Tranh luận việc có cần thiết công bố đề thi minh họa: Bỏ hay giữ?

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Thông thường khoảng cuối tháng 3 hàng năm, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa. Tuy nhiên, năm nay Bộ công bố sớm vào ngay ngày đầu tiên của tháng 3. Xung quanh về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.

Học sinh lớp 12 mong chờ nhưng không bất ngờ

Năm nay, con gái chị Nguyễn Thị Minh (Q. Đống Đa, Hà Nội) thi tốt nghiệp THPT. Chị Minh cho biết, mấy ngày gần đây mẹ con chị mong đứng mong ngồi Bộ GD&ĐT sẽ sớm có đề thi minh họa để định hướng ôn tập .

“Còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu có đề minh họa để luyện đề từ sớm, chúng em sẽ chủ động và dần quen với các dạng câu hỏi. Năm nay cháu không thi bài thi đánh giá năng lực của bất cứ trường nào mà chỉ dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học nên cũng có phần lo lắng", con gái chị Minh nói.

Học sinh Nguyễn Văn Minh, ở Vĩnh Phúc cho hay, hiện tại các em chủ yếu đang học kiến thức trong chương trình sách giáo khoa.

"So sánh đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố, cũng có môn tương đương, có môn thì khó hơn năm ngoái. Đặc biệt, em đã thấy một số thay đổi như đề có tính phân hóa cao. Thực ra đề minh họa không có gì bất ngờ với em", Minh cho biết.

Minh cũng cho rằng, các bạn ở các thành phố lớn có điều kiện đi ôn tập để thi đánh giá tư duy ở các trường như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội hay xét tuyển dựa vào chứng chỉ quốc tế thì những học sinh ngoại tỉnh như bọn em chỉ có dựa chính vào kì thi tốt nghiệp THPT.

“Chúng em cần có đề thi minh họa để làm quen nhưng cũng không thụ động quá vì đề thi minh họa, chỉ nên dựa vào đó để ôn tập"- Minh chia sẻ.

Có nên bỏ đề minh họa?

Theo cô Nguyễn Thị Ánh, giáo viên luyện thi tại Hà Nội, có đề thi minh họa sớm hay muộn không quá quan trọng nếu học sinh nắm chắc kiến thức phổ thông.

Cô Ánh thừa nhận, việc năm nào cũng ra đề minh họa khiến cho một bộ phận không nhỏ giáo viên, học sinh trông chờ.

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên dạy môn Sinh học trường THPT chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thực sự đề minh họa mà Bộ GD&ĐT hay công bố vào cuối tháng 3 hàng năm là không cần thiết.

Sở dĩ như vậy vì thầy Công cho rằng, kỳ thi đã ổn định nhiều năm , tính chất vẫn vậy, không thay đổi thì chỉ cần minh hoạ 1 lần.

Thầy Đào Tuấn Đạt- giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn chuyên môn trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, một khi đã ổn định, việc ra đề minh họa không cần thiết.

“Mấy năm qua năm nào Bộ cũng ra nên học sinh cũng biết đề kiểu gì rồi. Vì thế không cần thiết để ra đề làm gì. Các kiến thức thì học sinh và giáo viên đã ôn đi ôn lại mấy năm qua đều quen rồi”- ông Đạt chia sẻ.

Đồng tình việc ra đề minh họa không cần thiết, cô Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên ôn luyện môn Hóa cho rằng, việc ra đề minh họa mang tính phản tác dụng bởi nó thể hiện rõ tinh thần thụ động, học gì thi nấy.

Thực tế, cô Trâm cũng chỉ ra, đề minh họa cũng được một bộ phận học sinh mong là do các em đã quen với cách học cũ kiểu thụ động nên một khi có yếu tố tư duy thì lo sợ. Học chỉ để thi.

Lịch thi Tốt nghiệp THPT 2023 vào ngày 28-29/6

Sáng 1/3, Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó, kỳ thi năm 2023 sẽ được tổ chức 2 ngày từ 28-29/6 và có thêm 1 ngày thi dự phòng vào 30/6. Ngày 27/6 thí sinh đến điểm thi làm thủ tục đăng ký dự thi, kiểm tra lại tất cả các thông tin cá nhân lần cuối.

Chia sẻ