Trẻ mắc chứng động kinh thoát khỏi hàng chục cơn co giật mỗi ngày nhờ kỹ thuật mới này
Các bác sĩ BV Nhi Trung ương vừa điều trị thành công cho 5 trẻ bị động kinh kháng thuốc, giúp các em có cuộc sống bình thường.
Trước đó, 5 trẻ này đều mắc chứng động kinh, mỗi ngày xuất hiện 10-25 cơn co giật nhưng dùng thuốc không hiệu quả khiến gia đình hết sức lo lắng.
5 bệnh nhi này gồm 3 trẻ nam và 2 trẻ nữ, tuổi từ 12 tháng đến 11 tuổi với các ổ động kinh nằm ở thùy trán, thùy đỉnh, hay ở sát vùng chức năng.
Trường hợp nhỏ tuổi nhất là bé trai V.N.M (12 tháng tuổi). Gia đình cho biết, sau sinh 2 tháng, cháu khởi phát cơn giật đầu tiên. Đỉnh điểm có lúc bé xuất hiện đến 10 cơn giật trong ngày, trong cơn có run và co giật nửa cơ thể bên phải. Sau khoảng thời gian điều trị bằng thuốc chống động kinh mà tình trạng sức khỏe không cải thiện, bệnh nhi được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật động kinh. Điện não đồ của bệnh nhi ghi nhận có sóng động kinh bền vững, khu trú vùng trán trái. Trên phim chụp MRI có tổn thương nhu mô não trước ở vùng trán trái, kích thước 2,3 x 5,6 cm.
Bệnh nhân lớn nhất trong số 5 bệnh nhi là bé gái L.A.V (11 tuổi). Theo lời người nhà, cháu bé khởi phát cơn giật đầu tiên lúc 2 tuổi. Trước mổ có 5-25 cơn/ngày, cơn giật bắt đầu từ tay phải sau đó lan toàn thân, kéo dài 3 phút, xảy ra chủ yếu về đêm. Bệnh nhi được chỉ định sử dụng thuốc, song tình trạng không thuyên giảm. Qua điện não đồ, các bác sĩ xác định bệnh nhi có sóng động kinh ở vùng đỉnh trái và vùng giảm chuyển hoá ở đỉnh trái, gần vùng vận động và ngôn ngữ.
3 bệnh nhi còn lại có độ tuổi lần lượt là 30 tháng, 25 tháng, 10 tuổi. Cả 5 bệnh nhi đều được chỉ định phẫu thuật động kinh sau khi không đáp ứng với thuốc điều trị động kinh.
Theo ThS.BS Lê Nam Thắng – Phó trưởng khoa Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Tỉ lệ mắc bệnh: 0,05 đến 0,1 % dân số thế giới. Trong đó, trẻ em chiếm 60%, nam mắc nhiều hơn nữ. Động kinh thường không xác định được nguyên nhân, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thậm chí là gây nguy cơ tử vong.
Động kinh kháng thuốc là khi dùng kết hợp 2 đến 3 loại thuốc chống động kinh hàng đầu với liều tối đa chịu đựng được mà vẫn không kiểm soát được cơn co giật. Chỉ định phẫu thuật được đặt ra trong các trường hợp động kinh kháng thuốc.
EcoG – kỹ thuật mới, hiệu quả
Theo các bác sĩ, trên thế giới, phẫu thuật động kinh được tiến hành từ lâu, chủ yếu dựa vào cắt vùng động kinh dựa trên điện não đồ (EEG) và cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, tổn thương trên cộng hưởng từ không chứng minh được rằng đó là nguyên nhân của động kinh. EEG da đầu hữu ích nhưng không đủ chính xác để khu trú được ổ động kinh. Điều này dễ dẫn đến bỏ sót ổ động kinh khi cắt bỏ, hoặc phạm vi cắt bỏ rộng dễ dẫn tới các thiếu sót chức năng thần kinh sau mổ. Để có độ chính xác cao hơn để cắt bỏ ổ động kinh thì điện não đồ vỏ não (ECoG) được đưa vào sử dụng để hỗ trợ trong phẫu thuật nhằm xác định chính xác ổ động kinh, bảo tồn tối đa vùng não chức năng mà vẫn đảm bảo hiệu quả của phẫu thuật.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phẫu thuật động kinh được tiến hành từ năm 2010. Đến năm 2017 với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Alabama (Hoa Kỳ), bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên áp dụng ECoG trong các ca phẫu thuật động kinh và đã cải thiện được đáng kể tình trạng sức khỏe của bệnh nhi sau phẫu thuật.
