TP Hồ Chí Minh: Gia tăng sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng
Hiện nay hai dịch bệnh kép là sốt xuất huyết và tay chân miệng đang trong thời điểm bùng phát tại tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các chuyên y tế nhận định bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệngsẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, vì vậy gia đình cần chú ý bảo vệ sức khỏe cho con em mình.
Đề phòng biến chứng nặng
Theo sở Y tế Tp. HCM từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, trên địa bàn đã ghi nhận 508 ca tay chân miệng nhập viện điều trị (tăng đến 47% so với cùng kỳ tháng trước). Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi tuần có khoảng 70 đến 80 ca nhập viện nghi mắc tay chân miệng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng có khoảng 50 ca mỗi tuần. Số bệnh nhân tay chân miệng ghi nhận tại Nhi Đồng 2 cũng vào khoảng 20 ca một tuần. Tính từ đầu năm đến nay, các bệnh viện trên toàn thành phố đã tiếp nhận gần 1.800 ca tay chân miệng.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì tay chân miệng trong năm 2015, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng do tay chân miệng phải nhập viện điều trị.
Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục không hạ, chảy nước miếng hoặc nôn ói nhiều, đặc biệt là giật mình lúc ngủ thì có thể nghi ngờ là triệu chứng của bệnh tay chân miệng.
Nếu trẻ bị run tay, run chân nhiều, đi đứng loạng choạng, giật mình 2 lần trong vòng 30 phút, chân tay quờ quạng có thể đã bị tay chân miệng biến chứng. Những bệnh nhi xuất hiện tình trạng da nổi bông, mạch nhanh, huyết áp cao, thở mệt thì đã bị biến chứng rất nặng, cần phải đến bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Trong khi dịch tay chân miệng đang gian tăng thì bệnh sốt xuất huyết cũng đang trong tình trạng bùng phát.
Trung tâm Y tết dự phòng TP.HCM vừa cho biết, từ đầu năm tới nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.895 ca nhập viện trong đó có 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2014.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm triển khai các giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết tại các điểm nguy cơ cao bùng phát dịch.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, khẳng định: “Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết. Vì thế, khi dịch bệnh bùng phát, việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn. Sốt xuất huyết thường diễn tiến theo chu kỳ, 5 năm sẽ bùng phát 1 lần và cứ 10 năm, bệnh sốt xuất huyết lại tăng gấp đôi trên toàn thế giới.
Kể cả thành phố đang trong mùa khô, sốt xuất huyết đã duy trì ở mức cao. Vì thế, khi bước vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn”.
Để ngăn sốt xuất huyết co nguy cơ bùng phát thành dịch, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: “Sẽ có sự phân công trách nhiệm cụ thể giữa Sở Y tế với từng quận, huyện trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, các bệnh viện sẵn sàng thuốc, trang thiết bị thực hiện điều trị cấp cứu, không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Khuyến cáo phòng chống bệnh
Bệnh tay chân miệng:
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Bệnh sốt xuất huyết:
Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.