Trung Quốc rúng động vụ lừa đảo chữa bệnh trên mạng và vụ thận teo
Thời gian gần đây, dư luận Trung Quốc đang rúng động bởi hai sự kiện đều liên quan đến ngành y: Quảng cáo chữa bệnh tràn lan trên mạng Baidu khiến bệnh nhân tử vong và một người bị tai nạn giao thông bị mất thận sau phẫu thuật.
Chết vì chữa bệnh qua mạng
Ngụy Tắc Tây, 21 tuổi sinh viên đại học ở Tây An 2 năm trước bệnh u màng hoạt dịch (synovial sarcoma) do tin vào quảng cáo trên trang tìm kiếm hàng đầu Baidu đã chạy vạy vay mượn, bỏ ra tới hơn 200 ngàn tệ (trên 700 triệu VND) để chữa trị theo “Liệu pháp miễn dịch sinh vật chữa khối u” (Liệu pháp DC-CIK) tại Bệnh viện số 2 Tổng đội Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh. Kết quả: Tiền mất, mạng không còn…
Vụ việc đã gây nên cơn bão dư luận, Phó Tổng giám đốc Baidu bị mất chức, Baidu bị điều tra; bệnh viện bị đình chỉ khám chữa bệnh. Sự việc càng trở nên phức tạp khi báo chí điều tra phát hiện ra những chuyện tày trời: Baidu mỗi năm nhận hàng chục tỷ tệ tiền quảng cáo từ các bệnh viện tư nhân của một nhóm người quê Bồ Điền, Phúc Kiến; 80% bệnh viện quân đội móc ngoặc với nhóm này để làm ăn; liệu pháp DC-CIK hiện các nước Âu Mỹ đã đào thải không áp dụng, trong khi Bệnh viện số 2 lại quảng cáo là liệu pháp mới, sản phẩm hợp tác giữa họ với trường Đại học Stanford, Mỹ (nhưng thực tế không có); chính phủ Trung Quốc chỉ cho nghiên cứu, chưa cho điều trị lâm sàng liệu pháp này.v.v.
Thận bỗng dưng biến mất sau phẫu thuật
Ông Lưu Vĩnh Vĩ, quê An Huy, năm ngoái sau khi phẫu thuật lồng ngực ở Bệnh viện Từ Châu, Giang Tô thì phát hiện quả thận phải không cánh mà bay. Suốt nửa năm nay, ông chạy khắp các cơ quan cầu xin giúp đỡ, nhưng ông chỉ nhận được sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Phía bệnh viện còn đưa ra giải thích “thận bị teo mất”. Khi báo chí đăng tải, phía bệnh viện ra tuyên bố, ông Lưu tung thông tin bịa đặt, nhưng không đưa ra được nguyên nhân vì sao quả thận biến mất…
Vụ việc bùng phát bởi loạt bài trên báo An Huy. Ngày 12/6/2015, Lưu Vĩnh Vĩ lái máy kéo chở phân ra đồng, vừa ra khỏi nhà thì gặp mấy thiếu niên phóng xe máy điện lao tới; ông vội đánh tay lái để tránh, xe bị lật, Lưu Vĩnh Vĩ được đưa vào viện Hoản Bắc cấp cứu, qua chụp CT thấy nửa người phải bị rất nặng: Rách cơ hoành, gẫy mấy xương sườn, chấn thương phổi, tích dịch trong lồng ngực, gan, thận phải và xương sống cũng bị chấn thương.
Sau 8 ngày điều trị không hiệu quả, ngày 19/6, ông Vĩ được chuyển đến Bệnh viện trực thuộc Học viện Y khoa Từ Châu, Giang Tô để phẫu thuật. Các bác sĩ lại chụp CT và xác nhận chẩn đoán của viện Hoản Bắc là chính xác. Ông được thông báo: “Quả thận bên phải của ông đã bị chèn bật lên khoang ngực, phải mổ ngay để đưa nó về chỗ cũ”. Ngày hôm sau (20/6), bệnh viện tổ chức hội chẩn, bác sĩ Hồ Ba, Trưởng khoa Ngoại Tim - lồng ngực trực tiếp mổ. Theo ghi chép, ca mổ kéo dài 8 tiếng rất thành công: Vá cơ hoành, cố định các xương bị gãy, bóc tế bào phổi bị hư hại, đưa tạng gan và thận về vị trí cũ.
Sau ca mổ, bác sĩ Hồ Ba nói với Lưu Vĩnh Vĩ rằng, ông ta đã “lấy quả thận phải ra xem thấy vẫn tốt nên đã để lại ổ bụng”. Ngày 1/7, bệnh viện phẫu thuật lần 2, chủ yếu là để vệ sinh vết mổ ở khoang ngực. Đến ngày 6/7, bệnh tình chuyển biến tốt, ông Vĩ được chuyển về phòng điều trị. Sau hơn 1 tháng thì cắt chỉ, nhưng vết thương vẫn còn chảy dịch; ngày 18/8 ông được chuyển tới bệnh viện tỉnh Sơn Đông tiếp tục điều trị.
Ngày 19/8, bệnh viện tỉnh Sơn Đông chụp CT phát hiện ống dẫn lưu ở khoang bụng phải vẫn còn, một số tổ chức bị viêm nhiễm, kỳ quặc hơn là “không thấy hiển thị quả thận phải”. Sau khi bác sĩ thông báo kết quả “không có thận phải”, Lưu Vĩnh Vĩ rất sửng sốt. Để làm rõ trắng đen, Lưu Vĩnh Vĩ nén đau đến Viện quân y quân khu Nam Kinh khám lại. Qua kiểm tra bằng chụp CT, kết luận vẫn là “khuyết thận phải”. Ông đến tiếp một bệnh viện lớn ở Hợp Phì kiểm tra lại nhưng kết quả vẫn như thế. Một bác sĩ khi xem phim CT nói: “Nếu thận phải còn thì dù chỉ bằng hạt vừng, tôi cũng chỉ ra cho ông xem, nhưng thận của ông rõ ràng không có”…
Lưu Vĩnh Vĩ quay trở lại Bệnh viện ĐH Y khoa Từ Châu để chụp lại CT và đem cho bác sĩ Hồ Ba, người mổ mình khi trước xem. Hồ Ba xác nhận: Thận phải không có. Ông Vĩ chất vấn: “Bác sĩ, ông mổ cho tôi, thận bị mất, thế là thế nào?”. Hồ Ba không đáp, cúi đầu bỏ đi. Còn người đại diện của Văn phòng liên lạc với bệnh nhân của bệnh viện này thì cho biết: “Chúng tôi đã hỏi Hồ Ba, ông ấy đoán khi đó đặt vào không chuẩn xác, nên nó đã bị teo mất (!)”.
Sau khi khiếu nại ở bệnh viện này không thành, Lưu Vĩnh Vĩ đã chạy cả chục ngàn cây số đến khắp nơi để “tìm lại quả thận” nhưng không có kết quả, các cơ quan chức năng trả lời lòng vòng, né tránh.
Có đúng là thận có thể teo mất? Bác sĩ Vu Đức Tân, Chủ nhiệm Khoa ngoại tiết niệu bệnh viện ĐH Y khoa An Huy khẳng định với phóng viên: “Thận có thể teo nhỏ lại, nhưng nói chung vẫn thấy được khi chụp CT; còn teo mất hẳn thì chưa nghe nói bao giờ!”.