Trải nghiệm kinh sợ nhất: Những đứa trẻ khốn khổ vì di chứng Covid-19 kéo dài
Được gọi chung là "Covid-19 kéo dài", nhiều trẻ em và thanh thiếu niên tại Mỹ đang phải đối mặt với các di chứng không hồi kết sau khi nhiễm phải căn bệnh đang hành hạ cả thế giới.
Will Grogan thẫn thờ trong tiết sinh học lớp 9. Đó đều là những kiến thức cậu đã nắm được cách đó ít hôm. Nhưng giờ, mọi thứ trở nên thật xa lạ.
"Em không hiểu mọi người đang nói về chuyện gì," - cậu buột miệng ngay giữa lớp. Giáo viên và bạn bè nói rằng cậu đã trả lời chủ đề này một cách mạch lạc và rõ ràng như thế nào ở tiết trước, nhưng cậu khẳng định "Em chưa thấy nó bao giờ". Will trở nên tuyệt vọng đến mức giáo viên phải yêu cầu cậu xuống phòng y tế.
Câu chuyện xảy ra từ đầu năm 2021, là một trong vấn đề về nhận thức mà Will gặp phải kể từ khi nhiễm Covid-19 vào tháng 10 năm ngoái. Và cậu chẳng hề cô đơn.
Will Grogan bị mất tập trung rất nhiều kể từ sau khi mắc Covid-19
Khi giới trẻ trên khắp nước Mỹ chuẩn bị trở lại trường học, nhiều học sinh vẫn đang gặp rắc rối từ các biến chứng hậu nhiễm Covid - cả về thể chất, tinh thần lẫn bệnh thần kinh. Mức độ và thời gian ảnh hưởng là khác nhau, thường được gọi chung với cái tên "Covid-19 kéo dài".
Các nghiên cứu ước tính triệu chứng "Covid-19 kéo dài" ảnh hưởng đến 10 - 30% người trưởng thành, còn ở trẻ em thì dao động khá nhiều tùy theo phương pháp tính toán. Như khảo sát hồi tháng 4 của Tiến sĩ Francis Collins từ Viện Sức khỏe Quốc gia, khoảng 11% - 15% trẻ em có thể gặp di chứng kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng học tập tại trường.
Nỗi lo này đang ngày càng hiện rõ khi số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng nhanh, do sự xuất hiện của biến chủng "toàn diện" Delta và chỉ có phân nửa trẻ em từ 12 - 17 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi trẻ dưới 12 tuổi không đủ điều kiện tiêm vaccine.
Các bác sĩ cho biết, trẻ em dù mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng vẫn có thể gặp "Covid kéo dài", bao gồm xao nhãng, đôi lúc gây suy nhược ảnh hưởng đến giấc ngủ, học tập, hoạt động ngoại khóa và nhiều vấn đề khác trong đời sống.
"Mức độ tác động là rất lớn," - trích lời Tiến sĩ Avindra Nath từ Viện Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Quốc gia. "Ý tôi là các em đang ở những năm định hình nền tảng. Một khi tụt lại phía sau, mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn. Những đứa trẻ có thể mất tự tin nữa."
Will vốn là một học sinh năng động. Cậu có khiếu chơi tennis, thích ngôn ngữ đến mức theo học 2 lớp tiếng Pháp và tiếng Ả Rập. Cậu từng nghĩ rằng "nghỉ ngơi chỉ gây lãng phí thời gian". Nhưng Covid-19 khiến cậu kiệt sức đến mức phải nằm liệt giường suốt 35 ngày. Cậu quá chóng mặt để bước đi, phải ngồi lúc tắm vì sợ ngã ngửa ra. Khi trở lại trường, thứ cậu thấy trên các trang giấy là "những con số bay tán loạn" của môn toán, quên phải nộp bài luận lịch sử cậu viết trước đó vài ngày, và thậm chí dùng lẫn lộn tiếng Pháp trong lớp tiếng Anh.
"Lúc cháu nộp bài, cô giáo kiểu 'Will, đây là giấy nháp đấy à?" - Will kể lại trong sự run rẩy. "Liệu cháu có thể học tốt như trước không? Như thế này thì thật đáng sợ quá."
Điều kỳ diệu không tới
Gần 4,2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ đã nhiễm Covid-19. Chỉ một phần nhỏ phải nhập viện và gặp phải Hội chứng Viêm đa hệ (MIS-C). Tuy nhiên với "Covid-19 kéo dài", các bác sĩ sợ rằng tỉ lệ sẽ nhiều hơn.
Bệnh viện Nhi Boston có chương trình hỗ trợ điều trị bệnh nhân "Covid-19 kéo dài". "Chúng tôi chứng kiến nhiều triệu chứng, từ mệt mỏi kiệt sức, đau đầu, mất tập trung, mất trí nhớ, mất ngủ, cho đến thay đổi vị giác và khứu giác," - Bác sĩ Molly Wilson-Murphy chia sẻ. Theo bác sĩ, đa số các bệnh nhân là "trẻ em nhiễm Covid-19 mà không phải nhập viện, khỏi bệnh tại nhà, nhưng những triệu chứng không biến mất hoặc được cải thiện rồi quay trở lại sau vài tuần."
Sierra Trudeau gặp "Covid-19 kéo dài" dù đã khỏi bệnh được 6 tháng
"Chúng tôi không có phương pháp dự đoán cụ thể ai sẽ mắc bệnh, ai có thể phục hồi và phục hồi nhanh cỡ nào," - Bác sĩ Wilson-Murphy nói thêm. "Không có phương pháp nào màu nhiệm như vậy cả."
