"Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ"

Huy Hậu ghi/ Ảnh: Hải Long ,
Chia sẻ

Trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều đối tượng móc nối mạng lưới "chân rết" để dắt người, vận chuyển hàng giả, "tuồn" khẩu trang sang biên giới bán kiếm lời. Đó là quãng thời gian từ mùng 5 Tết, anh em BĐBP Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài không ngủ.

"Lên xe đi, em chở đi đường này về Việt Nam, dễ ngay ấy mà", người xe ôm giữ tay, một mực chèo kéo bằng được D. 

Bên trong, cha cô vẫn đứng trước cửa khẩu, quơ tay múa chân với mớ tiếng Khơ-me bồi, mong muốn được giúp đỡ. Lúc lâu, công an lắc đầu không hiểu. 

"Gần hết giờ rồi. Campuchia đóng cửa khẩu cấm xuất, phạt cho đấy", xe ôm chêm thêm. Nhìn đồng hồ, cha con D. đành gật đầu đồng ý.

Cha con D. quê Thái Bình, vào Tây Ninh định cư được vài năm thì sang Campuchia mở ki-ốt nhỏ, chủ yếu bán chiếu mành. Vài ngày trước, trường cho nghỉ học, D. mò sang phụ cha.

1/4, dịch Covid-19 bùng mạnh, Chính phủ Campuchia yêu cầu đóng cửa cơ sở kinh doanh, cha con cô khăn gói trở về Việt Nam. Qua đến cửa khẩu, không biết tiếng Khơ-me, cha cô đã làm đủ mọi cách nhưng không được về.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 1.

Từ mùng 5 Tết, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài đã thành lập nhiều chốt chặn ở 2 bến cánh gà cửa khẩu.

20h30, người xe ôm "bốc" 2 cha con D. lên rồi phóng đi. Đến đoạn đường trống, ông ta dừng lại, chỉ tay về phía trước: "Chạy qua khỏi cánh đồng đó là tới Việt Nam, tui đưa tới đây thôi. Đi đi". Nói xong, ông ta lấy trong tay D.  4 triệu đồng rồi mất hút.

Đêm tối, hết tiền, không biết đường quay lại, cha con D. chỉ còn nước đi tiếp theo lời hướng dẫn. Cha dắt tay cô, cắm đầu cắm cổ chạy qua những bờ ruộng, ụ đất, mương nước. Được một lúc, phía bên kia, từ cột mốc 171.2, ánh sáng đèn pin của bộ đội bật lên, vây quanh. Hai cha con giờ mới biết mình vừa làm một chuyện trái phép.

"Xe ôm bảo tui cửa khẩu đóng rồi, qua là bị phạt nên chỉ có đường này là mới về được Việt Nam tránh dịch", cha D. vừa viết bản tường trình, vừa sụt sùi phân trần. Nghe xong, cán bộ nhìn nhau, ai cũng đau đớn lòng.

"Có công nhân làm trong công trình xây dựng, casino online,… 22h đóng cửa nhưng 23h ông chủ mới trả tiền nên bị xe ôm dắt mối làm liều vượt biên về Việt Nam. Đôi lúc vì thiếu hiểu biết, bị lợi dụng lòng tin mà người dân bị lừa hết 4-5 triệu đồng như thế, không biết bao giờ mới kiếm lại được…" - Thiếu tá Lê Văn Đàm, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, nhớ lại.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 2.

Thiếu tá Lê Văn Đàm, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nhớ lại kỷ niệm phòng chống dịch Covid-19

D. (20 tuổi) và cha mình (44 tuổi) là 2 trong số trên dưới 10 trường hợp vượt biên trái phép được bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt quả tang, đưa đi cách ly tập trung trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đối tượng khác, lợi dụng tình hình căng thẳng hai bên, ngày đêm móc nối mạng lưới "chân rết" để dắt người, vận chuyển hàng giả, "tuồn" khẩu trang sang biên giới bán kiếm lời. Đó là quãng thời gian từ mùng 5 Tết, anh em BĐBP Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài không ngủ.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 3.

