Từ bi kịch của con gái nữ diễn viên quá cố Choi Jin Sil: Hãy yêu thương nhau khi còn có thể!
9 năm trước, Choi Jin Sil tự tử để kết thúc bi kịch cuộc đời cô nhưng lại mở ra chuỗi bi kịch cuộc đời cho chính những đứa con máu mủ của mình. Cái chết không giải thoát được cho ai. Chỉ có yêu thương mà thôi.
Năm 2008, làng giải trí châu Á chấn động trước cái chết của nữ diễn viên nổi tiếng Choi Jin Sil. Cô ra đi bằng cách treo cổ tự tử trong buồng tắm mà không để lại bất kì lời nhắn nhủ nào cho người thân, bao gồm cả hai con ruột còn đang bé bỏng: 7 tuổi và 5 tuổi. Choi Jin Sil vẫn nổi tiếng là bà mẹ yêu con. Nhất là sau khi ly hôn Jo Sung Min, cô luôn quấn quýt các con không rời. Điều gì đã khiến một người như Choi Jin Sil có thể đau khổ tới mức quên luôn cả con mình, đành lòng để hai con bơ vơ giữa cuộc đời không còn được ôm ấp và yêu thương từ mẹ? Cho đến giờ, câu hỏi ấy vẫn chưa có lời giải đáp.
Nhưng một sự thật mà dù có đau đớn tới đâu, người hâm mộ nữ minh tinh xứ Hàn vẫn phải thừa nhận, đó là Choi Jin Sil đã vì muốn kết thúc bi kịch cuộc đời mình mà vô tình mở ra chuỗi bi kịch cuộc đời cho chính những đứa con máu mủ của mình.
Choi Jin Sil đã vì muốn kết thúc bi kịch cuộc đời mình mà vô tình mở ra chuỗi bi kịch cuộc đời cho chính những đứa con máu mủ của mình.
Choi Yoon Hee, cô con gái mồ côi mẹ ở tuổi lên 5 của Choi Jin Sil, đang gây bão dư luận những ngày qua với những dòng tâm sự tăm tối đăng trên mạng xã hội. Cô bé ấy hiện 14 tuổi, lứa tuổi phản ánh đầy đủ nhất toàn bộ cuộc sống xung quanh nó. Và cuộc sống ấy được chính cô bé mô tả như thế này: "Tôi từng nghĩ rằng cuộc sống của mình đã bị hủy hoại hoàn toàn từ khi mẹ qua đời, nhưng thực ra, mọi thứ chỉ bắt đầu trở nên tệ hơn khi tôi học lớp 4. Sau khi mẹ qua đời, tôi đã sống trong những tháng ngày khổ sở."
Chuỗi ngày khổ sở trong bức tâm thư của Choi Yoon Hee thực ra là những lời "tố" bà ngoại. Cô bé cho rằng mình đã bị bà ngoại phân biệt đối xử, bị cách ly ra khỏi người bà họ mà cô bé thực sự yêu thương, bị đánh đập, bị mắng nhiếc, bị xúc phạm về sự tồn tại của bản thân, bị kiểm soát và cấm đoán những nhu cầu riêng tư như các mối quan hệ bạn bè, tình cảm tuổi mới lớn, và tệ hơn nữa là bị bạo hành cả tinh thần lẫn thể xác, bị đánh đập thậm tệ… Cô bé cũng tố cáo chính bà ngoại là nguyên nhân khiến cha mẹ cô ly hôn.
"Sau khi mẹ qua đời, tôi đã sống trong những tháng ngày khổ sở."
