Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi
Trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử đã gửi gắm những bài học nhân sinh rất sâu sắc.
Lỗ Tấn từng đánh giá về Trang Tử rằng: “Văn chương của sách thì bao la rộng lớn, biến hóa khôn lường, phong thái đa dạng, là đỉnh cao của chư tử thời cuối nhà Chu, không ai sánh kịp".
Vương Mông cũng nhận xét: “Trang Tử là một triết gia khác biệt, độc nhất vô nhị từ xưa đến nay, cả trong và ngoài nước. Ông đã biến những tư tưởng vô cùng sâu sắc thành văn chương, thành nghệ thuật, thành thần thoại, ngụ ngôn, truyện kể, truyền thuyết, đọc lên khiến người ta cảm thấy thú vị vô cùng, tâm hồn thư thái".
Người ta nói rằng nếu chưa đọc Nam Hoa Kinh thì không thể nào lĩnh hội được cảnh giới tư tưởng siêu phàm thoát tục, cũng không thể cảm nhận được một nhân sinh tự do phóng khoáng. Lật mở từng câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc trong sách, bạn sẽ luôn cảm nhận được cách sống an nhiên, tự tại nhất của cuộc đời.
![Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 1. Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/1737972443-87cee751-a84b-4937-920b-1033040e40d6faceimage-1737973512979851116020-1737973921326-17379739220751933495840-1739358733734-173935873420662613613.jpeg)
01. Người cần được đối xử tốt chính là bản thân bạn
Đời người hữu hạn, chúng ta thường bận rộn với việc làm hài lòng người khác, theo đuổi sự công nhận từ bên ngoài, mà vô tình bỏ quên người mà ta nên trân trọng nhất: Chính bản thân mình.
Chúng ta thường dốc hết sức lực, dùng toàn bộ năng lượng để trở thành phiên bản tốt nhất trong mắt người khác, kết quả là tự làm mình kiệt quệ.
Trong những trang viết của Trang Tử, có một con chim Bằng vĩ đại, nó thoát khỏi mọi ràng buộc, bất chấp ánh nhìn của thế tục, chuyên tâm vỗ cánh bay lượn, tìm kiếm khát vọng trong tim:
Ở biển Bắc có một loài cá tên là cá Kình, thân hình khổng lồ, không biết dài bao nhiêu ngàn dặm. Một ngày kia, cá Kình hóa thành chim, tên là chim Bằng. Lưng chim Bằng cao như núi Thái Sơn, cánh tựa như mây che phủ cả bầu trời.
Khi chim Bằng chuẩn bị bay về biển Nam, nó vỗ cánh, tạo nên những cơn sóng cao hàng ngàn mét. Ve sầu và chim sẻ lại chế nhạo chim Bằng: “Chúng ta bay lên, cũng chỉ cao bằng cây du, nó là chim Bằng bay lên chín tầng mây, bay về biển Nam, có cần thiết vậy không?”.
Chim Bằng không để tâm đến lời người khác, nhờ vào gió lốc mà bay vút lên cao, một bước lên trời, bay vào không trung chín vạn dặm, xuyên qua mây mù, cõng cả trời xanh trên lưng, cuối cùng cũng đến được biển Nam.
Trang Tử là người hiểu được giá trị của việc yêu bản thân, ông đã gửi gắm khát vọng tự do của mình vào hình ảnh chim Bằng.
Ông từng nói một câu:
"Khéo thì nhọc, biết thì lo, vô năng thì vô cầu, ăn no rồi ngao du, phiêu diêu như thuyền không buộc, đó là người ngao du trong hư không".
Ý nói, người có năng lực thì vất vả lo toan, còn người không có năng lực thì chẳng mong cầu gì nhiều, ăn no rồi tự tại ngao du, giống như con thuyền không bị buộc dây, tự do phiêu bạt. Theo ông, sở dĩ người ta không thể quên mình, là vì họ luôn không thể quên những thứ bên ngoài. Thái độ sống hạ thấp mình, không bị ngoại vật ràng buộc, theo đuổi sự bình yên và tự do trong tâm hồn, là điều mà không phải ai cũng làm được.