Tất cả mọi người trở về Việt Nam đều được đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Từ đường tuần tra vừa mới đắp lên trên bờ ruộng, thêm 30 mét nữa là tới ranh giới Việt Nam -Campuchia của xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu - tỉnh Tây Ninh). Nó là một bờ đất được đắp nhô cao lên hẳn so với mọi rãnh ruộng còn lại.

Qua bên kia, đi hết những thửa ruộng khô cằn là có thể đặt chân tới trung tâm thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng). Ở đó, có những tòa nhà cao, bóng đèn vẫn hắt về phía Việt Nam. Một khung cảnh nhộn nhịp khác với căn chòi đậm bóng tối, nơi bộ đội vùng biên làm nhiệm vụ chống dịch.

"Thời gian trước, đồng bào hai bên vùng biên vẫn thong dong dắt trâu ra đồng, trồng lúa, nuôi vịt, đôi khi là chạy xe sang mua bán bó rau, thang thuốc… Nhưng hễ tờ mờ sáng, chờ lúc bộ đội có thể mệt mỏi, nhiều đối tượng lại theo đường mòn, lối mở, ngách ruộng, dắt người nhập cư trái phép vào lãnh thổ Việt Nam" - thiếu tá Hoàng Quốc Lực chia sẻ.

Ban ngày đi tuần, ban đêm mật phục, anh em bộ đội phải thay phiên nhau nghỉ ngơi.

Trước tình hình đó, từ sau chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng BĐBP Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài đã bố trí thêm 16 chốt điểm cùng 8 chốt cố định tạo thành một lũy tiến thép ôm quanh 2 cánh gà cửa khẩu. Trong số đó, "Lỗ Chó" từng được xem là những điểm nóng nhất của khu vực, nay đã giảm hẳn số lượng vụ buôn lậu.

Cách đây hơn năm, tội phạm buôn lậu vào Việt Nam đã táo tợn cắt hàng rào thép gai nhà máy điện năng lượng mặt trời (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) để tạo lỗ "tuồn" hàng vào nội địa. Địa hình nhà máy điện phức tạp, hạn chế tầm nhìn khiến lực lượng chức năng nhiều lần khó kiểm soát.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 7.

"Lỗ Chó" từng được xem là điểm nóng của khu vực.

Cán bộ buộc phải hàn sắt, khoá xích, phá cầu bương mương để chặn đứng đường di chuyển. 5 lần 7 lượt như thế, cán bộ phá, tội phạm lại tìm đường mở lỗ, phá rồi mở lỗ, cuối cùng bộ đội đành dựng lều, che bạt giữa ruộng để canh giữ "Lỗ Chó".

"Ở 'Lỗ Chó' ban ngày thì nóng như lò nung, bụi tung mù mịt khiến anh em đeo chiếc khẩu trang qua một buổi là đen thui. Ban đêm thì không đèn, không điện, muỗi bâu đen cả tay chân, chẳng thể nào ngủ được" - thiếu tá Lực kể.

Bên cạnh "Lỗ Chó", từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chốt số 12 cũng được dân nhường nhà sàn cho bộ đội canh giữ biên giới. Dọc đường tuần tra xã Tiên Thuận, cứ chạy xe 20 mét lại bắt gặp 1 chốt chặn tập trung, 5-6 chiến sĩ canh giữ cả ngày lẫn đêm!

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 9.

Chốt điểm Cầu Trắng ngập trong nước.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 10.

Thời tiết đúng thiệt oái ương! Ban nãy "Lỗ Chó" còn nóng như đổ lửa, chút nữa đã nổi gió, xới tung cột keo tràm ngã lăn, đến tối thì mưa đã đổ trắng xoá. Anh em giờ đã ngồi trong chốt, rét run.

Được 15 phút, thiếu tá Lực lại cởi chiếc xe máy cũ, đội mưa đi tuần. Giờ trên khắp cánh đồng, trừ ánh sáng từ chiếc đèn pin chiếu qua tận bờ đất bên kia đường ranh, tất cả đều tối đen như mực, chẳng rõ đâu là đường, đâu là nước. Những đêm như thế, Lực bảo chính là lúc tội phạm hoạt động nhiều hơn.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 11.

