Trong buổi họp lớp, một cậu bạn hỏi vay tiền khiến 20 người ra về, bỏ lại hóa đơn 22 triệu đồng: Lòng dạ con người khó đoán
Nếu biết trước như thế này, tôi đã không tham dự buổi họp lớp này.
Tôi tên Hoàng, một người đàn ông thành đạt, giàu có nhưng đang rất tức tối trước cách ứng xử của nhóm bạn thời cấp 3.
Người bạn đến buổi họp lớp với những lời cầu xin
3 năm học cấp 3, tôi là lớp trưởng nhờ sự năng nổ tham gia hoạt động cũng như thành tích học tập rất tốt. Lớp tôi không đoàn kết mà chơi theo bè nhóm. Trong lớp 32 thành viên, được chia ra thành những nhóm như: nhóm học giỏi (có tôi), nhóm nhà giàu, nhóm ăn chơi lêu lổng, nhóm yêu đương... Làm lớp trưởng một lớp học như vậy giúp tôi có thêm kỹ năng ứng xử và quản lý, điều hành tập thể, nhất là một tập thể chia rẽ. Và đây cũng là chìa khóa giúp tôi đạt được thành công như hiện tại.
Bây giờ, tôi đang làm giám đốc một xưởng gỗ tư nhân, việc kinh doanh rất tốt. Tôi còn mở thêm chi nhánh ở các tỉnh khác nhau. Công việc bận rộn, vả lại ấn tượng về lớp cấp 3 cũng không sâu đậm nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tổ chức họp lớp.
Một ngày đẹp trời đầu tháng 5, cô bạn lớp phó học tập chủ động nhắn tin cho tôi, bảo tôi lên kế hoạch họp lớp sau 25 năm ra trường. Thúy, lớp phó học tập, nói có nhiều bạn muốn tìm cơ hội gặp gỡ, hội tụ cả lớp mà khó khăn quá. Tôi là lớp trưởng thì nên đứng ra kêu gọi, lập nhóm hội và lên lịch trước để các bạn được họp lớp một cách đúng nghĩa. Đây cũng là cơ hội để mọi người thấy được cuộc sống hiện tại của nhau. Thấy cũng có lý nên tôi đồng ý.
Mất cả tháng trời, tôi mới kết nối hết được với cả lớp. Nhưng nhận lời đi họp lớp chỉ có 21/32 thành viên. Họ bận bịu công việc, chuyện nhà cửa, rồi con cái... Tôi cũng không ép, ai đến được thì đến, không thì thôi.
Hôm đó, mọi người tập trung, ai cũng sang trọng, đi xe ô tô, nam thì mặc vest, nữ mặc váy. Mọi người chào hỏi nhau vài câu rồi bắt đầu tiết mục khoe: khoe nhà, khoe xe, khoe công việc, khoe con cái, khoe chồng/vợ, khoe cả nhà chồng/nhà vợ... Tôi muốn tìm cách đổi đề tài mà không thể đổi được nên đành bất lực, để họ muốn khoe gì thì khoe, nói gì thì nói.
Đến giữa buổi tiệc thì Vinh, cậu bạn nghèo nhất lớp bước vào. Cậu ấy rụt rè chào hỏi mọi người. Nhìn Vinh vẫn còn mặc bộ đồ công nhân xây dựng, mang ủng mà tôi chạnh lòng. Vinh xin lỗi mọi người rồi giải thích là đang làm ở công trình, mới biết chuyện họp lớp nên xin nghỉ để đến tham gia vì muốn gặp lại lớp, ôn lại những kỉ niệm thanh xuân.
Tôi mời Vinh ngồi cạnh mình, rót bia cho cậu ấy. Vinh uống một hơi hết ly bia rồi kể cuộc sống đang khó khăn, vợ lâm bệnh nặng, con 2 đứa đang đi học nên rất túng thiếu. Cậu ấy cúi mặt, hỏi bạn bè có thể cho cậu ấy vay một ít tiền để chữa bệnh cho vợ không? Mọi người đưa mắt nhìn nhau, không ai lên tiếng. Không khí ngượng ngùng bao trùm khắp căn phòng riêng.
Hóa đơn 22 triệu đồng và những giọt nước mắt tủi hổ của cậu bạn nghèo
Tôi xin phép các bạn đi vệ sinh. Ở nhà vệ sinh, tôi kiểm tra lại ví tiền và tiền trong tài khoản. Còn hơn 50 triệu, tôi dự định sẽ đứng ra quyên góp cho Vinh, giúp đỡ cậu ấy vượt qua cơn khốn khó hiện tại. Nhưng không ngờ, khi tôi bước ra, mọi người đã bỏ về hết, chỉ còn Vinh ngồi lại, lặng lẽ nhìn tờ hóa đơn đặt trên bàn.
Tôi kinh ngạc hỏi những người khác đâu, Vinh buồn rầu nói họ lần lượt kéo nhau về hết rồi, chỉ để lại tờ hóa đơn và 2 triệu đồng của cô bạn lớp phó. Tôi định hỏi lý do thì Vinh đã rơi nước mắt. Cậu ấy nói do mình hỏi vay tiền nên họ mới lấy lý do để về hết rồi. Nhìn người bạn khắc khổ ngồi trước mặt với những giọt nước mắt tủi hổ mà tôi tức tái mặt.
Tôi thanh toán hóa đơn và đưa cho Vinh 25 triệu để giải quyết khó khăn trước mắt. Tôi cũng hứa sẽ đến tận nhà cậu ấy để giúp đỡ tiếp tục chứ không bỏ rơi Vinh như những người bạn khác. Vinh ôm lấy tôi, cảm ơn và hứa sẽ trả tiền đầy đủ cho tôi khi có điều kiện.
Vừa ra khỏi nhà hàng, tôi đã thẳng tay xóa nhóm. Nếu biết buổi họp lớp diễn ra kiểu này, tôi đã không tổ chức và cũng không bao giờ tham gia. Giờ có cách nào để giúp đỡ Vinh không?