"Con gái học nhiều để làm gì?" - Hàng trăm câu trả lời được đưa ra, ý kiến nhận hơn 5000 lượt like gây tranh cãi gay gắt
Đa phần cho rằng, lấy việc học và 'lấy chồng giàu' gộp làm một là một cách suy nghĩ hạn hẹp và thiển cận.
Trên diễn đàn Zhihu của Trung Quốc, khi bàn đến giá trị của việc học với phụ nữ, rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để thảo luận. Tuy nhiên, ý kiến nhận nhiều lượt like nhất, cũng gây nhiều tranh cãi nhất, đó chính là: Ý nghĩa của việc học là để sàng lọc.
"Tôi từng thấy rất nhiều cô gái gả vào các gia đình giàu có. Nhiều người trong số họ đã tốt nghiệp thạc sĩ tại các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, sau đó về làm vợ trong những gia đình giàu có.
Nhiều người sẽ nói rằng điều này chủ yếu phụ thuộc vào ngoại hình, học vấn cao có ích gì, Nhưng trong trường hợp có ngoại hình và dáng người tương tự, giá trị của các cô gái tốt nghiệp 985 (các trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc) cao hơn so với các cô gái ở trường bình thường. Những người có địa vị sẽ cảm thấy xấu hổ nếu họ đi cùng một người phụ nữ xinh đẹp (ngay cả khi đó không phải là vợ) nhưng không học hành tới nơi tới chốn. Chưa kể, phụ nữ có chỉ số IQ cao có nhiều khả năng sinh con có chỉ số IQ cao!
Nhiều người sẽ cho rằng: "Thật tiếc khi phải làm một người vợ full-time sau khi bỏ công học hành bao nhiêu năm". Nhưng, nếu không có những phẩm chất và năng lực được trau dồi trong những năm học tập này, thì khả năng cao là họ sẽ không có cơ hội được gả vào gia đình danh giá. Tôi biết có rất nhiều người chú ý đến việc giữ dáng, học tập, học múa hát và tập yoga mười mấy năm chỉ để lấy một người đàn ông giàu có".
Ý kiến này nhận về nhiều sự tranh cãi. Đa phần cho rằng, lấy việc học và "lấy chồng giàu" gộp làm một là một cách suy nghĩ hạn hẹp và thiển cận.
Nếu người con gái tài giỏi, có địa vị, học thức, tự chủ về kinh tế và có sự tự tin thì họ nghĩ đến một người đàn ông giàu có là chuyện bình thường. Họ cần một người tương xứng, một người đủ khả năng để cùng họ xây dựng một tương lai tươi sáng. Nhưng điều đó không có nghĩa, mọi sự cố gắng học hành, trau dồi của họ chỉ nhằm một mục tiêu lấy chồng giàu. Ý nghĩa của việc học rộng lớn và phong phú hơn nhiều.
Có một số cô gái dốc toàn lực trên con đường tìm kiếm những ông già giàu có, nhưng đại đa số các cô gái vẫn dựa vào mười mấy năm học hành chăm chỉ và cần cù để giành được vị trí của mình trong xã hội này.
"Bài viết trên đúng nhưng có phần hơi thực dụng, chỉ chú trọng học thức như một lớp trang sức nâng cao địa vị bản thân mà không đề cập đến điều cốt lõi của nó là thay đổi nhận thức, tư duy, phá bỏ những định kiến và hoàn thiện bản thân", một người nhận định.
Ý nghĩa thực sự của việc học là gì?
Một người nói, khi còn nhỏ, thầy hiệu trưởng thường đứng trên bục giảng và nói "Em học cho thầy à?"; "Không!"; "Học cho bố mẹ em à?"; "Không!"; "Cho ai vậy?"; "Là cho bản thân mình!". Lâu dần thành một khuôn mẫu cố định, nhớ rằng "học" là vì mình, mà mình cũng không biết là vì cái gì.
