Trẻ nhiễm sán lợn: Hàng nghìn bà mẹ đang hoang mang quá mức

Khánh Ngọc,
Chia sẻ

Theo TS Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng Quy Nhơn, khi mắc sán người dân không nên quá hoang mang và lo lắng về việc xét nghiệm máu dương tính với sán lợn.

Trẻ nhiễm sán lợn: Hàng nghìn bà mẹ đang hoang mang quá mức - Ảnh 1.

Thói quen ăn thực phẩm sống, tái, gỏi... chính là nguồn gốc lây nhiễm giun sán. (Ảnh minh họa)

Thông tin học sinh mầm non bị sán ở Bắc Ninh hiện đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bà mẹ lo lắng cho con đi xét nghiệm sán. Cho đến nay đã có khoảng 1500 trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh được bố mẹ đưa đi xét nghiệm sán. Điều này gây tốn kém bởi mức chi phí xét nghiệm mà các gia đình đang phải chi trả khoảng từ 1- 2 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Y. - bà mẹ đến từ Thanh Khương, Thuận Thành chia sẻ rằng sau khi hay tin có trẻ bị sán lợn, chị hoang mang phải nghỉ làm ở nhà đưa con đi xét nghiệm. Bé nhà chị may mắn không bị sán nhưng nhiều bé khác bị sán và việc lây nhiễm sán có thể từ môi trường khiến bà mẹ trẻ này vẫn không khỏi lo lắng.

TS Huỳnh Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét và ký sinh trùng Quy Nhơn cho biết, với tỷ lệ hơn 50 tỉnh ở nước ta có bệnh sán lợn lưu hành thì việc đưa hàng loạt trẻ đi xét nghiệm sẽ gây hoang mang và sợ hãi cho trẻ. Khi sán chưa có biến chứng gì thì người nhà cũng như bệnh nhân không cần quá lo lắng.

Nếu chỉ ăn thịt lợn nhiễm nang sán thì rất khó bị sán vì thức ăn ở các trường mầm non đã được nấu chín, không ai cho trẻ ăn thịt sống. Theo TS Quang, nếu nói do ăn phải thịt chứa nang sán gây ra sán cũng không đúng và không hẳn bữa ăn ở trường đã khiến các bé bị sán.

Việc các mẹ hoang mang và đưa con đi xét nghiệm, về mặt cộng đồng có thể làm được nhưng không nên quá lo sợ như hiện nay.

TS Quang nhấn mạnh, nếu kết quả xét nghiệm máu dương tính với sán lợn thì đó chưa được coi là ca bệnh, chưa cần điều trị nếu trẻ không có các triệu chứng đi kèm như rối loạn tiêu hóa, dấu hiệu trên da, niêm mạc có thể ngứa, mày đay từng đợt, có đốt sán đi ra từ hậu môn... Khi có các dấu hiệu nhiễm sán thì mới có thể coi là ca bệnh và cần phải uống thuốc.

Có cùng suy nghĩ với TS Quang, bác sĩ Trương Hữu Khanh – khoa Nhiễm, thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho biết, giun sán có rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật... nên việc vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng. Và kể cả khi đã làm vệ sinh thì vẫn khó tránh giun sán. Vì thế, các bác sĩ thường khuyến cáo nên xổ giun sán 1 năm hai lần.

Giun sán ký sinh trên người ở đường tiêu hóa hay trên da thì cũng sẽ di chuyển vào ruột người để thải ra môi trường nhằm "nhân giống". Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi "lỡ" đi vào người có thể đi lạc vào cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, biến chứng sợ nhất là lên não, thường là lên da nhưng cũng không phải có nhiều.

Có nên xét nghiệm tìm giun sán không? Theo bác sĩ Khanh, số giun sán vào cơ thể người sau một thời gian sẽ được cơ thể người thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính. Vì vậy dù cha mẹ có đưa bé đi làm xét nghiệm và nhận được kết quả dương tính thì có thể trong người không có, không còn giun sán nào cả.

Khi xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm vì nhiễm giun sán này có thể đã hết lâu rồi nhưng lại xét nghiệm ra giun sán khác, nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó mèo, sán lợn. Trong những trường hợp này chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi… bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm sán.

Theo BS Khanh, việc ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm là không cần thiết. Nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì cứ uống thuốc xổ giun. Với giun sán thông thường thì dùng các thuốc xổ giun albendazol, mebendazol, pyrentel. Nếu nghi nhiễm sán lợn thì dùng thuốc Praziquantel hay albendazol.

Ngoài ra, TS Huỳnh Hồng Quang khuyên người bệnh không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dây lợn vì dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn nên thực hiện ở cơ sở y tế có trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi.

Cách phòng bệnh sán là không ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín, không ăn rau sống, uống nước lã. Việc phòng bệnh cần kết hợp với các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ các lò mổ lợn, trâu bò và loại bỏ các con vật mang ấu trùng sán; quản lý phân tốt: luôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông...

Cần phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dây và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.

Chia sẻ