Tự nhìn lưỡi "chẩn bệnh": Có những dấu hiệu sau đồng nghĩa cơ thể đang mắc bệnh mà không biết
Theo Đông y, tất cả những bất thường từ lục phủ ngũ tạng đều có quan hệ và thể hiện ra lưỡi, khi xuất hiện các dấu hiệu sau thì phải cẩn trọng.
Từ lâu, các chuyên gia y học cổ truyền đã khẳng định lưỡi không những là cơ quan vị giác, dùng để cảm nhận mùi vị đơn thuần mà còn là nơi cảnh báo sức khỏe của cơ thể. Cả Đông y lẫn Tây y đều có thể "nhìn lưỡi đoán bệnh", dựa trên kết cấu và màu sắc của lưỡi để chẩn bệnh nhằm phát hiện sớm những bất thường và điều trị kịp thời.
Nhìn chung, bất kỳ khi nào cơ thể có bệnh hay trục trặc, dù lớn dù nhỏ đều có những dấu hiệu biểu lộ ra bên ngoài. Bạn có thể tự kiểm tra sức khỏe tại nhà bằng cách nhìn lưỡi, nếu xuất hiện những trường hợp sau cũng đồng nghĩa bạn đang mắc bệnh, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để điều trị:
- Lưỡi có màu đỏ dày, kèm táo bón: Nóng trong người, thiếu chất
- Lưỡi có lớp phủ màu trắng: Viêm đại tràng
- Lưỡi có màu tím và đốm đen: Tắc nghẽn mạch máu
- Lưỡi có màu vàng: Bệnh gan hoặc túi mật
- Lưỡi bị sưng và to hơn bình thường: Bệnh suy giáp
Cụ thể như sau:
1. Lưỡi có màu đỏ, kèm táo bón: Nóng trong người, thiếu chất
Lưỡi màu đỏ thường là dấu hiệu phản ánh bạn đang ăn uống không đủ dinh dưỡng, khiến cơ thể bị thiếu các chất như vitamin B12, axit folic… Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy bạn có nguy cơ mắc chứng viêm lưỡi di trú lành tính, phát ban đỏ hoặc bệnh Kawasaki – một loại bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh, thường kèm theo sốt.
Ngoài ra, Đông y cũng xếp tình trạng lưỡi có màu đỏ kèm táo bón, nước tiểu vàng, miệng đắng và hôi… là dấu hiệu cảnh báo bệnh dạ dày nóng. Lúc này, cơ thể sẽ tích tụ khí và làm cản trở tuyến nước bọt hoạt động đúng cách, đường ruột mất đi độ ẩm nên dẫn đến phân khô, gây táo bón.
Để điều trị chứng dạ dày nóng, bạn cần hạn chế uống rượu bia, không ăn nhiều các thực phẩm cay nóng, bổ sung thêm rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước hàng ngày… sẽ giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng.
2. Lưỡi có lớp phủ màu trắng: Viêm đại tràng
Khi lưỡi có dấu hiệu này tức là bạn đang có nguy cơ mắc viêm đại tràng, viêm dạ dày hoặc táo bón. Đôi khi còn có lông ở giữa, chia lưỡi thành 2 phần và khiến lưỡi sưng to hơn bình thường. Những người mắc bệnh dạ dày mãn tính có lượng axit dạ dày thấp, u xơ dạ dày hoặc loét tá tràng cũng có biểu hiện trên.
Thêm vào đó, lưỡi có màu trắng cũng phản ánh bạn đang nhiễm trùng lưỡi, nhiễm nấm candida hoặc là dấu hiệu của bệnh tưa miệng. Với bệnh này, chúng ta có thể điều trị bằng thuốc diệt nấm đặc trị hoặc làm vệ sinh lưỡi thường xuyên để lưỡi trở lại trạng thái bình thường.
3. Lưỡi có màu tím và đốm đen: Tắc nghẽn mạch máu
Khi nhìn thấy dấu hiệu này thì rất có thể bạn đang bị tắc nghẽn mạch máu. Hãy quan sát thêm một vài tín hiệu khác, chẳng hạn như đầu ngón chân có sưng không, có bị đau đầu, đau ngực, da có xỉn màu không… Nếu có hết thì chắc chắn bạn đang mắc bệnh, phải đến viện khám mạch máu gấp.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm, lưỡi có đốm đen cũng hay xuất hiện trên nhóm người bị tiểu đường hoặc đang điều trị ung thư. Hãy thử vệ sinh răng miệng thật kỹ trong vài ngày xem có hết không.
4. Lưỡi có màu vàng: Bệnh gan hoặc túi mật
Vàng lưỡi thường là một vấn đề tạm thời, vô hại và sẽ tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, có một vài trường hợp lưỡi bị vàng là do vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như hiện tượng vàng da là tình trạng cần phải được điều trị.
Bên cạnh đó, lưỡi có màu vàng phản ánh trong miệng bạn đang có quá nhiều vi khuẩn, dễ tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu nguy hiểm. Lúc này bạn cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày, đánh răng ít nhất 1 ngày 2 lần. Tuy nhiên, nếu bạn đã đánh răng sạch sẽ hàng ngày mà lưỡi vẫn còn màu vàng thì hãy cẩn thận bệnh gan hoặc bệnh túi mật.
5. Lưỡi bị sưng và to hơn bình thường: Bệnh suy giáp
Khi lưỡi cảm thấy như bị sưng hoặc lớn hơn bình thường, hãy cẩn thận vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh suy giáp. Nguyên nhân là do cơ thể đang gặp vấn đề, không sản xuất đủ hormone tuyến giáp khiến sự trao đổi chất bị chậm lại và giảm năng lượng trong người, làm một số bộ phận bị phù nề và tích nước.
Nếu lưỡi chỉ bị sưng nhẹ, bạn có thể dùng thức ăn hoặc đồ uống lạnh để làm dịu tình trạng sưng. Sau đó hãy vệ sinh răng miệng sạch sẽ, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ vi khuẩn tăng nặng tình trạng bệnh. Cần tránh ăn đồ chua hoặc quá mặn.
Theo Indiatimes, Webmd