Thiếu tá Hoàng Quốc Lực tuần tra trên đường biên.

"Mùa khô, đất cứng, đường mòn lộ rõ nên chúng dễ dò đường, nằm núp trong lùm đợi bộ đội mệt là hành động. Còn mùa mưa, nước ngập sâu, không rõ mương nước, đường mòn nên tội phạm thường nhờ người dân địa phương dắt đường để trở về Việt Nam, gây khó khăn rất nhiều cho bộ đội Việt Nam" - anh Lực kể.

Cách đây nửa tháng, trong ca tuần trên đoạn xã Tiên Thuận, thiếu tá Lực đã phát hiện 2 đối tượng theo đường bộ nhập cảnh vào Việt Nam. Thấy đèn thị uy của cán bộ, chúng vội bỏ chạy. Lực bám đường ruộng, rượt theo. Được một lúc, tên thành niên vội giơ tay lên đầu, chịu trận. Hỏi ra thì đối tượng khai vì sợ cách ly nên đã thuê xe ôm 300 USD đưa trở về Việt Nam theo đường mòn. Cán bộ lập tức lập biên bản, đưa đi cách ly tập trung.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 12.

Cạnh đó, tại chốt Tà Peng, Đại uý Trần Văn Giàu (Đội trưởng Kiểm soát Hành chính Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài) cùng 2 chiến sĩ cũng đã lên đường đi mật phục. Cứ đều đặn 7h tối mỗi ngày, 3 anh em lại ra đồng, dùng kỹ thuật đẩy người bò trườn trên những ụ đất đồng để nằm phục. Giờ là mùa khô, đất cứng như nhát dao, mỗi ca phục trở về, bụng anh em đều đỏ bầm, hai tay rách tươm.

"Hôm nào có ụ đất để nằm quan sát là may mắn nhất rồi. Còn xui xui thì khi trên ổ kiến lửa vẫn cắn răng chịu. Còn mùa mưa, đỉa đói theo nước từ Campuchia đổ về như rạ. Nhiều đêm, bò trên ruộng nước mà trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ".

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 13.

Đại uý Trần Văn Giàu kể về những đêm mật phục khó khăn.

Đại úy Giàu vừa nói vừa vén ống quần cho tôi xem. Dưới gót chân, mớ da non do kiến lửa cắn bừa, qua một hôm đã tiếp tục rỉ máu. Anh bảo: sẹo, cục chai, tét da, chảy máu, hay những đường rãnh nứt nẻ ở gót chân… đều đã trở thành những điều bình thường của bộ đội mật phục.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 15.

Thiếu tá Lê Văn Đàm vẫn còn nhớ: 24/3, nhận mật báo xã Long Thuận (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) có đường dây vận chuyển số lượng lớn khẩu trang sang biên giới, anh em BĐBP Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài nhanh chóng họp bàn, tung quân khắp địa bàn xã mật phục ngay trong đêm.

3 đêm, tội phạm thay đổi đường đi xoành xoạch khiến anh em phải phán đoán, đổi vị trí phục kích liên tục. Một bên dân địa phương đổ ra ruộng soi ếch, bắt nhái buổi đêm, một bên dân buôn lậu cải trang, dùng pin rọi đèn soi đường thám thính mở đường. Bộ đội và tội phạm phải đánh úp nhau cả đêm như thế.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 16.

Thiếu tá Lê Văn Đàm tham gia nhiều đợt vây bắt đường dây buôn bán khẩu trang sang biên giới Campuchia.

Đến ngày thứ 4, Thiếu tá Đàm đành nghĩ cách tạo một "địa võng", đưa tội phạm vào vòng để vây bắt. Anh nhanh chóng chia tốp mật phục làm 2 ngả bám dọc bờ suối, bên trong con đường ven suối thì thả lỏng để dụ địch.

