Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Vừa trải qua ca mổ sinh tử chưa lâu, nữ bệnh nhân lại mắc thêm căn bệnh nguy hiểm mà 80% người mắc phải không có triệu chứng. Các BS đã tận dụng từng phút từng giây thuyết phục gia đình đồng ý phẫu thuật.

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu một trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi toàn bộ hai bên vì căn bệnh rất nguy hiểm trong quá trình điều trị ung thư.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 1.

Bệnh nhân điều trị tại BV Nhân dân Gia Định.

11 tiếng "ngàn cân treo sợi tóc" của nữ bệnh nhân 55 tuổi

Hơn 6h15 sáng 29/11, bà N.T.H. (55 tuổi, quê Vĩnh Long) nhập trong tình trạng khó thở dữ dội, đau tức ngực, ho khan nhiều.

Trước đó 10 ngày bệnh nhân đã cắt toàn bộ tử cung, phần phụ và nạo hạch chậu hai bên để điều trị ung thu cổ tử cung. Bệnh nhân có ghi nhận huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới trong thời gian này.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 2.

Huyết khối lấp gần hoàn toàn các nhánh động mạch phổi hai bên, trong nhĩ phải vàTĩnh mạch chủ dưới lan xuống tận các tĩnh mạch trên gan.

Qua các kết quả cận lâm sàng và siêu âm, bà H. được chẩn đoán suy hô hấp cấp, huyết khối lấp hoàn toàn động mạch phổi hai bên và tĩnh mạch đùi nông, tĩnh mạch khoeo, chày trước, chày sau chân phải bệnh nhân. Bệnh nhân còn bị dãn buồng tim phải, tăng áp phổi.

12h15 cùng ngày, sau cuộc hội chẩn giữa khoa Nội tim mạch và khoa Phẫu thuật tim, các BS thống nhất chỉ định mổ cấp cứu lấy huyết khối. Tuy nhiên người nhà bệnh nhân không đồng ý do bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật 10 ngày trước, sức khỏe rất yếu.

Trước tình thế nguy cấp, ekip điều trị đã giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh nhân, cảnh báo người nhà nếu còn chần chừ thêm sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim kể lại, lúc hội chẩn biểu hiện bên ngoài bệnh nhân còn tỉnh, chỉ khó thở nhiều và đau tức ngực.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 3.

Hình ảnh cành-cây huyết khối lấp kín các nhánh động mạch phổi hai bên, trong nhĩphải và tĩnh mạch chủ dưới được lấy ra trong phẫu thuật.

Nhưng ekip đánh giá tình trạng bệnh nhân lúc này rất nguy kịch vì huyết khối nhiều, kích thước lớn lại hình thành nhiều ngày ở tim và phổi gây tăng áp phổi, suy tim phải. Hơn nữa, huyết khối vẫn tiếp tục di chuyển lên trên theo hệ tuần hoàn khiến bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử rất cao bất cứ lúc nào.

Đến 14h30, người nhà bệnh nhân đồng ý phẫu thuật. Bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ Khoa phẫu thuật tim ngay với diễn tiến rất xấu: da niêm tím tái, nổi bông, phù toàn thân, bụng chướng, tăng áp phổi nặng và có khả năng suy thận.

Sau khi gây mê nội khí quản, kíp mổ lấy huyết khối động mạch phổi hai bên đến tận gốc, lấy huyết khối nhĩ phải và tĩnh mạch chủ dưới, tái lập lưu thông hệ động mạch phổi kèm lọc máu và hạ thân nhiệt chỉ huy.

17h15 ca mổ thành công, bệnh nhân tỉnh dần với sinh hiệu ổn định, được chuyển về hồi sức tim tích cực.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 4.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Đến ngày 3/12 bệnh nhân tự thở đều, ăn uống trò chuyện được, các chỉ số huyết học và sinh hoá ổn định.

70% người tử vong vì bệnh này chỉ được xác định sau khi chết

Bác sĩ Thành nhận định, thành công trong ca phẫu thuật này gồm rất nhiều yếu tố, từ nhận biết mức độ nguy hiểm của bệnh đến việc xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Cũng phải nhắc đến tinh thần hợp tác, sự tin tưởng về chuyên môn từ phía người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế.

Về mặt kỹ thuật, ekip điều trị đã phối hợp ăn ý, kỹ lưỡng để vừa lấy được phần huyết khối "khủng" lấp kín các nhánh động tĩnh mạch chủ, vừa tránh sang chấn đến các thành động tĩnh mạch.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 5.

Sưng đau ở cẳng chân, đùi một bên hay loét bắp chân có thể là triệu chứng của TTHKTM.

Ngoài ra sau phẫu thuật còn chú ý kết hợp điều trị hồi sức tích cực để chống huyết khối tái phát.

Huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS) là tình trạng tắc nghẽn một tĩnh mạch do cục máu đông được vận chuyển trong dòng máu từ một nơi khác đến. Bệnh có liên quan đến tình trạng máu đóng cục trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường gặp nhất là các tĩnh mạch ở chân.

Nhiều chuyên gia gọi thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (TTHKTM) là "kẻ sát nhân thầm lặng".

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, gần 80% người mắc bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. Trên 70% bệnh nhân tử vong do thuyên tắc phổi chỉ được xác định sau khi tử thiết.

Tỷ lệ tích lũy tăng áp động mạch phổi có triệu chứng sau khi thuyên tắc phổi lần lượt là 1% sau 6 tháng, 3.1% sau 1 năm và sau 2 năm là 3.8%.

Số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 600.000 ca mới bị TTHKTM và 180.000 ca tử vong do thuyên tắc phổi tại Mỹ.

Một nghiên cứu tầm soát trong 8 tháng chỉ ra HKTM sâu phát hiện bằng siêu âm được tìm thấy ở 33% bệnh nhân nội khoa nằm hồi sức cấp cứu tích cực.

Mắc căn bệnh “sát nhân thầm lặng” gần như không có triệu chứng cụ thể, người phụ nữ được cứu sống sau 11 tiếng - Ảnh 6.

Kháng đông LMWH được ưu tiên trong điều trị bệnh này.

Các yếu tố nguy cơ của TTHKTM là:

Đã từng trải qua phẫu thuật;

Chấn thương nặng hay vết thương chi dưới; bất động, liệt 2 chi dưới;

Ung thư; Người điều trị ung thư;

Chén ép tĩnh mạch;

Phụ nữ có thai/sau sinh;

Hút thuốc;

Uống thuốc ngừa thai uống/hoặc thuốc thay thế hormone có chứa Estrogen;

Bệnh lý nội khoa cấp tính;

Bệnh lý đại tràng viêm;

Hội chứng thận hư;

Rối loạn tăng sinh tuỷ;

Béo phì

Riêng với người bị ung thư, TTHKTM là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai. Bệnh nhân ung thư mắc bệnh này thường phải điều trị ít nhất 3-6 tháng, chủ yếu là dùng thuốc kháng đông.

Bác sĩ khuyên để phòng ngừa TTHKTM, người dân cần tăng cường vận động, có lối sống lành mạnh, không hút thuốc. Nên có chế độ ăn hợp lý, khoa học để có sức khỏe tim mạch tốt và ngăn ngừa béo phì.

Chia sẻ