Trẻ gặp tai nạn ở trường mầm non, vì đâu nên nỗi?

Lê Bảo,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, có rất nhiều sự việc "từ trên trời rơi xuống" khiến trẻ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí đe dọa đến tính mạng xảy ra ngay ở trường mầm non.

Có đến 1001 lý do khác nhau

Nói đến tai nạn của trẻ ở trường mầm non thì có đến hàng trăm ngàn lý do nhưng xét cho cùng thì người lớn vẫn phải là những người chịu trách nhiệm chính trong mỗi sự việc. Bởi, như chúng ta đã biết, trẻ đi mẫu giáo còn đang trong quá trình hoàn thiện ý thức cũng như hành vi của mình.

Các bậc cha mẹ đưa con đến trường mầm non đồng nghĩa với việc giao phó toàn quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn… cho các thầy cô trong thời gian ở trường. Thế nhưng không ít trường hợp bảo mẫu hoặc cô giáo bất cẩn dẫn đến những tai nạn thương tâm. Và cũng có rất nhiều trường hợp xuất phát từ chính cách chăm sóc không đúng cách, không khoa học của bố mẹ dẫn đến hình thành những hành vi có hại cho trẻ ngay từ lúc đầu đời.

Năm 2008, mọi người bàng hoàng khi nghe tin cháu bé N.Đ (2 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) tử vong khi bị hóc thạch ở trường mầm non. Trước khi đó, cháu Đ. được đưa đến Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng tím tái, ngừng thở, đồng tử giãn, gần như chết lâm sàng. Các bác sĩ đã gắp ra khỏi họng bệnh nhi một miếng thạch màu đỏ to, dính, kích thước khoảng 4x3x1,5 cm. Dị vật này đã cản trở toàn bộ đường thở của bé.

Các bác sĩ đã cố sức cấp cứu bằng những biện pháp ép tim, úp mặt nạ thông khí, đặt nội khí quản, thở máy, tiêm thuốc kích thích tim. Khoảng 15 phút sau, tim cháu đập trở lại, có phản xạ mi mắt, nhưng vẫn bị phù não do thiếu ôxy quá lâu, rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Dù được tiếp tục dùng thuốc trợ tim liều cao nhưng cháu đã không qua khỏi, tử vong chiều 24/1.

trẻ nhỏ
Vụ trẻ chết do sặc cháo ở trường mầm non Thiên thần nhỏ đã từng gây chấn động dư luận.

Vào tháng 8/2013, chị Đậu Thanh Thủy rụng rời chân tay khi nhận được điện thoại của các cô giáo trường mầm non Thiên thần nhỏ (KĐT Việt Hưng) nói rằng cháu Hương đang cấp cứu tại bệnh viện Đức Giang. 

Ngay sau khi nhận được hung tin, chị Thủy cùng các thành viên trong gia đình tức tốc chạy tới bệnh viện nhưng đã muộn, các bác sĩ tại đây cho biết cháu Hương đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được các bác sĩ cho rằng, cháu bị sặc cháo.

Mới đây nhất, tại một trường mầm non huyện Lục Yên (yên Bái) đã xảy ra vụ việc cháu bé tên M.L (3 tuổi) bị bỏng khá nặng trên bụng và ngực, nhìn những hình ảnh cháu bé bị nạn khiến bất cứ ai cũng không khỏi trào nước mắt, nhất là những bậc làm cha, làm mẹ.

Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 1.4. Vào thời điểm xảy ra sự việc, một cô giáo đi ra ngoài để đón trẻ và thu tiền cơm, một cô giáo bận đưa trẻ đi vệ sinh.

Theo một số nguồn tin khác, em bé đáng thương nói trên bị nạn do bị cháy quần áo đang mặc trên người. Bé bị bỏng từ bụng lên cổ, cháy xém một bên tai mà không bị cháy chân. Do vết bỏng rộng và sâu, cháu bé đã được đưa đến Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) ngay trong chiều 1/4.  

Người lớn lẫn trẻ nhỏ đều phải trang bị kĩ năng

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn khiến các bé có thể gặp tai nạn ở trường mẫu giáo hoặc cơ sở gửi trẻ tư nhân. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng hễ con trẻ bị nạn, bị bạn bè cùng trang lứa đánh nhau, cào cấu… là “la làng” cũng như “nổi đóa” lên đổ tất cả lỗi lầm cho nhà trường và các cô giáo. Song chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng không phải tất cả sự việc, tai nạn đều do lỗi của nhà trường, trong một số trường hợp còn là lỗi của gia đình, các bậc cha mẹ.

“Nhiều khi chúng tôi cũng chịu rất nhiều áp lực đến từ các bậc cha mẹ, gia đình của các bé. Trẻ nhỏ thường hiếu động, nghịch ngợm nên chuyện các con trêu đùa nhau, cào cấu hoặc véo người nhau thường xuyên xảy ra. Nhưng các bậc cha mẹ khi thấy con mình có chút sứt sát thường không giữ được bình tĩnh. Chúng tôi giải thích mãi nhưng cha mẹ các bé có hiểu đâu” - một giáo viên mầm non tại Hà Nội chia sẻ.

trẻ nhỏ
Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại các trường mầm non.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hùng (Chủ tịch HĐQT trường mầm non Quốc tế IQ) phân tích:“Những tai nạn đáng tiếc xảy ra tất nhiên đều ngoài ý muốn, tuy nhiên nếu thật sự chú ý chúng ta có thể giảm thiểu rất nhiều sự việc không đáng có”.

Theo ông Hùng, ngoài yếu tố gia đình thì nhà trường cần áp dụng 4 nguyên tắc cần và đủ để đảm bảo an toàn cho trẻ:

- Môi trường an toàn: Yếu tố về môi trường học tập, vui chơi, giải trí cho trẻ phải đảm bảo tuyệt đối. Điều này tránh cho trẻ những tai nạn không đáng có trong quá trình học tập, vui chơi, giải trí của trẻ trong môi trường mầm non

- Trẻ luôn trong tầm mắt của người giám hộ: Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với lứa tuổi mầm non, bởi trẻ còn nhỏ cần có người trông coi, có hàng chục lý do khiến trẻ xảy ra tai nạn. Ở vụ bỏng mới đây, ông Hùng đặt dấu hỏi vì sao cô giáo lại không có mặt lúc các cháu nghịch dại, nếu có mặt sẽ kịp thời dập tắt lửa và không bị nạn nặng đến như thế

- Giáo viên phải được đào tạo kỹ năng an toàn: Giáo viên mầm non không chỉ có chuyên môn sư phạm mà kiêm luôn làm mẹ của những đứa trẻ, cần phải có những kỹ năng cần và đủ để sơ cứu hoặc sử dụng kỹ năng trong trường hợp trẻ cần đến sự trợ giúp khẩn cấp

- Luôn luôn có hành động phòng ngừa: Ở trường mầm non cần tính toán đến mọi trường hợp tai nạn hoặc các sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng như sự an toàn của trẻ đồng thời giáo viên và các phụ huynh không được cho trẻ tiếp xúc với những đồ vật như bật lửa, dao kéo, cha mẹ không nên cho con mang theo quá nhiều đồ ăn đến lớp...
Bên cạnh đó, người lớn cũng cần giáo dục trẻ những kĩ năng cần thiết, trong đó lứa tuổi đi nhà trẻ có thể dạy cho trẻ kĩ năng nhận biết những mối gây nguy hiểm cho bản thân để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong chừng mực nhất định, tránh được việc nghịch dại với các thiết bị nguy hiểm.
Chia sẻ