[Trên Ghế 54] Không xây nhà máy, không làm trạm sạc, thương hiệu còn yếu, các hãng xe Trung Quốc khó thành công
Làn sóng xe Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam nhưng cựu Tổng thư ký VAMA, ông Vũ Tấn Công cho rằng khó thành công vì nhiều hãng không xây nhà máy, không làm trạm sạc và thương hiệu còn yếu.
Dưới đây là phần trao đổi giữa host Đăng Việt và ông Vũ Tấn Công, cựu Tổng thư ký VAMA, về chủ đề: Xe Trung Quốc không có nhà máy thì dễ bỏ Việt Nam?
Thị trường ô tô con, đặc biệt ô tô điện, ở Trung Quốc gần như đã bão hòa. Tiếp theo, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố là sẽ áp thuế 100% đến ô tô nhập khẩu Trung Quốc. Vì thế, nhiều hãng xe Trung Quốc tỏ ra lo lắng. Ngoài ra, việc tìm kiếm thị trường mới là nhu cầu đương nhiên của một nhà sản xuất, không nằm ngoài chiến lược của công ty.
Về việc chọn Việt Nam, tôi có thể kể ra ba lý do sau:
Thứ nhất, thị trường ô tô Việt Nam tuy còn nhỏ nhưng rất tiềm năng. Theo số liệu tôi tổng hợp được,Việt Nam hiện nay có khoảng 53,8 ô tô trên 1.000 dân. Con số này so với các nước khác lân cận ở châu Á còn thấp hơn nhiều.
Thứ hai, dân số Việt Nam hiện khoảng 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng hơn 4.600 USD. Những con số này rất tiềm năng cho phát triển ô tô.
Thứ ba, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do như là ATIGA, RCEP, CPTPP. Vì thế, nếu đặt nhà máy tại Việt Nam, các sản phẩm ô tô con Trung Quốc có cơ hội xuất khẩu ra các nước thành viên các hiệp định thương mại nói trên và được ưu đãi thuế.
Nhiều thương hiệu xe Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không đầu tư quá nhiều, không xây nhà máy, không xây trạm sạc, gần như để cho đại lý tự làm mọi thứ. Vậy theo ông, đây có phải là cách để họ có thể dễ dàng rút lui hơn khi kết quả kinh doanh không đạt được như kỳ vọng?
Hiện tại có nhãn hiệu Omoda & Jaecoo liên doanh với Geleximco để làm nhà máy ở Thái Bình. Nhãn hiệu Lynk & Co liên doanh với Tasco Auto cũng làm nhà máy ở Thái Bình. Còn lại, hầu hết tất cả các thương hiệu khác đều không làm nhà máy. Đối với những hãng có ô tô điện, họ không có kế hoạch xây dựng hệ thống trạm sạc tại Việt Nam.
Tôi cho rằng, họ chưa tin vào việc có thể thành công ở Việt Nam nên không đầu tư nhiều. Như tôi theo dõi, họ không đầu tư nhà máy, không đầu tư trạm sạc. Thậm chí, họ cũng không đầu tư đại lý mà chọn cách chỉ định một nhà phân phối, và nhà phân phối đó cũng phải tự lo. Riêng BYD Việt Nam do BYD Trung Quốc đầu tư, còn các hãng khác đều chỉ định một nhà phân phối. Ví dụ, Aion chỉ định công ty ô tô năng lượng mới Harmony, Harmony cũng phải tự đầu tư.
Họ ý thức được thương hiệu ô tô Trung Quốc hiện nay ở Việt Nam còn yếu, nên khả năng thành công tương đối thấp. Với cách làm đó, nếu thua họ rút lui cũng dễ hơn.
Vậy nếu có kịch bản này xảy ra, thiệt hại đối với người tiêu dùng sẽ như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất sẽ không có chỗ bảo dưỡng, sửa chữa, bảo hành chính hãng khi họ rút.
Thứ hai, nếu khách hàng đồng ý tự ra gara ngoài để sửa, họ cũng không có chỗ để mua phụ tùng.
Thứ ba, mỗi người khi mua ô tô sẽ không mãi mãi đi chiếc xe đấy, sẽ có lúc họ cần bán đi. Khi đã rút lui khỏi Việt Nam, việc bán lại chiếc xe Trung Quốc đã qua sử dụng rất khó, thậm chí “bán rẻ như cho” chưa chắc đã bán được. Đấy là thiệt hại về mặt tài chính.
Ngoài thiệt hại về tài chính, người dùng còn phải chịu những thiệt hại gì khác, thưa ông?
Vậy lời khuyên mà ông đưa ra cho người tiêu dùng trong mùa mua sắm cuối năm là gì?
Theo nghiên cứu khách hàng của tôi, để mua ô tô, người dùng quan tâm những yếu tố sau.
Đầu tiên, chiếc xe phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Sau khi đã tìm được những cái tên phù hợp với nhu cầu, người dùng sẽ quan tâm đến giá bán. Lúc này, yếu tố quyết định để mua một mẫu xe là thương hiệu.
Yếu tố thương hiệu của một hãng xe được xây dựng từ nhiều điểm khác nhau. Và người dùng chỉ nên mua mẫu xe có thương hiệu được khẳng định trên thị trường. Đó là sự cam kết lâu dài của thương hiệu đó tại Việt Nam. Ví dụ, thương hiệu đó phải có nhà máy, phải có hệ thống trạm sạc, phải có hệ thống đại lý 3S hoặc 4S, chính sách bảo hành tốt.
Đây là những điều mà tôi khuyên người tiêu dùng nên sáng suốt trong việc lựa chọn trước khi quyết định mua xe.
Trong số Trên Ghế 51, khách mời của chúng tôi đang sử dụng chiếc Beijing U5 Plus, là mẫu xe thuộc thương hiệu đã rút lui khỏi Việt Nam. Anh ấy chia sẻ rằng, ngoài việc chọn thương hiệu, người dùng cũng nên chọn cả nhà phân phối chắc chắn tại Việt Nam. Ông đánh giá ý kiến này như thế nào?
Nếu một nhà phân phối bé nhỏ lẻ, hôm nay người ta làm cái việc này, mai người ta làm cái việc khác. Việc họ biến mất khỏi thị trường rất dễ.
Nhưng đối với nhà phân phối lớn và có uy tín, họ ít khi làm chuyện đó. Họ có những cửa hàng bán xe, có trạm dịch vụ sửa chữa, cung ứng phụ tùng và các vấn đề khác. Đối với một nhà phân phối quy mô như vậy, họ ít khi thay đổi. Như vậy, mình có thể đặt niềm tin vào đó.
Vì thế, việc lựa chọn nhà phân phối rất quan trọng, chúng ta mua ô tô không thể đến một cửa hàng bé bé.
Cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ vừa rồi.