0h35 ngày 27/3, nghe thấy động tĩnh, anh Dũng và Giỏi nhanh chóng nằm sấp dưới ruộng, chuẩn bị tư thế. Trong bóng tối, 2 thanh niên đi chiếc xe đạp theo đường bờ suối vào địa bàn. Đến nơi thì họ vứt xe, nhét 2 thùng giấy vào ụ rơm rồi lần lượt móc dây lên vai đưa hàng sang biên giới.

Tội phạm vừa hành động, Dũng và Giỏi đã xông lên. Một đối tượng tung hàng định chạy thì bị vây bắt. Người còn lại lẩn vào ruộng ớt, bộ đội rà soát cả đêm không tìm được.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 17.

Bộ đội biên phòng là 1 trong những lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Tại cơ quan chức năng, Nguyễn Chí Thiện (1977) khai nhận đã vận chuyển khẩu trang sang biên giới với mức giá 1.200.000 đồng/thùng. Cách đó thêm 300 mét, BĐBP thu giữ thêm một thùng giấy chứa 3.900 khẩu trang không chủ. Tổng số thu giữ trong đêm 27/3 là 11.700 chiếc khẩu trang.

Đó là 1 trong 6 trường hợp tuồn khẩu trang sang biên giới bị BĐBP Cửa khẩu Quốc Tế Mộc Bài bắt giữ trong vòng 2 tháng. Vụ lớn nhất, bộ đội thu giữ gần 29.000 khẩu trang, chặt đứt nhiều đường dây buôn bán hàng lậu trong tình trạng khan hiếm thiết bị y tế tại Việt Nam.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 19.

Hơn 2 tháng cắm chốt "Lỗ Chó", thiếu tá Hoàng Quốc Lực vẫn chưa được gặp con. Nhà anh ở Trảng Bàng, cách cửa khẩu Mộc Bài hơn 20km, nhưng mỗi đêm, bố con vẫn chỉ gặp nhau qua chiếc điện thoại.

"Mấy bữa đầu con bé đòi suốt. Tuần đó, nhận nhiệm vụ là thứ 5, mình nói với con: 2 tuần nữa, ba sẽ về. Vậy mà mới tới thứ 7 nó đã bảo bố đi được một tuần rồi, giao hẹn với mình một tuần nữa thì phải về nhà với nó…" - anh Lực kể.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 20.

Niềm vui của Thiếu tá Lực là những cuộc gọi về nhà gặp con.

Toàn đội BĐBP Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài từ nhiều tháng nay ai cũng thế. Có người ở Bến Cầu, có người thành phố Tây Ninh, nhiều tháng trời bám biên, vẫn chưa trở về.

Trung uý Đỗ Văn Luân (28 tuổi) được tăng cường lên Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài hôm 28/3. Luân kể, hôm đó, đang học tại trường Trung cấp Biên phòng 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì nhận được chỉ thị, anh mừng như trúng được vàng, lên đường ngay.

"Tháng 7 này, dịch dập sớm, anh quay lại học cho xong chương trình. Học xong thì lại ra biên giới. Biết sao được, đời bộ đội nó thế, vất vả nhưng mà vui" - Luân tủm tỉm cười.

Trên mặt muỗi bay vo ve, dưới chân đỉa đói bu kín, xui xui thì nằm trên ổ kiến lửa... anh em vẫn bám trụ làm nhiệm vụ - Ảnh 21.

***

48 giờ đồng hồ theo chân BĐBP Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tôi không khỏi thán phục sức trẻ của những người lính tuyến đầu chống Covid-19. Có người chỉ vừa mới đôi mươi, người 25, 30,… ngày đêm dầm mưa, dãi nắng, bám trên những thửa ruộng để bảo vệ biên cương.

Tôi càng tự hào hơn, khi những buổi chiều từ phía cột mốc 170 nhìn phía con đường đất nằm ngang thửa ruộng của xã Tiên Thuận, ở đó, trong những chiếc chòi lá, trên những khu nhà gạch mới xây và ngay cả trên những căn nhà gỗ mà dân nhường lại cho bộ đội thực hiện công tác, mưa, nắng, gió xới tung cả đất… chiếc cờ đỏ sao vàng vẫn bay phấp phới trên bầu trời xanh miền biên viễn Tổ Quốc.

Thật bình yên!

Chia sẻ