TP.HCM: 4 vụ ngộ độc thức ăn, hơn 300 công nhân nhập viện trong năm 2016
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, trong năm 2016, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thức ăn, làm 311 người bị ngộ độc.
Con số nhức nhối này được đưa ra tại buổi lễ ký kết Quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN trên địa bàn TP giai đoạn 2017 – 2019 giữa Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) và Liên đoàn lao động TP.HCM.
Theo bà Lan, thời gian vừa qua báo chí phản ánh rất nhiều về chuyện chất lượng suất ăn công nghiệp dành cho công nhân tại một số nơi rất kém. Có một thực tế là bản thân những người nấu suất ăn cũng là công nhân nhưng lại nấu thực phẩm không an toàn, tại cơ sở không đủ điều kiện. Là công nhân với nhau nhưng không bảo vệ nhau, không phản ánh cho công đoàn để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cụ thể, trong năm 2016, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thức ăn, làm 311 người bị ngộ độc.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM phát biểu tại buổi ký kết.
"Mới đây nhất, khi chúng tôi kiểm tra một đơn vị thì phát hiện họ mua thực phẩm của một công ty chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để chế biến thức ăn cho công nhân khiến suýt xảy ra tình trạng ngộ độc cho công nhân ở quận 7. Vấn đề này khi kiểm tra phát hiện, chúng tôi phạt rất nặng", bà Lan nói.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho công nhân không chỉ của cơ quan quản lý, của cơ sở cung cấp suất ăn mà còn có trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động cần mua suất ăn cho công nhân, bởi doanh nghiệp có trách nhiệm một phần với sức khỏe và tính mạng của người công dân.
Bà Phạm Khánh Phong Lan (thứ hai từ trái sang), Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM ký quy chế phối hợp về đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX-KCN trên địa bàn TP giai đoạn 2017 – 2019.
"Không thể chấp nhận tình trạng các doanh nghiệp tùy ý đặt suất ăn cho người công nhân mà không quan tâm xem nó đi qua bao nhiêu tầng nấc trung gian để khi đến tay người công nhân thì suất ăn không đảm bảo an toàn và chất lượng" – bà Lan kiên quyết.
Do đó, mục đích của buổi ký kết là nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trong khu chế xuất - khu công nghiệp và đặc biệt nhằm giảm thiểu các vụ ngộ độc xảy ra.
Cụ thể, mục tiêu sẽ kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm qua các năm 2017, 2018, 2019 giảm 30% so với năm 2016; 100% bếp ăn tập thể tự tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% bếp ăn tập thể thuê nấu, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tự tổ chức vận hành hệ thống tự kiểm tra; 80% quản lý bếp, nhân viên tiếp xúc thực phẩm được cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định.
Hiện TP.HCM có 17 khu công nghiệp – khu chế xuất, 1.167 doanh nghiệp đang hoạt động với số lao động là gần 300.000 người. Trong đó có 217 doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, 364 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn từ các cơ sở bên ngoài và 424 doanh nghiệp hỗ trợ tiền cơm cho người lao động.