Từ tháng 1/2024: Giảm thuế giá trị gia tăng, người trên 75 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Nhiều chính sách về thủ tục hành chính, an sinh, kinh tế - xã hội sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2024.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh với nhiều nội dung mà người dân cần lưu ý.

Theo đó, đối với người bệnh, Luật mới sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh đối với người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định ưu tiên Ngân sách Nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người bị các bệnh như tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B...

Nhiều chính sách kinh tế - xã hội có hiệu lực tháng 1/2024: Giảm thuế giá trị gia tăng, người trên 75 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Đăng ký thường trú, tạm trú qua VNeID

Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2024 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú với nhiều nội dung mà người dân cần lưu ý.

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA, quy định về các hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú từ 01/01/2024 gồm: Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú; online qua cổng dịch vụ công hoặc dịch vụ công trực tuyến khác hoặc qua ứng dụng VNeID. Như vậy, giờ đây công dân đã có thể thực hiện đăng ký cư trú online bằng 1 cách khác là thông qua ứng dụng VNeID.

Trong khi đó, quy định cũ chỉ quy định các hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú gồm thực hiện trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc thực hiện online thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của Bộ Công an hoặc quản lý cư trú.

Ngoài ra, người dân còn có thể phản ánh thông tin về cư trú của công dân, hộ gia đình và xác nhận thông tin về cư trú thông qua ứng dụng VNeID.

Nhiều chính sách kinh tế - xã hội có hiệu lực tháng 1/2024: Giảm thuế giá trị gia tăng, người trên 75 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh - Ảnh 2.

Thông tư cũng có nhiều điểm mới trong đăng ký thường trú. Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.

Theo quy định hiện hành, khi đăng ký cư trú online, người dân khai báo thông tin, đính kèm bản quét/bản chụp giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, công dân phải xuất trình bản chính đã cung cấp khi người làm công tác đăng ký cư trú yêu cầu. 

Ngoài ra, Thông tư 66 cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung...

Nhiều chính sách kinh tế - xã hội có hiệu lực tháng 1/2024: Giảm thuế giá trị gia tăng, người trên 75 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh - Ảnh 3.

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội.

Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm 2% thuế suất thuế GTGT (còn 8%) từ ngày 1/1/2024 - hết 30/6/2024.

Trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất; sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Nhiều chính sách kinh tế - xã hội có hiệu lực tháng 1/2024: Giảm thuế giá trị gia tăng; Quy định mới về kê khai, thu, nộp phí; Người trên 75 tuổi được ưu tiên khám chữa bệnh - Ảnh 4.

Sửa quy định về kê khai, thu, nộp phí, lệ phí

Nghị định 82/2023/NĐ-CP ngày 28/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tên Điều và các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

Điều 3. Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí và quyết toán phí

Người nộp phí, lệ phí thực hiện kê khai, nộp phí, lệ phí theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh; nộp phí, lệ phí cho tổ chức thu hoặc Kho bạc Nhà nước bằng các hình thức: Nộp trực tiếp bằng tiền mặt hoặc thông qua tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể hình thức nộp, kỳ kê khai, nộp phí, lệ phí cho phù hợp.

Chia sẻ