Tội phạm mạng - thách thức lớn với tất cả các quốc gia
Sự gia tăng các loại tội phạm mạng đang là thách thức lớn với tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
ASEAN được dự báo có thể trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất thế giới, khi mà tỷ lệ bình quân dân số sử dụng Internet hiện vào khoảng 66%. Con số này tăng ngày một nhanh chứ không hề có dấu hiệu chững lại. Chính sự phụ thuộc ngày một lớn vào Internet đã kéo theo rất nhiều nguy cơ về an ninh mạng.
Nếu như trước đây, tội phạm mạng đã nhắm mục tiêu vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau như lĩnh vực dầu mỏ, năng lượng, hay tài chính. Thì từ năm 2020 đến nay, chúng gia tăng tấn công mạng ở các lĩnh vực thương mại điện tử, y tế và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.
Trong năm qua, hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn diễn ra ở khu vực ASEAN, điển hình phải kể đến là:
- Vụ rò rỉ dữ liệu của 91 triệu khách hàng của Tokopedia, nền tảng thương mại trực tuyến lớn nhất của Indonesia vào tháng 5/2020.
- Tiếp đó, vào tháng 6/2020, 1,5 terabytes dữ liệu mật của tập đoàn công nghệ hàng đầu của Singapore Engineering Aerospace bị đánh cắp.
- Tháng 9/2020, hàng loạt bệnh viện và doanh nghiệp của Thái Lan bị gián đoạn hoạt động do bị mã độc tấn công đòi tiền chuộc.
- Tháng 10/2020, 1,1 triệu tài khoản người dùng của RedMart, công ty chuyên cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến ở Singapore đã bị tấn công.
Ông Craig Jones - Giám đốc về tội phạm mạng, Interpol cho biết: "Trong đại dịch COVID-19, chúng ta thấy ngày càng có nhiều người lên mạng, ứng dụng công nghệ số để làm việc tại nhà và tội phạm mạng đã lợi dụng điều này. Chúng ta đã thấy các vụ tin tặc chiếm đoạt doanh nghiệp như bệnh viện bằng cách mã hóa file dữ liệu, không cho phép truy cập hệ thống, rồi đòi tiền chuộc để mở mã, hoặc là đòi tiền chuộc để không công bố dữ liệu ra ngoài".
Không chỉ gia tăng về số lượng, mà qui mô cũng như mức độ tinh vi, các cuộc tấn công mạng đã gây ra nhiều thiệt hại hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Tập đoàn công nghệ Bkav mới công bố thiệt hại do virus máy tính gây ra với người dùng nước ta trong năm qua đã đạt kỷ lục mới, vượt mốc 1 tỷ USD. Công ty tư vấn quản lý toàn cầu A.T. Kearney, có trụ sở tại Mỹ thì ước tính các công ty ở khu vực ASEAN đang đối mặt với thiệt hại lên tới 750 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng.
Để ngăn chặn tội phạm mạng gia tăng, các quốc gia Đông Nam Á đã có những dự án hợp tác dưới sự điều phối của Interpol nhằm xây dựng năng lực mà các quốc gia cần có trong quá trình thực thi pháp luật, giúp hoạch định chiến lược chống tội phạm mạng.
Ông Craig Jones nói: "Chúng ta cần hợp tác và phải ưu tiên chú ý tới tội phạm mạng ở khu vực, đồng thời lập chính sách và hiểu rõ những mối đe dọa từ an ninh mạng. Truy tìm tội phạm mạng không phải là việc dễ dàng bởi không gian mạng là không biên giới, không giới hạn, và chúng ta cần phải hợp tác. Chúng ta kết nối các lực lượng hành pháp để chia sẻ dữ liệu và thông tin cũng như xây dựng lòng tin giữa các nước, các cơ quan hành pháp với các thể chế lập pháp khác nhau".
Theo ước tính của các chuyên gia, trong khoảng 4 -5 năm nữa, khu vực ASEAN sẽ cần chi tới 171 tỷ USD để cải thiện khả năng bảo vệ không gian mạng. Tuy nhiên, trở ngại lớn không chỉ là vấn đề tài chính mà là khu vực vẫn còn thiếu các điều khoản để giải quyết bản chất "xuyên quốc gia" của các cuộc tấn công mạng. Vì thế, ASEAN cần đặt mục tiêu sớm hài hòa các luật và tiêu chuẩn về tội phạm mạng giữa các thành viên, hay xa hơn là có một bộ luật chung để xử lý triệt để tội phạm mạng.