Thực ra, trong cuộc sống, không cần thiết phải luôn gồng mình.
Giống như nhà văn Pháp Albert Camus đã từng nói: "Muốn hạnh phúc, đừng quá để ý đến người khác".
Tuần trước, tôi gặp lại một người bạn lâu ngày không gặp. Lúc đầu chúng tôi nói chuyện rất bình thường, nhưng sau đó cô ấy bắt đầu xúc động và trút hết nỗi lòng với tôi.
Bạn tôi là người rất có trách nhiệm, với gia đình, với con cái luôn hết lòng, ở nhà là một người con dâu tốt, người vợ tốt, người mẹ tốt. Hàng ngày, cô ấy lo lắng cho con từng bữa ăn giấc ngủ, bận rộn với những việc vặt trong gia đình, hoàn toàn không có thời gian và cuộc sống riêng.
Trạng thái tinh thần căng thẳng liên tục khiến cô ấy mệt mỏi đến tê liệt. Nguyên nhân sâu xa chính là do bạn tôi quá để ý đến ánh nhìn của người khác, luôn sống vì người khác, mà quên mất rằng bản thân mình cũng cần được yêu thương, được chăm sóc.
Như Trang Tử đã nói:
“Đời người ở giữa trời đất, giống như bóng câu qua khe cửa, thoáng chốc mà thôi".
Đời người ngắn ngủi, chúng ta không nên chỉ vì làm hài lòng người khác mà hy sinh bản thân. Điều chúng ta nên làm hơn cả, là học cách yêu thương chính mình, quan tâm đến nội tâm của mình, dũng cảm làm những điều mình thích, để cuộc sống trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn.
Hãy luôn ghi nhớ, yêu thương chính mình, mới là khởi đầu của một cuộc tình lãng mạn vĩnh cửu.
![Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 2. Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 2.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/1737972443-fd67a463-169c-4f7d-b189-4120bdbc4baefaceimage-17379736082471517863783-1737973922766-17379739228562048785497-1739358735064-17393587352881209258565.jpeg)
02. Càng kỳ vọng, càng thất vọng
Câu chuyện trong thiên "Thu Thủy" của sách Trang Tử kể rằng:
Trang Tử đang câu cá ở sông Bộc Thủy. Vua Sở sai hai vị quan đến mời ông ra làm quan, hứa hẹn bổng lộc hậu hĩnh. Trang Tử vẫn cầm cần câu, không hề ngoảnh đầu lại, nói: "Ta nghe nói ở nước Sở có một con rùa thần, khi chết đã được ba ngàn năm. Vua dùng gấm vóc gói ghém cẩn thận, đặt trong hộp tre, cất giữ trang trọng trên điện thờ tông miếu. Vậy con rùa ấy, nó thà chết để bộ xương được tôn thờ, hay thà sống lê lết dưới bùn lầy?". Hai vị quan đáp: "Thà sống lê lết dưới bùn lầy". Trang Tử liền nói: "Vậy xin mời hai vị trở về! Ta thà như rùa, sống tự do dưới bùn lầy".
Trong cuộc sống, có không ít người giống như con rùa thần ấy, dốc hết tâm sức để theo đuổi danh vọng, địa vị cao sang, mà không hề nhận ra rằng, cái giá phải trả chính là sự tự do và ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Dưới con mắt của Trang Tử, bổng lộc và tước vị mà vua Sở ban cho cũng giống như việc ướp xác con rùa thần, bề ngoài thì vinh hiển, nhưng thực chất đã đánh mất đi sự tự do và niềm vui chân thật của cuộc sống.
