Trả nợ gần 7 tỷ chỉ trong 3 năm mà không cần bán mạng làm việc hay nhịn ăn nhịn mặc, cô gái chỉ cần 3 quy tắc tiết kiệm đơn giản giúp làm được việc này
Việc tiết kiệm cũng tốt nhưng còn phải có cách hiệu quả mới giúp bạn đi đường dài trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Một trong những phần thách thức nhất của việc tuân thủ ngân sách là hạn chế chi tiêu. Nói không với bữa tối ăn uống cùng bạn bè hoặc đặt chiếc áo khoác siêu đẹp nhưng đắt tiền là rất khó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn đạt được các mục tiêu tài chính quan trọng, đôi khi chi tiêu ít hơn là cần thiết.
Bernadette Joy là chuyên gia quản lý tài chính và là người sáng lập ra Crush Your Money Goals. Cô và bạn trai của mình đã trả hết 300.000 đô la (gần 7 tỷ) tiền nợ trong ba năm, một phần bằng cách cắt giảm đáng kể chi tiêu của họ.
Để làm được như vậy, cô phải đặt ra một vài ranh giới cho bản thân. Cô nói: "Chúng tôi cắt giảm những thứ tốt đẹp nên có, tránh xa việc mua sắm bốc đồng". Dưới đây là ba quy tắc cô ấy sử dụng để tiết chế chi tiêu của mình và tiết kiệm nhiều hơn.
Quy tắc 1 đô la
Joy nói: "Quy tắc 1 đô la rất đơn giản. Nếu một món hàng có giá từ một đô la trở xuống, tôi sẽ bật đèn xanh cho mình để mua nó. Quy tắc 1 đô la cho phép bản thân bạn vẫn mua những thứ bạn sử dụng thường xuyên, đồng thời ngăn chặn các giao dịch mua bốc đồng".
Quy tắc này đã giúp Joy tránh được những cái bẫy tinh thần, như neo giá. Neo giá là khi một người đặt rất nhiều sự quan tâm vào phần thông tin đầu tiên mà họ nhận được. Nếu danh sách sản phẩm cho biết một mặt hàng trước đây là 100 đô la nhưng hiện được giảm giá còn 75 đô la, thì giá trị “neo” là 100 đô la.
Điều này có thể khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm giảm giá vì họ cảm thấy như thể họ đang nhận được một món hời mà không cần đánh giá xem họ có thực sự cần nó hay không.
"Tôi đã tìm thấy một chiếc áo khoác mùa đông đẹp với giá giảm 75%, giảm từ 300 đô la xuống 75 đô la. Trong khi tôi bị thu hút bởi chiết khấu lớn và hàng hiệu, tôi đã dừng lại để làm bài toán. Tôi đã xem xét số ngày lạnh và những chiếc áo khoác khác mà tôi đã có. Và quyết định cuối cùng là không cần thiết để mua"
Cách làm này cũng khuyến khích Joy mua ít hàng hóa hơn. Thay vào đó, cô mua những mặt hàng chất lượng cao, bền vững. Cô nói: "Tôi gần như rời xa thời trang nhanh".
Quy tắc 80/20
Quy tắc 80/20 là một cách khác để suy nghĩ về mức độ sử dụng bạn sẽ nhận được từ một sản phẩm. Joy nói nếu bạn tin rằng bạn sẽ sử dụng một sản phẩm trong 80% thời gian thì nó rất đáng để mua.
Joy nói: "Tôi đã phàn nàn với một người bạn rằng tôi không muốn mua điện thoại và máy tính xách tay mới vì cả hai đều tốn rất nhiều tiền. Nhưng vì tôi đang sử dụng cả hai hàng ngày, nên nó loại bỏ cảm giác tội lỗi về chi phí".
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ sử dụng một sản phẩm vào khoảng 20% thời gian, bạn có thể muốn xem xét lại việc mua sản phẩm đó. Bất cứ điều gì bạn muốn mua đều có thể xem xét phần trăm thời gian sẽ sử dụng, sau đó quyết định xem nó có xứng đáng với chi phí bỏ ra hay không.
Tập trung vào việc mua những gì bạn "thực sự yêu thích"
Hãy nhớ rằng, cắt giảm chi tiêu không có nghĩa là cắt bỏ mọi thứ vui vẻ. Đừng tước đi những món đồ thực sự mang lại hạnh phúc cho bản thân. Thay vào đó, Joy lựa chọn phân bổ tiền để chi tiêu mang lại sự hài lòng cho họ. Cô nói: "Chúng tôi trở nên kiên quyết trong việc chi tiêu cho những thứ chúng tôi thực sự yêu thích".
Theo cnbc