Choi Yoon Hee còn khiến người đọc rùng mình khi tiết lộ: "Mỗi ngày đều như địa ngục. Tôi nghĩ rằng chết sẽ sung sướng hơn là sống. Tôi viết di chúc, cố gắng tự làm hại bản thân theo cách mà tôi có thể nghĩ được: cắt cổ tay, tự thít cổ mình với dây vòi hoa sen, nhưng thất bại. Sâu trong lòng, tôi hiểu mình muốn tiếp tục sống. Vài ngày sau đó, bà phát hiện ra tờ di chúc, bà chửi rủa tôi vì đã viết nó. Tôi biết, bà lo cho tôi, nhưng cũng có thể vì trong tờ di chúc không có tên bà." Cô bé làm công chúng nhớ lại một ngày tháng 6 năm nay, cô đã đăng bức ảnh phụ nữ treo cổ lên trang cá nhân kèm dòng chữ "Xin hãy cứu tôi". Nó cho thấy, những cái chết vì treo cổ tự sát của những người ruột thịt đã đâm rễ quấn thắt vào tâm trí cô gái 14 tuổi như thế nào.
Cảnh sát đang điều tra những gì Choi Yoon Hee tố cáo, nhưng dường như họ đã có câu trả lời sau khi tiếp xúc với cô bé và anh trai Choi Hwan Hee. Trên thực tế, một đứa trẻ 14 tuổi sẽ phải đối diện với khủng hoảng tuổi vị thành niên và thường có xu hướng bi kịch hóa cuộc sống của mình lên, thích cảm giác mình tội nghiệp, bất hạnh và đặc biệt để mong nhận được sự quan tâm của những người xung quanh. Song, câu chuyện mà Choi Yoon Hee viết trên mạng xã hội dù là sự thực hay không hoàn toàn là sự thực, dù được cường điệu tô vẽ hay là những lời tường thuật khách quan, thì điều mà công chúng nhận thấy rõ vẫn là: cuộc sống của cô bé thực sự tăm tối. Một sự tăm tối tràn ra từ bên trong.
Song, câu chuyện mà Choi Yoon Hee viết trên mạng xã hội dù là sự thực hay không hoàn toàn là sự thực, dù được cường điệu tô vẽ hay là những lời tường thuật khách quan, thì điều mà công chúng nhận thấy rõ vẫn là: cuộc sống của cô bé thực sự tăm tối.
Không khó để hình dung ra tâm hồn của một đứa trẻ đã bị hủy hoại như thế nào khi nó bị mẹ bỏ rơi. Mà người mẹ ấy không phải bỏ đi đâu đó. Bởi bỏ đi đâu đó thì vẫn có cơ hội gặp lại. Còn trong trường hợp của Choi Yoon Hee, cô bé vĩnh viễn không có cơ hội ấy. Rất nhiều lần, công chúng vô tình đọc được nỗi hận thù tràn ngập trong lòng Choi Yoon Hee. Trong một chương trình truyền hình, khi chia sẻ về mong ước tương lai, Choi Yoon Hee đã nói: "Sau này trưởng thành và có con, cháu sẽ không để con phải sống một cuộc sống bi kịch và đau khổ như mình, tình yêu thương mà cháu chưa nhận được, cháu sẽ dành hết cho con mình". Yoon Hee đã hận mẹ, bởi mẹ đã chọn cách không tiếp tục chăm sóc và yêu thương cô bé. Yoon Hee đã hận mẹ, và cho rằng mẹ đã khiến cô bé "phải sống một cuộc sống bi kịch và đau khổ". Yoon Hee hận mẹ, còn vì cô bé tin mẹ đã khởi đầu cho những cái chết sau đó của cậu ruột và bố.
Làm sao để cô bé tin vào cuộc đời khi nỗi đau này chưa kịp qua nỗi đau khác đã ập đến, với 5 năm phải đón nhận 3 cái chết của 3 người thân thiết nhất. Làm sao có thể giải thích cho Yoon Hee về những cái chết đau đớn đó? Làm sao có thể khiến Yoon Hee lạc quan và vui sống khi những người ruột thịt có trách nhiệm chăm sóc và yêu thương cô bé cứ thế chủ động rời bỏ cô mà đi? Làm sao để cô bé tha thứ được cho họ, khi họ đã cướp mọi yêu thương lẽ ra dành cho cô về thế giới bên kia? Làm sao có thể lấp đầy khoảng trống của mẹ và bố trong trái tim một cô gái bé bỏng?
Làm sao để cô bé tha thứ được cho họ, khi họ đã cướp mọi yêu thương lẽ ra dành cho cô về thế giới bên kia?