Triết gia Schopenhauer từng nói: “Hy vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều”. Đó là một quy luật phổ biến. Đôi khi, những kỳ vọng quá mức sẽ dẫn đến những thất vọng tột độ. Vì vậy, bớt kỳ vọng, bớt để tâm vào những điều ngoài thân, ta sẽ nhận lại những điều bất ngờ.
Cũng như Trang Tử, không bị ràng buộc bởi danh lợi thế tục, giữ cho tâm hồn thanh thản và tự do, luôn giữ cho kỳ vọng ở mức vừa phải, ta sẽ ít phải đối mặt với thất vọng, từ đó sống một cuộc đời an nhiên, tự tại.
![Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 3. Trang Tử nói: Ở đời này, hiểu được 3 điều sau bạn sẽ không mệt mỏi- Ảnh 3.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/12/1737972443-0ecfa5dc-fea6-4fc6-9e88-472800789320faceimage-17379736082411540350244-1737973923621-1737973923723262046524-1739358735951-1739358736074585596408.jpeg)
03. Chỉ bằng cách buông bỏ quá khứ, chúng ta mới có thể có một khởi đầu tốt hơn
Để có một khởi đầu tốt đẹp hơn, chúng ta cần học cách buông bỏ quá khứ. Đạo lý này đã được thể hiện sâu sắc qua những lời dạy của người xưa.
Như Đào Uyên Minh đã viết trong “Quy khứ lai hề từ”:
“Ngộ dĩ vãng chi bất gián, tri lai giả chi khả truy”
(Hiểu rằng chuyện đã qua không thể thay đổi, biết rằng tương lai còn có thể đuổi kịp)
Câu nói ấy nhắc nhở chúng ta rằng, quá khứ dù tốt đẹp hay tồi tệ cũng đã qua, dù chúng ta có tiếc nuối hay dằn vặt cũng không thể nào thay đổi được. Việc cứ mãi chìm đắm trong quá khứ chỉ khiến chúng ta thêm muộn phiền và mệt mỏi.
Trang Tử trong “Ngoại thiên – Sơn mộc” cũng có câu:
“Nhân năng hư kỷ dĩ du thế, kỳ thục năng hại chi!”
(Người có thể hư tâm mà sống ở đời, thì ai có thể làm hại được họ!)
Ông kể câu chuyện nổi tiếng về chiếc thuyền trống, một điển tích đã được nhắc đến nhiều lần. Con người thường mắc phải một sai lầm, đó là dùng lỗi lầm của người khác để trừng phạt chính mình. Như người lái thuyền trong câu chuyện của Trang Tử, ông đã tự chuốc lấy sự tức giận và giày vò tinh thần vì một va chạm đã xảy ra và không thể thay đổi.
Hãy thử nghĩ xem, nếu ông ấy có thể bình tâm quên đi chuyện bị người khác đâm vào thuyền, thì chẳng phải ông đã tránh được cơn giận dữ, tránh được những tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tránh được nguy cơ thuyền bị chìm do cơn giận gây ra hay sao?
David Lloyd George, cựu Thủ tướng Anh, có một thói quen là luôn đóng cửa sau lưng mình. Ông nói: “Khi bạn đóng cửa, hãy để mọi thứ thuộc về quá khứ ở lại phía sau, bất kể đó là thành tựu tốt đẹp hay sai lầm đáng tiếc. Và rồi, bạn có thể bắt đầu lại”.
Tagore cũng có một câu nói rất hay: “Nếu bạn khóc vì đã bỏ lỡ mặt trời, bạn cũng sẽ bỏ lỡ những vì sao”.
Chính vì vậy, chỉ khi buông bỏ những muộn phiền của quá khứ, chúng ta mới có thể có một khởi đầu tốt đẹp hơn, mới có thể bước đi trên đường đời một cách thong dong và vững vàng hơn.
Mong rằng tất cả chúng ta đều học được thói quen đóng cửa sau lưng của Lloyd George, buông bỏ gánh nặng quá khứ, để đón chào mỗi ngày mới với một tâm thế tích cực và lạc quan.