"Trăng máu hải ly" - Nguyệt thực toàn phần cuối cùng trong năm sắp diễn ra: Làm sao để quan sát được tại Việt Nam?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm 2022 sẽ diễn ra vào tối 8/11 tới đây. Và phải đến năm 2025, người yêu thiên văn mới tiếp tục được chứng kiến hiện tượng này lần nữa.

Nguyệt thực cuối cùng trong năm

Đối với những người yêu bầu trời, tháng 11, 12 sẽ là dịp để họ có thể chiêm ngưỡng nhiều hiện tượng thiên văn cuối cùng trong năm. Trong số đó phải kể đến hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tới đây.

Theo đó, khi diễn ra nguyệt thực, mặt trăng sẽ rơi vào phần tối nhất bóng tối của Trái đất. Trong thời gian diễn ra loại nguyệt thực này, Mặt trăng sẽ tối dần và sau đó có màu gỉ sắt hoặc đỏ như máu, hay còn được gọi là Mặt trăng máu. Ngoài ra, kỳ nguyệt thực này còn được gọi là "Trăng máu hải ly" xuất phát từ việc đây là thời điểm mà các bộ lạc thổ dân châu Mỹ đặt bẫy hải ly trước khi các đầm lầy và sông ngòi đóng băng.

"Trăng máu hải ly" - Nguyệt thực toàn phần cuối cùng trong năm sắp diễn ra: Làm sao để quan sát được tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào tối 8/11/2022. Ảnh: Space

Nguyệt thực sẽ bắt đầu lúc 8h10 GMT và sẽ kết thúc vào khoảng 11h49 GMT khi Mặt trăng một lần nữa xuất hiện. Tuy nhiên, thời gian nguyệt thực toàn phần xuất hiện ngắn hơn, sẽ kéo dài từ 9h17 GMT đến 10h42 GMT.

Kỳ nguyệt thực này sẽ có thể được quan sát thấy trên khắp miền đông nước Nga, Nhật Bản, Australia, Thái Bình Dương, và một phần của miền tây và trung Bắc Mỹ.

Đây là kỳ nguyệt thực thứ hai nhưng cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Năm 2023 cũng sẽ có 2 nguyệt thực vào tháng 5 và tháng 10. Tuy nhiên, để chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần, người yêu thiên văn sẽ phải đợi đến năm 2025.

"Trăng máu hải ly" - Nguyệt thực toàn phần cuối cùng trong năm sắp diễn ra: Làm sao để quan sát được tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần ngày 8/11/2022. Ảnh: Sky

Tại Việt Nam, người dân có thể quan sát hiện tượng thú vị này bằng mắt thường. Điều kiện thời tiết các tỉnh phía Bắc cũng như Trung và Nam Bộ trong những ngày tới trên cả nước được dự báo khá thuận lợi để người dân có thể quan sát.

Theo đó, người dân có thể quan sát hiện tượng này từ 17h12' ngày 8/11, đạt cực đại vào lúc 17h59', kết thúc lúc 20h56'.

Cụ thể, theo định vị của Time and Date tại Hà Nội, người dân sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần từ 17h16' và đạt cực vào lúc 17h59'. Sau đó, sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần; nguyệt thực nửa tối và kết thúc lúc 20h56'.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể bắt đầu quan sát cực đại của giai đoạn toàn phần vào lúc 17 giờ 59 phút, sau đó Mặt Trăng sẽ chuyển qua giai đoạn nguyệt thực một phần từ 18 giờ 41 phút đến 19 giờ 49 phút và giai đoạn nguyệt thực nửa tối (mặt trăng hơi đen lại vì bóng của Trái Đất) từ 19 giờ 49 phút và kết thúc vào 20 giờ 56 phút.

Để theo dõi hiện tượng nguyệt thực toàn phần trọn vẹn nhất, cần lựa chọn khu vực rộng rãi, nơi quan sát cần thoáng đãng, bầu trời trong, không mây, không mưa, không bị nhà cao tầng cản trở và tránh ánh sáng đèn.

Và đừng quên ghi lại những hình ảnh hiếm có này bởi phải đến năm 2025, chúng ta mới tiếp tục được chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này.

"Trăng máu hải ly" - Nguyệt thực toàn phần cuối cùng trong năm sắp diễn ra: Làm sao để quan sát được tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Siêu trăng với màu đỏ như máu. Ảnh: CBN News.

Trước đó vào ngày 4-5/11, một hiện tượng thiên văn thú vị khác cũng đã diễn ra, đó là mưa sao băng Taurids.

Taurids là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài chỉ tạo ra khoảng 5-10 sao băng mỗi giờ. Đặc biệt ở chỗ nó bao gồm hai chùm riêng biệt. Chùm thứ nhất được tạo ra bởi các hạt bụi do Tiểu hành tinh 2004 TG10 để lại. Chùm thứ hai được tạo ra bởi các mảnh vụn do Sao chổi 2P Encke để lại.

Mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 10 tháng 12, và đạt cực đại vào đêm ngày 4 tháng 11. Năm nay trăng gần tròn sẽ làm lu mờ tất cả trừ những ngôi sao băng sáng nhất. Nhưng nếu kiên nhẫn, bạn vẫn có thể quan sát được một vài ngôi sao sáng. Thời điểm quan sát tốt nhất sẽ là ngay sau nửa đêm từ một địa điểm tối, cách xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Kim Ngưu, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Ngoài ra, trong tháng 11 này, người yêu bầu trời vẫn còn tiếp tục được chiêm ngưỡng thêm nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú và tuyệt đẹp khác.

"Trăng máu hải ly" - Nguyệt thực toàn phần cuối cùng trong năm sắp diễn ra: Làm sao để quan sát được tại Việt Nam? - Ảnh 4.

Người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng 1 trận mưa sao băng khác trong tháng 11.

Mưa sao băng Leonids

Leonids là một trận mưa sao băng trung bình, tạo ra khoảng 15 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Trận mưa sao băng này đặc biệt ở chỗ nó đạt đỉnh tốc khoảng 33 năm một lần, thời điểm có thể nhìn thấy hàng trăm sao băng mỗi giờ. Lần gần đây nhất xảy ra vào năm 2001. Leonids được tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi Tempel-Tuttle để lại, được phát hiện vào năm 1865.

Trận mưa sao băng này diễn ra hàng năm từ ngày 6 đến ngày 30 tháng 11. Cực đại của năm nay là vào đêm 17 rạng sáng ngày 18. Trăng tròn sẽ che khuất nhiều sao băng mờ trong năm nay. Nhưng khó có thể đoán trước được Leonids nên vẫn có khả năng chúng ta sẽ được chứng kiến một màn trình diễn ngoạn mục. Người xem quan sát tốt nhất từ một địa điểm tối sau nửa đêm. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Sư Tử, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Trăng mới

Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía Trái đất so với Mặt trời và sẽ không thể quan sát thấy trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 5:58 giờ Việt Nam. Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao bởi chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.

Chia sẻ