Hơn 400.000 người đã được tiêm vắc xin trong 4 ngày, TP.HCM nói gì về việc tập trung đông người tại nhà thi đấu Phú Thọ?
Từ khi TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử vào ngày 19/6, đến nay đã có hơn 404.000 người được tiêm vắc xin COVID-19.
Thông tin này được cho biết tại cuộc họp thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin tại TP.HCM sau 4 ngày triển khai, diễn ra tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.
Cụ thể ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ ngày 19/6 Thành phố đã chính thức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế và đã thực hiện được 877 mũi tiêm.
Sang ngày 20/6, TP.HCM tiếp tục thực hiện hơn 5.700 liều vaccine tại các khu công nghiệp.
Đến ngày 22/6, TP.HCM thực hiện 95.000 mũi, ngày 24/6 tăng lên gần 173.000 liều. Sau khám sàng lọc, hơn có 4.000 người tạm hoãn tiêm.
Và hiện tại, đã có tổng cộng 404.700 người được tiêm vắc xin COVID-19.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết nếu theo tốc độ này, trong ngày 25 và 26/6 nếu thành phố tăng công suất lên tối đa thì có thể đảm bảo đủ chỉ tiêu gần 800.000 liều.
Lãnh đạo ngành y tế nhận định những ngày đầu khi khởi động chiến dịch có nhiều thiếu sót, sự điều phối còn nhiều cập rập, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa người tiêm, người đến tiêm nên khó đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại các điểm tiêm chủng công cộng.
Ngay sau đó Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị nhanh chóng chuẩn bị thật kỹ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là chuẩn bị các đội xe cấp cứu thường trực.
Về chuyên môn, TP.HCM cần 2.000 bác sĩ và 3.000 điều dưỡng. Ngoài ra, thành phố cần lực lượng hậu cần, theo quy định của UBND TP.HCM là 12.000 người.
Mỗi đội tiêm gồm có dân phòng địa phương, nhân viên y tế địa phương, 4 người thanh niên, đoàn viên tình nguyện để hỗ trợ nhập số liệu, trật tự an ninh.
Với sự hỗ trợ này, trong ngày hôm qua tiến độ tiêm của TP.HCM tăng đáng kể, kể cả các điểm tiêm bên ngoài lẫn các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ (1 đội tiêm cho 25 người/ giờ), thành phố sẽ thực hiện được kỳ vọng đúng như dự kiến.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhắc lại, biến chủng delta của virus SARS-CoV-2 đang gây lây lan rất nhanh và nguy hiểm so với các chủng khác.
Chỉ cần chậm triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cả gia đình, cả công nhân chung khu hay cả phòng hành chính của bệnh viện đều bị hết.
Với nhân viên y tế khi lấy mẫu hay khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly, dù che chắn đến mức nào cũng chỉ là các biện pháp hạn chế. Đã có những trường hợp đo nhiệt độ nhiễm bệnh.
Khi xử lý những trường hợp nặng với số lượng lớn thì nguy cơ lây lan dịch sẽ càng cao hơn.
Kế hoạch giường bệnh cũng thay đổi từ 1.000, 2.000 và giờ là đến 5.000. Những trường hợp không triệu chứng phải được ở một khu riêng.
Và những người đã tiêm vắc xin thường không có triệu chứng. Điển hình như tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, chỉ có 2 trên hơn 60 trường hợp mắc bệnh có triệu chứng.
Chính vì vậy ngoài việc truy vết nhanh, phong tỏa mở rộng sau khi lấy mẫu xét nghiệm thì tiêm vắc ngay là điều cần thiết nhất.
Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 10. Phải cố gắng tận dụng thời gian giãn cách để giúp cho ngành y tế truy vết nhanh, khống chế dịch, giảm gánh nặng.
TP.HCM hiện nay chỉ mới có 27 ca nặng.
Ông Bỉnh cũng cho biết, trước mắt TP.HCM sẽ hoàn thành sớm nhất chiến dịch tiêm chủng theo đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Những đối tượng khác hãy yên tâm, sẽ còn những đợt tiêm khác với những nguồn khác để đảm bảo cho TP đủ 15 triệu liều vắc xin COVID-19 từ đây cho đến cuối năm.
Về vấn đề tập trung đông người chờ đợi ở điểm tiêm, cụ thể là tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) mà báo chí ghi nhận phản ánh, ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho rằng giải pháp lớn nhất nằm ở yếu tố con người.
Nhà thi đấu Phú Thọ có công suất tiêm tối đa là 1.000 mũi/1 giờ và tối đa 8.000 mũi/ngày.
Mong người dân tin tưởng, theo dõi danh sách tiêm để đến đúng thời gian và có ý thức phòng dịch nghiêm túc.