TPHCM: Nhiều quận, huyện không còn đất “sạch” xây trường, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân khó đạt
Nhiều quận, huyện của TPHCM về cơ bản không còn đất “sạch” phù hợp để xây trường hoặc nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học chưa đạt được theo kế hoạch.
Thông tin trên được lãnh đạo Sở GD&ĐT đưa ra tại hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 2/3.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam- Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, tính đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) đã đạt 294 phòng. Trong đó, có 12/22 quận, huyện đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, vẫn còn 10 quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu trên.
Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu gồm: quận 4, quận 8, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Về xây dựng kế hoạch đến năm 2025 thực hiện chỉ tiêu trên, thành phố vẫn còn 3 quận chưa đạt gồm: quận 4, quận 12 và quận Gò Vấp.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM lý giải nguyên nhân không đạt do việc xây dựng trường lớp còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa bàn do tính chất ưu tiên của nguồn vốn chưa tập trung đầu tư cho các dự án trường học; nhiều dự án trường học cần đầu tư phần lớn thuộc tính chất đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo mở rộng dẫn đến số phòng học tăng thêm không nhiều.
Đặc biệt, ông Nam cho biết, công tác đầu tư tăng thêm trường lớp chưa khả thi do quỹ đất “sạch” phù hợp nhiều nơi đã hết; nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra.
Do đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất lãnh đạo các quận, Sở ban ngành của thành phố có liên quan đến rà soát pháp lý các vị trí của các dự án xây dựng trường học, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng trường học, kể cả việc xin chủ trương thực hiện hoán đổi, đấu giá quyền sử dụng đất sau khi đã tạo lại quỹ đất và nguồn vốn để xây dựng các trường học.
Ngoài ra, lãnh đạo sở đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư cho nhóm quỹ đất sạch, nhóm quỹ đất có tính khả thi cao trong thu hồi đất để đầu tư cho các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức nhằm bổ sung danh mục các dự án cấp bách của ngành giáo dục giai đoạn năm 2021 đến năm 2025.
"Thành phố có cơ chế đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa"- ông Nam kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học là một trong những chỉ tiêu quan trọng và đã được thành phố đưa ra từ rất lâu.
"Nếu không thật sự nghiêm túc ngồi bàn kỹ vấn đề này, ngoài việc chỉ tiêu đưa ra không đạt, trách nhiệm của thành phố với người dân cũng không hoàn thành", ông Đức nói và bày tỏ mong muốn các địa phương cố gắng cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ tối thiểu cho người dân thành phố, đảm bảo chỗ học tươm tất cho tất cả học sinh.