Trước bão Yagi, những “siêu bão” nào từng quần thảo Việt Nam trong suốt 20 năm qua?
Trong vòng 20 năm qua, rất nhiều siêu bão đã đổ bộ vào Việt Nam và gây thiệt hại nặng nề về cả người và của.
Theo cơ quan khí tượng, bão số 3 Yagi được xác định là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại cũng như là cơn bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam. Trước siêu bão Yagi, Việt Nam cũng từng phải gánh chịu rất nhiều siêu bão.
Bão số 4 (bão Noru), tháng 9/2022
Bão số 4 (bão Noru) đổ bộ vào miền Trung Việt Nam vào tháng 9/2022. Vào thời điểm đó, bão Noru được đánh giá là cơn bão nguy hiểm nhất trong vòng 20 năm tại nước ta.
Bão và mưa lũ sau bão cũng đã khiến 62 người bị thương; 3.364 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 168 nhà; Huế 419 nhà; Đà Nẵng 228 nhà; Quảng Nam 1.150 nhà; Quảng Ngãi 1.352 nhà; Gia Lai 7 nhà; Kon Tum 27 nhà, Nghệ An 13 nhà). Lũ lớn sau bão đã khiến 7.346 nhà bị ngập (trong đó riêng tỉnh Nghệ An có 7.306 nhà bị ngập).
Về chăn nuôi, có 1.724 con gia súc, 20.292 con gia cầm bị chết, bị nước lũ cuốn trôi.
Bão số 9 (bão Molave), tháng 10/2020
Theo báo Nhân dân, bão số 9 (bão Molave) đổ bộ vào miền trung Việt Nam tháng 10/2020, với sức gió giật có lúc lên tới 176 km/giờ tại thành phố Quảng Ngãi, lượng mưa trong 24 giờ tại Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) đạt mức 470mm.
Bão số 9 và hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất đã khiến 80 người chết và mất tích. Thiệt hại về kinh tế khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bão số 12 (bão Damrey), tháng 11/2017
Bão số 12 (bão Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ và một phần phía nam Tây Nguyên Việt Nam, đầu tháng 11/2017. Bão đổ vào các tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên với sức gió cấp 11 - 12 giật cấp 13 -14.
Bão và mưa lũ sau bão Damrey đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh khu vực miền Trung. Ghi nhận hơn 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương; hơn 4.000 ngôi nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên; 11.224ha lúa và 27.301ha hoa màu bị thiệt hại; hư hại nhiều công trình đê điều, giao thông… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 22.700 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD).
Bão số 14 (bão Hải Yến), tháng 11/2013
Bão Hải Yến là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới. Cơn bão này đổ bộ vào Philippines đầu tháng 11/2013, làm khoảng 6.300 người chết, gần 28.700 người bị thương và hơn 1.000 người mất tích tại Philippines.
Sau khi càn quét Philippines, bão Hải Yến đi vào Biển Đông với sức gió giật trên cấp 17.
Cơn bão đã quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh của Việt Nam làm 18 người chết, 2 người mất tích, 93 người bị thương.
Bão Hải Yến cũng làm 149 nhà sập đổ, bị cuốn trôi và 4.567 nhà ngập nước; 3.828ha lúa, 52.363ha hoa màu bị thiệt hại.
Bão số 8 (bão Sơn Tinh), tháng 10/2012
Báo Sức khoẻ và đời sống cho biết, bão số 8 (bão Sơn Tinh) đổ vào Việt Nam cuối tháng 10/2012. Khi vào Biển Đông, bão có sức gió lên tới cấp 13, mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Khi tiến gần ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, bão mạnh cấp 11-12, gió mạnh có lúc giật tới cấp 14.
Bão Sơn Tinh làm 8 người chết, 2 người mất tích, 90 người bị thương; 429 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 60.404 nhà tốc mái, hư hại; hơn 33.953ha lúa, 90.616ha hoa màu bị ngập, hư hại. Thống kê thiệt hại do bão hơn 7.500 tỷ đồng, các tỉnh thiệt hại nặng nề chủ yếu là Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… Tháp truyền hình cao 180m, trị giá hàng chục tỷ đồng ở Nam Định bị bão quật đổ.
