Trẻ có những tính xấu này, bố mẹ nên uốn nắn kịp thời nếu không muốn cản trở tương lai của con
Bướng bỉnh không nghe lời, ăn vạ, lười làm việc nhà... nếu con bạn có những tính xấu này, nên uốn nắn càng sớm càng tốt.
Thích đánh người lớn, không vâng lời
Có một số trẻ em có thói quen khi không bằng lòng gì là sẵn sàng đánh bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, còn bố mẹ lại tỏ ra nuông chiều và không có biện pháp giáo dục trẻ đúng đắn trong những trường hợp này. Không chỉ không vâng lời bố mẹ ở nhà, trẻ còn tỏ ra cứng đầu cả ở lớp mẫu giáo.
Khi tính cách này được dung dưỡng, tương lai đứa trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ ngang bướng, khó bảo và khó hòa nhập với bạn bè, cuộc sống.
Thích nổi giận với mọi người, rất nóng tính, hống hách
Bé quen được gia đình chiều chuộng, đối đãi như một "công chúa", "hoàng tử" ở nhà và dần dần tạo thành thói quen xấu. Mỗi khi gặp chuyện gì không vui, bé sẽ lập tức nổi giận và đòi làm theo ý mình. Nếu bạn thỏa hiệp với con bạn lúc này, bạn sẽ hại bé mai sau. Bởi càng được nuông chiều theo ý mình, trẻ sẽ ngày càng trở nên ích kỷ, hống hách và coi mình là nhất, không biết lễ phép, trên dưới, cư xử phải phép…
Trẻ rụt rè, làm gì cũng ngại ngùng
Nhiều trẻ được bố mẹ "giữ" quá nên thường xuyên ở trong nhà, ít tiếp xúc với người xung quanh, nên khi gặp người lạ là các bé sẽ tỏ ra ngại ngùng, rụt rè, sợ, thậm chí có thể khóc. Nếu không cho trẻ giao tiếp với bên ngoài nhiều, trẻ sẽ ngày càng tự ti và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của con.
Lười biếng, không chịu tự làm việc gì trong khả năng
Trẻ không chịu tự đánh răng, mặc quần áo khi đã đến lứa tuổi phù hợp. Nếu cha mẹ bắt làm thì chúng sẽ làm một cách bắt buộc và chống đối bằng cách làm rất lâu hoặc ngồi ì ra không làm gì cả.
Sau một thời gian nếu cha mẹ không uốn nắn, vẫn chiều chuộng làm hộ con mọi thứ, trẻ sẽ mất dần khả năng tự chăm sóc mình và càng lớn chúng sẽ càng lười, càng ỉ lại, không hứng thú làm bất cứ việc gì ngoài việc chơi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, con cái có những thói xấu kể trên một phần lớn là liên quan tới giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục của người bố. Bố đóng một vai trò lớn trong việc hình thành thói quen, tính cách của trẻ.
Trong một gia đình, nếu trẻ thiếu sự giáo dục của người cha, chúng sẽ trở nên rụt rè, tự ti và dựa dẫm vào mẹ… Những vấn đề này sẽ có tác động lớn tới sự phát triển của trẻ sau này.
Ở các nước châu Á, nhiều người có giữ lối suy nghĩ người cha là người ra ngoài kiếm tiền, nuôi gia đình còn mẹ có nhiệm vụ chăm sóc con cái và chăm lo việc nhà cửa. Thực tế chứng minh, suy nghĩ này là sai lầm. Trong một gia đình, vai trò của người cha và mẹ quan trọng như nhau và không thể thiếu vai trò của một ai.
Vậy làm thế nào để người cha đóng góp vai trò trong cuộc sống gia đình?
Hãy là một người cha có trách nhiệm và cùng vợ gánh vác việc gia đình, con cái
Cha nên tham gia đầy đủ các hoạt động liên quan tới con như sinh nhật, họp phụ huynh để con luôn cảm thấy mình được đánh giá cao, được bố quan tâm và chúng sẽ tự tin hơn.
Phải biết giữ lời hứa
Nếu không khiến con tin tưởng, không giữ lời hứa với con, lâu dần mối quan hệ cha-con sẽ phai nhạt, và những lời cha nói, dạy bảo với con sẽ không còn tác dụng.
Khi chơi với con, bố nên tập trung và buông điện thoại
Nhiều ông bố nghiện điện thoại di động và không thích chơi với con mà thời gian rảnh chỉ dành cho điện thoại. Nếu khi chơi với con, cha mẹ chỉ chăm chăm vào điện thoại, con sẽ nghĩ đối với bố mẹ mình không quan trọng bằng điện thoại di động. Tốt hơn hết, bố mẹ nên dành thời gian chơi với con và khi chơi thì nên bỏ điện thoại xuống.
Có như vậy mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mới khăng khít và tình cảm hơn. Hơn nữa, khi đồng hành cùng con trong các trò chơi, thể thao, bố mẹ sẽ dễ dàng nhận ra những điểm yếu của con và sẽ giúp cho sửa chữa kịp thời.