Trạm phát sóng giả có thể phát tán hàng nghìn tin nhắn lừa đảo trong 1 phút
Tái diễn tình trạng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng, bất chấp việc xử lý của cơ quan chức năng.
Thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Phát hiện 15 trạm phát sóng giả phát tin nhắn lừa đảo
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 24 vụ sử dụng các trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay, phát hiện và xử lý 15 vụ.
Đại diện Bộ TT&TT cũng thừa nhận, việc ngăn chặn tình trạng này chưa thực sự hiệu quả triệt để, các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng.
Các thiết bị của trạm phát sóng giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này mà không qua các nhà mạng. Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút. Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn rác thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo…
“Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do lỗ hổng bảo mật của mạng 2G. Mạng di động này chỉ yêu cầu xác thực người sử dụng điện thoại nhưng không yêu cầu người sử dụng xác thực nhà mạng. Hiện tại, trên thế giới cũng chưa có giải pháp khắc phục triệt để vấn đề này”, ông Tuấn lý giải.
Cũng theo ông Tuấn, các trạm BTS giả này thường được nhập lậu vào Việt Nam, thiết bị rất nhỏ gọn nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện. Các thiết bị này cũng có thể sử dụng được trên các phương tiện cơ động như ô tô và xe máy nên rất thuận tiện để các đối tượng thực hiện hoạt động lừa đảo.
Lao động thu nhập thấp trở thành đối tượng bị lừa đảo tài chính
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nguyên nhân khiến lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây là do việc các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Xu hướng dịch chuyển của các nhóm lừa đảo trực tuyến, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp được thể hiện khá rõ trong năm nay.
“Khi công nghệ phát triển, phổ cập smartphone nhiều, trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Thế nhưng, khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp. Vì thế, các nhóm lừa đảo đã tập trung mạnh vào những đối tượng này”, ông Hưng lý giải.
Cục An toàn thông tin cũng nhận thấy, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn chỉ giới hạn tại Việt Nam mà đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung tại các cơ sở ở các nước.
Ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin cho rằng, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
“Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Hưng nêu rõ.
Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã chính thức phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.
Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chủ trì, điều phối và phối hợp cùng thành viên Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, nhiều người dân đã chủ động thông tin tới cơ quan Nhà nước về việc mình đang bị lừa đảo trực tuyến. Việc này sẽ giúp phát hiện, nhận diện sớm và kịp thời tuyên truyền, lan tỏa cho nhiều người khác biết và cảnh giác với các tình huống, hình thức lừa đảo.
Dự kiến, vào đầu tháng 8, Cục An toàn thông tin sẽ công bố kết quả của chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”.