Bão số 9 (bão Ketsana), tháng 10/2009
Bão Ketsana, được biết đến với tên gọi bão Ondoy ở Philippines, hay bão số 9 năm 2009 tại Việt Nam, là cơn bão nhiệt đới tàn khốc, gây thiệt hại tới 1,09 tỷ USD và khiến 747 người thiệt mạng.
Ngày 26/9/2009, Ketsana bắt đầu hình thành từ một áp thấp nhiệt đới mạnh dần lên thành bão. Trên đường di chuyển, bão Ketsana đã gây lụt lớn tại thủ đô Manila, Philippines, làm hơn 100 người chết và mất tích, hàng ngàn người khác phải di tản trong trận lụt lớn nhất trong vòng 20 năm tại nước này, khiến chính phủ Philippines phải ban bố tình trạng thảm họa quốc gia.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, bão Ketsana là một trong những cơn bão mạnh nhất tại Việt Nam kể từ năm 1969 (cường độ gió cấp 12, giật cấp 14-15). Ketsana đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trưa 1/10/2009, vùng ảnh hưởng của gió mạnh gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Hậu quả bão số 9 gây ra tại Việt Nam vô cùng nặng nề: làm 163 người chết, 11 người mất tích và 629 người bị thương. Hơn 21.600 nhà bị sập, trôi; 258.260 nhà hư hại. Ngoài ra bão lũ còn gây rất nhiều thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản, giao thông, điện, thủy lợi... với tổng thiệt hại ước tính trên 14.000 tỷ đồng.
Bão số 6 (bão Xangsane), tháng 10/2006
Siêu bão Xangsane, theo tiếng Lào có nghĩa là "con voi lớn", còn được gọi là Milenyo tại Philippines, hoặc bão số 6 năm 2006 tại Việt Nam, là một cơn bão rất mạnh, hình thành từ vùng biển phía đông quần đảo Philippines vào cuối tháng 9/2006.
Bão Xangsane đổ bộ vào bờ biển Việt Nam từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ngày 1/10/2006. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km/h), giật trên cấp 13 (thực chất thì sức gió của nó đạt cấp 15, cấp 16).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, cơ quan chức năng đã sử dụng khái niệm cấp 13 và trên cấp 13 trong thang sức gió Beaufort, sau khi rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão Chanchu.
Nhận thức được độ nguy hiểm của cơn bão này, Việt Nam đã gấp rút chuẩn bị công tác phòng chống bão và thực hiện cuộc "di dân kỷ lục" với khoảng 180.000 người dân miền Trung được sơ tán để tránh bão. Sau hơn 6 giờ tàn phá tại Việt Nam, Xangsane khiến 76 người thiệt mạng và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 ngôi nhà bị đổ, hư hỏng nặng, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại, gây thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng.
Bão số 1 (bão ChanChu), tháng 5/2006
Cơn bão Chanchu là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Biển Đông trong năm 2006.
Bão đổ bộ Philippines trưa 13/5, sau đó vượt qua quần đảo này vào Biển Đông. Hai ngày sau, bão theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12.
Khi đó, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn chuẩn bị ứng phó như thường thấy, trong tâm thế bão hướng vào đất liền Việt Nam. Hơn 29.000 phương tiện trên biển, trong đó khoảng 1.000 tàu đánh bắt xa bờ được kêu gọi về nơi trú ẩn.
Thế nhưng, bão không đổ bộ đất liền mà quét trúng vùng trú ẩn của ngư dân đánh bắt xa bờ ở Bắc Biển Đông. Số người chết và mất tích được thông báo tăng dần sau mỗi ngày, mỗi giờ trong sự bàng hoàng của gia đình các ngư dân.
Cơn bão Chanchu quét qua đã khiến 266 ngư dân chết và mất tích ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, chỉ 20 thi thể được vớt, số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển.
Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người. 20 gia đình có 2-3 người bị nạn. Những người chết và mất tích đều là lao động chính trong những gia đình nghèo.