Nguyệt thực "trăng máu" sẽ diễn vào ngày mai, dân tình rần rần háo hức nhưng người xưa lại có quan niệm khác
Nguyệt thực "trăng máu" đầu tiên của năm 2022 sẽ diễn ra vào 15/5 đến 16/5 tới đây.
Từ tối 15 và ngày 16/5 tới đây, cư dân ở một số vùng trên thế giới sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần. Các khu vực đó bao gồm nhiều nơi ở châu Mỹ, Nam Cực, châu Phi, châu Âu và phía đông Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nguyệt thực nửa tối sẽ được trông thấy tại New Zealand, Đông Âu và Trung Đông. Nguyệt thực toàn phần diễn ra khi Mặt Trăng nằm trọn trong cái bóng của Trái Đất tạo ra từ ánh sáng Mặt Trời.
Trong thời điểm này, ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời chiếu đến vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sẽ bị chặn lại. Thay vào đó, ánh sáng bị khúc xạ bởi khí quyển Trái Đất sẽ phản chiếu lên bề mặt Mặt Trăng, tạo ra ánh sáng đỏ, hay còn gọi là hiện tượng "trăng máu".
Là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, trăng máu không chỉ là đề tài được quan tâm bởi những người yêu khoa học thiên văn, mà còn là đề tài văn hóa được nhiều nền văn minh chú ý suốt lịch sử. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết đã được dựng nên để cố gắng lý giải cho hiện tượng này, đa phần liên hệ nó với một điềm xấu.
Điều này không có gì khó hiểu. Đối với người xưa, những hiện tượng cơ bản của bầu trời và vũ trụ có ảnh hưởng to lớn đến đời sống. Bình minh, hoàng hôn, chu kỳ mặt trăng hay sự thay đổi của các mùa gắn liền với quy luật của thế giới tự nhiên, là một cách để quan sát thời gian và nhiều khi là xác định khả năng sinh tồn của con người.
Với nhiều nền văn minh cổ đại, "trăng máu" mang nguồn năng lượng rất xấu. Người Inca diễn giải rằng hiện tượng này diễn ra khi một con báo đốm tấn công và cố gắng ăn Mặt Trăng rồi sau đó sẽ tiến đến Trái Đất. Vì lý do này, họ sẽ la hét, vung giáo và bắt lũ chó sủa lại với hy vọng đuổi được con báo đốm vô hình này đi.
Người Lưỡng Hà cổ đại tin rằng đây là điềm xấu cho các vị vua. Với khả năng dự đoán khá chính xác khi sự kiện này diễn ra, họ sẽ tạm thế một ông vua giả vào trong khi vua thật trốn đi để "đảm bảo an toàn".
Một số truyền thuyết Hindu cho rằng nguyệt thực diễn ra khi con quỷ nhiều đầu Rahu săn đuổi Mặt Trăng và nuốt được nó. Cũng theo người Ấn Độ cổ, hiện tượng này báo hiệu vận xui. Họ sẽ che chắn đồ ăn, thức uống, thực hiện các nghi lễ tẩy rửa. Phụ nữ có thai không nên ăn uống hoặc làm việc nhà để bảo vệ thai nhi vào thời gian này.
Tuy vậy, không phải nền văn minh nào cũng gắn hiện tượng này cho điềm xấu. Người Batammaliba ở Togo và Benin ở châu Phi là ví dụ điển hình. Họ cho rằng nguyệt thực là thời điểm Mặt Trăng và Mặt Trời có xung đột - một loại xung đột cần được khuyến khích để giải quyết tất cả những ân oán trong quá khứ.
Nguồn: Space, Theconversation