu tố quan trọng nhất để xác định danh tính (định danh) là số Chứng minh hoặc Căn cước và theo nguyên tắc, mỗi công dân chỉ có một, dù được cấp lần đầu hay cấp lại.

Biện pháp đơn giản không ngờ giải quyết rắc rối khi chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân - Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC.

Tuy nhiên trên thực tế, những quy định bất hợp lý gây ra muôn vàn khó khăn, thậm chí bế tắc cho người dân và sẽ còn tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh không biết đến khi nào mới chấm dứt.

Thông thường, một người sẽ có từ 2 đến 3, thậm chí nhiều hơn số định danh như sau:

Thứ nhất, khi một người thay đổi nơi thường trú khác tỉnh, thành thì bị thay đổi số CMND khác, trước tháng 7/2012;

Thứ hai, từ tháng 7/2012 trở đi, CMND được đổi từ 9 thành 12 số theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BCA;

Thứ ba, từ năm 2016, được đổi sang thẻ CCCD theo Luật Căn cước công dân năm 2014.

Với 3 trường hợp trên, mỗi người bị thay đối số Chứng minh hoặc Căn cước hoàn toàn khác nhau, không có bất cứ sự liên hệ nào với số cũ. Chỉ riêng với trường hợp thứ nhất, thì mỗi người cũng đã có thể có nhiều số Chứng minh hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra còn xảy ra tình trạng cấp trùng số CMND. Chẳng hạn, năm 2009 Tổng cục Thuế cho biết phát hiện hơn 100.000 người bị trùng hơn 50.000 số Chứng minh thư tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Từ năm 2007 – 2015, tại TP. HCM cũng phát hiện 7.232 người bị cấp trùng số Chứng minh. Việc này được Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý đối với mã số thuế cá nhân tại các Công văn số 4313/TCT-CNTT ngày 21/10/2009 và số 5357/TCT-CNTT ngày 31/12/2009.

Có một số loại giao dịch thì cứ xuất trình Chứng minh hay Căn cước khớp với nhận dạng vì không cần phải đối chiếu khớp đúng với số trước đó. Thậm chí việc đi máy bay có thể dùng một số loại giấy tờ khác để thay thế. Còn đối với nhiều loại giao dịch thì bắt buộc phải đối chiếu khớp đúng với số giấy tờ tùy thân đã được ghi nhận trước đó.

Các ngân hàng không thể cho rút tiền khi số CMND của khách hàng khác với số được ghi trên thẻ tiết kiệm, vì rủi ro pháp lý và vi phạm pháp luật. Cụ thể, pháp luật ngân hàng quy định, khi chi trả tiền gửi cho khách hàng thì ngân hàng phải đối chiếu CMND bảo đảm chính xác với các thông tin đã lưu trước đó. Ví dụ như quy định tại khoản 2, Điều 18, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước “Quy định về tiền gửi tiết kiệm”.

Cũng tương tự như vậy là việc không thể công chứng giao dịch nhà đất nếu số CMND của chủ sở hữu khác với số đã ghi trên “sổ đỏ”.

Do vậy, bắt buộc khách hàng phải có giấy tờ tin cậy để khắc phục sự sai lệch, bảo đảm cơ sở pháp lý. Vì không có quy định của pháp luật, nên mỗi nơi lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau để bảo đảm điều kiện an toàn giao dịch tối thiểu.

Video: Ra đường không mang giấy tờ tùy thân, cẩn thận "tai bay vạ gió"

Vấn đề này xảy ra đối với hàng chục loại giao dịch trong mấy chục năm qua và có thể kéo dài nhiều thập kỷ tới. Rất nhiều người phải tìm mọi cách để chứng minh rằng mình chính là mình thông qua hộ chiếu, hộ khẩu hoặc phải xin xác nhận của cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân các cấp.

Cũng vì không có quy định hay hướng dẫn của cơ quan chức năng về việc này, nên đã gây ra nhiều bức xúc, khó khăn, vướng mắc, tốn kém thời gian, tiền bạc và rủi ro pháp lý cho người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước.

Để giải quyết sự bất cập trên, Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo tại Công văn số 12219/VPCP-KSTT ngày 15/11/2017 về việc “Cấp Giấy xác nhận CMND” của Văn phòng Chính phủ: “Bộ Công an thực hiện việc cấp Giấy xác nhận CMND cho công dân đối với tất cả các trường hợp chuyển từ CMND 9 số sang thẻ CCCD, thay vì chỉ cấp khi công dân có yêu cầu như hiện nay”.

Giải pháp tối giản

Việc thống nhất xác nhận CMND như trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không còn phải loay hoay xin giấy tờ xác nhận như trước. Tuy nhiên, đối với giấy tờ tùy thân phát sinh trước đó vẫn phải giải quyết theo từng trường hợp cá biệt.

Từ năm 2018 trở đi, đã và sẽ có vài chục triệu người được cấp phải lưu giữ cẩn thận tờ giấy xác nhận trong vài chục năm thì quá tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức.

Trong khi có giải pháp rất dễ dàng, hợp lý và hầu như không mất thêm chi phí là chỉ cần in thêm số CMND vào CCCD.

Điều tưởng chừng là hiển nhiên vô cùng giản đơn, cần thiết, thậm chí là bắt buộc này, không hề được xem xét xử lý, đặc biệt là từ khi cấp thẻ CCCD đến nay.

Chia sẻ