Các ca mổ động kinh áp dụng ECoG đòi hỏi sự tham gia của 3 nhóm bác sĩ: nhóm bác sĩ ngoại khoa thần kinh phụ trách phẫu thuật cắt bỏ ổ động kinh, nhóm bác sĩ nội khoa thần kinh phụ trách việc cài đặt thiết bị đo ECoG và đọc bản ghi điện não trước và sau cắt ổ động kinh, nhóm bác sĩ gây mê phụ trách việc gây mê bệnh nhân và điều chỉnh nồng độ thuốc gây mê.
Kỹ thuật trong phẫu thuật động kinh giúp nâng cao cơ hội sống và phát triển tương lai cho trẻ. Ảnh minh họa.
Thuốc chống động kinh được dừng trước phẫu thuật 2 ngày để hạn chế âm tính giả khi đo ECoG. Bệnh nhân được mở hộp sọ và màng cứng rộng rãi tại vùng nghi ngờ ổ động kinh. Đặt tấm điện cực dạng lưới áp sát bề mặt não để ghi lại sóng điện não. Thuốc gây mê được ngưng ít nhất 15 phút trước và trong quá trình ghi ECoG, kéo dài trong 30 phút. Bản ghi điện não được các bác sĩ nội khoa thần kinh đọc, phân tích từ đó khu trú ổ động kinh trên bề mặt não. Phẫu thuật viên cắt bỏ vùng não (sâu tới hết chất xám) có ổ động kinh. Sau khi ổ động kinh được cắt bỏ, ECoG được thực hiện lại tại vùng ranh giới diện cắt bỏ nhằm kiểm tra xem có còn sóng động kinh không.
Trở lại trường hợp 5 bệnh nhi đã được mổ động kinh trong thời gian vừa qua, sau phẫu thuật, 4/5 bệnh nhân kết quả ghi ECoG ngay sau mổ không thấy sóng động kinh, diễn biến lâm sàng của 4 bệnh nhân này sau mổ đều rất tốt, hết giật hoàn toàn (Engel độ IA); 1 bệnh nhân kết quả ghi ECoG sau mổ còn sóng động kinh hoạt động mức độ nhẹ tại vùng vận động, kết quả sau mổ bệnh nhân thỉnh thoảng còn cơn giật nhẹ (Engel độ IC).
Chia sẻ về ưu điểm của kỹ thuật mới này, bác sĩ Thắng cho biết thêm, trong số 5 bệnh nhân có 3 bệnh nhân mà ổ động kinh có vị trí nằm gần hoặc trong vùng vận động (2 bệnh nhân thùy đỉnh, 1 bệnh nhân thùy trán), tuy nhiên lâm sàng sau phẫu thuật không thấy có sự tổn thương thêm chức năng vận động của bệnh nhân so với trước mổ. Điều này cho thấy ý nghĩa của việc xác định rõ vùng chức năng nhờ ECoG trong phẫu thuật, giúp cho phẫu thuật viên tránh làm tổn thương vùng chức năng trong phẫu thuật.
Ưu điểm khi sử dụng ECoG trong mổ là: vẽ bản đồ vùng kích thích sinh động kinh, vạch ra các vùng chức năng của vỏ não và dự đoán thành công của phẫu thuật. Vì những ưu điểm đó nên khoảng 80-84% các trung tâm phẫu thuật động kinh trên toàn thế giới thực hiện ECoG ở một số hoặc tất cả bệnh nhân của họ.
Hiện nay phẫu thuật động kinh nhất là phẫu thuật động kinh có hỗ trợ của ECoG vẫn là một lĩnh vực mới trong phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam. Ứng dụng kỹ thuật ECoG trong phẫu thuật động kinh thành công sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhi mắc căn bệnh hiểm nghèo này, góp phần nâng cao cơ hội sống và phát triển tương lai cho các cháu như bạn bè cùng trang lứa.