Vết thương trong tâm hồn Choi Yoon Hee vĩnh viễn hở hoác từ khi cô bé mới 5 tuổi. Nên cho dù bà ngoại của cô có đối xử với cô ra sao, thì trong mắt cô chỉ có nỗi hận ngập tràn. Đây là chưa nói đến, bà ngoại của Choi Yoon Hee cũng là người chịu tổn thương ghê gớm, có lẽ chỉ sau cô bé, khi hai người con tài năng giỏi giang đẹp đẽ của bà đều rời bỏ bà mà đi, bằng cách thức không thể nào chua xót hơn. Những con người tổn thương nghiêm trọng ở bên nhau hoặc có thể bù đắp được cho nhau, hoặc sẽ chỉ lấy đi năng lượng của nhau.
Bà ngoại của Choi Yoon Hee có thể đã nuôi các cháu bằng nỗi đau thấu tâm can và nỗi sợ hãi mất mát đến ám ảnh. Theo lời của Choi Hwan Hee, con trai Choi Jin Sil, thì bà ngoại đã cấm cậu bé gia nhập làng giải trí như mẹ và cậu ruột. Rõ ràng, bà sợ rằng showbiz khắc nghiệt sẽ cướp mất mạng sống của cháu bà như đã từng làm với con gái và con trai của bà. Nhưng, với một cô bé bị bóng tối chiếm lĩnh tâm hồn như Choi Yoon Hee, sự bao bọc trong nỗi sợ hãi của bà càng chỉ làm cô bé thêm hoảng hốt và mất niềm tin vào cuộc đời.
Choi Yoon Hee khiến nữ diễn viên Kim Hee Sun khóc khi lên sân khấu nhận giải "Thành tựu trọn đời" thay mẹ.
Ước mơ lập gia đình sớm, được sống hạnh phúc trong căn nhà nho nhỏ với bốn đứa con và dành hết yêu thương cho chúng là ước mơ của Choi Yoon Hee từ thủa 12, chứ không phải khi đã 14 như bây giờ. 12 tuổi, trong khi mọi đứa trẻ đều khao khát thành công chúa, khao khát được bay nhảy khắp thế giới, được làm những điều điên rồ nhất, vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất, thì Choi Yoon Hee lại chỉ muốn lấy chồng sinh con. Đó có thể là giấc mơ tầm thường trong mắt số đông, nhưng là giấc mơ đẹp nhất của một cô bé mất mẹ mất bố. Giấc mơ được yêu thương ai đó, thật nhiều.
Yêu thương một ai đó và được ai đó yêu thương, điều mà hầu hết chúng ta, giữa một cuộc sống bình yên, đều chẳng lấy làm coi trọng. Chúng ta mải mê với mớ rối rắm do chính chúng ta cường điệu lên thành bi kịch. Không được chồng tặng quà trong ngày tình yêu trong khi 500 chị em trên mạng xã hội đều có quà là bi kịch. Có con không học hành bằng con nhà người ta cũng là bi kịch. Chồng vô tâm không thông cảm và chia sẻ với vợ, chỉ mải mê với những mối quan hệ công việc và xã hội bên ngoài thì càng bi kịch. Chồng ngoại tình, hắt hủi vợ con thì đương nhiên quá bi kịch. Chồng bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần thì còn gì bi kịch hơn… Nhưng, nếu chúng ta so sánh mình với Choi Yoon Hee, chúng ta sẽ thấy, những liệt kê này chỉ toàn chuyện bé nhỏ, tầm phào. Bi kịch nhất là khi người ta yêu thương không còn tồn tại trên cõi đời này. Sẽ không có nỗi đau khổ nào lớn hơn thế. Mặc dù khi đau khổ, người ta thường nghĩ rằng "thà chết còn hơn". Nhưng cái chết mới là nỗi đau khổ lớn nhất và vĩnh viễn nhất. Bởi khi ấy, ta không còn cơ hội để thay đổi quyết định yêu thương.
Thế nên, hãy yêu thương nhau nhiều hơn khi còn có thể.