"Khi tôi đã hiểu chuyện, mẹ thường dạy tôi: "Hãy chăm chỉ học hành để thành tài, để khỏi bị ức hiếp". Lúc đầu tôi không hiểu được. Sau đó, tôi được nhận vào trường đại học và tìm được công việc, từ cánh đồng bước vào những tòa nhà cao tầng.
Mặc dù tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ để duy trì cuộc sống ổn định ở thành phố lớn, nhưng nhìn lại những người bạn thời thơ ấu của mình, tôi thực sự đã đi rất xa. Phân tích những lý do tại thời điểm này, cuối cùng tôi hiểu rằng mục đích của việc học là để đạt được lợi thế cạnh tranh hơn những người khác", anh nói.
Việc học cũng cho phép chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn. Anh thường nói với con rằng bây giờ con được yêu cầu học đàn, học múa, học vẽ, học tiếng Anh... con có thể mệt mỏi, nhưng khi con cần phải lựa chọn trong tương lai, con sẽ có nhiều lợi thế hơn những người khác,
Những người có trình độ nhận thức khác nhau cũng sống ở các vĩ độ khác nhau. Những người có trình độ nhận thức thấp không phải bao giờ cũng có thể hiểu được cách suy nghĩ của những người có trình độ nhận thức cao. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ cảm ơn bản thân vì đã học tập chăm chỉ bây giờ.
Nhiều người cũng cho rằng, họ học để có thể tự mình đưa ra quyết định, tự mình lựa chọn và mua được những thứ mình thích, đến được những nơi mình muốn. Học để nâng cao năng lực, có hiểu biết hơn chính mình hôm qua, công việc cũng tốt hơn, tự tin hơn.
Hoặc, ý kiến khác nhận định: Hiểu đơn giản mỗi người trong mình có một tiềm năng ẩn, việc học chính là để khai thác được nó. Mục đích của giáo dục là làm cho con người ta hạnh phúc và tìm được chính mình.
"Hồi tôi đi học thạc sĩ, kiến thức thì cái nhớ cái quên, chỉ duy nhất một câu nói của giảng viên là rất rất nhớ. "Con trai phải học, mà con gái thì càng phải học. Sau này, tiền bạc, quần áo, túi xách đều là vật ngoài thân, mình kiếm ra được thì cũng có thể mất được. Chỉ có kiến thức đã vào trong đầu mình rồi thì sẽ đi với mình đến mãi về sau, phải giữ một cái gì đó chắc chắn là của mình thì mới yên tâm được".
Một người lại nói: "Chẳng phải học để ngẩng cao đầu sao? Mẹ tôi bị người hàng xóm nói rằng cho tôi nghỉ học đi làm kiếm tiền chứ học làm gì? Hai đứa con gái của ông ta đều nghỉ học làm công nhân lấy chồng. Còn tôi vì câu nói đó mà bây giờ học đại học làm ngân hàng chỉ để cho mẹ hãnh diện cười vì có tôi ở vị trí cao hơn họ.
Lúc nhỏ người khác nhìn cha mẹ bạn để đối xử với bạn, lớn lên người khác nhìn bạn để đối xử với cha mẹ bạn. Nên bạn không học được cái này thì bạn học cái khác, cái mà có thể để cho bạn hãnh diện để được lựa chọn chứ không phải là sự lựa chọn của ai khác".
Từng có một câu chuyện thế này: Khi đứa con 15 tuổi hỏi mẹ: "Tại sao bắt con phải học?", nhà văn nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Long Ứng Đài đã trả lời như sau:
"Mẹ yêu cầu con học tập chăm chỉ không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc".
Tiếp thu kiến thức làm tăng sự hiểu biết về xã hội và thế giới, phân tích và xử lý vấn đề tốt hơn, công việc và cuộc sống tốt hơn. Học tập không nhất thiết cho phép một người có cuộc sống tốt nhất, nhưng ít nhất đó là con đường mà hầu hết có thể chọn để cho phép mình có tương lai tốt hơn so với hầu hết những người không học.