"Covid-19 kéo dài" nhìn chung vẫn là một hiện tượng bí ẩn. Một số triệu chứng giống với hậu quả chấn động não. Một số khác lại gây sụt giảm tinh thần, hoặc gia tăng mệt mỏi mãn tính. Có người hình thành POTS - hội chứng gây đau đầu nhẹ và tăng nhịp tim mỗi khi thay đổi tư thế.
Vài nghiên cứu cho thấy trẻ em càng lớn tuổi, tỉ lệ mắc "Covid-19 kéo dài" càng cao hơn. Nguyên nhân có thể vì bệnh khiến cơ thể thêm xáo trộn trong tuổi dậy thì.
Trước đại dịch, Sierra Trudeau (12 tuổi) được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu sau khi cha mẹ ly hôn - theo lời mẹ cô bé, bà Heather Trudeau. Tháng 5/2021 - 6 tháng sau khi nhiễm Covid-19, các triệu chứng sau phục hồi vẫn kéo dài, với mức độ đủ lo ngại để cô bé phải đến Boston thăm khám.
Trong một buổi phỏng vấn, Sierra cho biết mình thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, mau quên cùng nhiều triệu chứng khác. "Mọi thứ đều có thể khiến con bé khóc. Con bé vốn không như thế. Mọi chuyện thật khó khăn," - bà Trudeau trải lòng.
Bác sĩ Jane Newburger, người chịu trách nhiệm thăm khám cho Sierra nhận định tình trạng của cô bé khá rắc rối. Nhưng dần dần, nỗ lực cũng mang lại hiệu quả. Vào mùa xuân năm nay, vị giác và khứu giác của Sierra đã trở lại. Đến cuối tháng 7, bà Trudeau cho biết tình trạng của con gái cũng khá hơn rất nhiều, chủ yếu nhờ vào loại thuốc tâm lý mới sử dụng.
Chưa từng sợ đến vậy
"Chết tiệt thật, tại sao mình cứ bệnh suốt thế này?" - Messiah Rodriguez (17 tuổi) tự nói với chính mình. Trước khi nhiễm Covid-19, Messiah gần như chưa từng ốm - theo lời bà Kimmie Ezeike, mẹ cậu.
Messiah là một cầu thủ siêu hạng trong đội bóng rổ của trường. Nhưng giờ, cậu buộc phải ngừng chơi chỉ sau 2 hiệp đấu, chạy ra ngoài biên và nôn thẳng vào balo của mình.
Messiah Rodriguez
"Chuyện này chưa bao giờ xảy ra, cháu vốn đã chơi thể thao đó giờ," - cậu cho biết. Gần đây cậu đang cố tập bóng rổ trở lại, nhưng liên tục bị đau lưng và buộc phải nghỉ ngơi theo lời khuyên của bác sĩ.
"Messiah có lẽ là cậu bé bị ảnh hưởng nhiều nhất tôi từng chứng kiến," - trích lời Bác sĩ Alexandra Yonts từ Bệnh viện Nhi Quốc gia tại Washington, D.C.
Messiah cũng gặp phải một vài vấn đề về tâm lý hậu Covid-19, và đang phải điều trị trầm cảm cùng rối loạn lo âu theo chỉ định của bác sĩ.
"Nó giống như dạng lo âu xã hội nhiều hơn," - Messiah nhận xét. Cậu bé từng rất quảng giao, nhưng kể từ khi nhiễm Covid-19 thì "cháu né tránh nói chuyện với người khác bất cứ khi nào có thể," - cậu nói thêm.
Messiah phải duy trì thói quen chơi piano để giúp tình trạng khá hơn
Messiah được chẩn đoán mắc "rối loạn điều chỉnh" - hội chứng có thể gây ra trầm cảm, rối loạn lo âu và một số vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống. Với trường hợp của Messiah, tác nhân có thể do Covid-19 và "phản ứng quá mạnh của hệ miễn dịch", theo lời Bác sĩ Yonts.
Sau 8 tháng, các triệu chứng của Messiah được cải thiện rõ ràng. Dẫu vậy, vẫn còn một vài dấu hiệu như thở gấp dù chỉ phải leo cầu thang.
Trong lớp học, Messiah thể hiện tệ hẳn. Từng là một học sinh danh dự, nhưng giờ "tâm trí cháu như thể đang dạo chơi đâu đó vậy."
Một cảm giác tuyệt vọng
"Điều đáng sợ nhất là câu trả lời từ bác sĩ: Cứ từ từ thôi, nghỉ ngơi đi, rồi sẽ khá lên," - Will nhận xét. "Cũng chẳng thể trách họ được, vì đó là tất cả những gì họ có thể nói."
"Thực sự rất bế tắc. Chúng tôi không thể nắm được nguyên nhân, cảm thấy bất lực với tư cách làm cha làm mẹ," - bà Whitney Grogan, mẹ của Will tức giận nói.
Nhờ việc trở thành đối tượng được ưu tiên, giảm tải bài tập và kiểm tra, Will vẫn được lên lớp. 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, Will vẫn được đại diện thi đấu cho tuyển tennis của trường, nhưng khả năng phối hợp và phản xạ từng rất xuất sắc của cậu nay đã không còn nữa. Chân và ngực vẫn còn đau, và bị bác sĩ yêu cầu đừng tập luyện quá mức.
Rốt cục, cậu cũng có thể chơi lại tennis. Các triệu chứng được cải thiện rất nhiều, dù vẫn chưa thể đạt 100% như trước.
"Cháu không phải thằng thích bi kịch hóa mọi chuyện, nhưng lần này thì lo thực sự. Trước khi nhiễm, cháu luôn nghĩ nếu có mắc thì cũng sẽ vượt qua nhanh thôi. Mình còn trẻ, có đủ kháng thể và sẽ ổn. Nhưng giờ thì thôi, không bao giờ muốn trải qua nó thêm một lần nào nữa."