Tôi không thể… hát trong đám tang mẹ chồng

Hải Yến,
Chia sẻ

Ngồi trước linh cữu mẹ, tôi nhìn những người thân thi nhau chọn bài để “hát cho mẹ nghe”… tôi đã bị shock văn hóa nặng và đó là điều duy nhất tôi vẫn không thể chấp nhận được…

Sáng nay đến cơ quan, mở yahoo lên tôi nhận được offline từ một người trong danh sách bạn bè là 1 link dẫn đến youtube kèm lời nhắn “Mọi người xem đi nè, người vợ hát 'Tìm lại giấc mơ' tặng người chồng đã mất… cảm động quá trời”. Tôi tắt link clip đi khi xem được 30s đầu tiên, bởi hình ảnh người vợ nghẹn ngào khóc cứ ám ảnh tôi, và cả bởi câu bình luận đầu tiên đập vào mắt mình “Tôi chẳng hiểu cô này thế nào, chồng chết mà vẫn ngồi hát được. Tài”.


Tôi đã bị mẹ chồng “đồng hóa” thứ văn hóa vùng miền

Tôi là con gái gốc Bắc, chồng tôi là người gốc miền Nam 3 đời. Ai cũng nói chúng tôi khó mà hòa hợp với nhau bởi mỗi người đều mang đặc sệt cái gốc gác vùng miền của mình. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng rời bỏ vòng tay gia đình để theo anh về làm dâu xứ Nam Kỳ xa lạ ấy. Ngoài anh là người gần gũi nhất, tôi hoàn toàn chỉ biết đến con người Sài Gòn qua những câu chuyện của bạn bè: họ xởi lởi, dễ sống và đặc biệt là “ruột để ngoài da” lắm.

Quả thật là như vậy, cảnh mẹ chồng- nàng dâu thường có trong truyền thuyết của những cô vợ  trẻ Bắc Kỳ hoàn toàn không xuất hiện trong bối cảnh của người Nam Kỳ. Người đôi lúc khó chịu và kĩ tính lại chính là… tôi, chứ không phải gia đình chồng.


Chân ướt chân ráo về nhà chồng, tôi- vốn người nổi tiếng là chu đáo, khéo lấy lòng mọi người đã đích thân đi chọn cho mẹ chồng một bộ đồ mà theo con mắt thẩm mỹ của tôi là khá được. Sau bữa cơm tối tôi ngại ngần đưa cho mẹ bộ đồ mình đã chọn rất kĩ hồi sáng. Mẹ vừa mở gói quà vừa nói với chồng tôi “Con gái Bắc kỳ khéo quá con trai ạ”. Tôi ngồi cạnh ngấm ngầm tự hào. Mẹ chồng bóc gói quà giơ bộ đồ lên ngắm rồi cười ầm với bố chồng tôi: “Ông xem này, con dâu mua đồ cho tôi này, nhưng đây đâu phải gu của tôi chứ…”. Mẹ vẫn xoay đi xoay lại bộ đồ rồi nói cười bình phẩm tại trận với cả nhà, chồng tôi cũng hùa vào làm tôi tím mặt vì ngượng và ấm ức. Tôi đã nghĩ trong lòng “sao lại được cả nhà vô duyên đến thế” … Tối đó tôi giận chồng luôn, lấy gối chia đôi giường và ngủ trong ấm ức.

Sáng hôm sau chủ nhật, mẹ lôi tôi lên phòng làm việc của bố, bật máy tính lên và chỉ cho tôi những mẫu đồ mà bà thích bán trên mạng. Bà còn chỉ cho tôi những chiêu chọn đồ cho người lớn mà nếu không ở tuổi bà tôi không bao giờ biết được. Mẹ ruột tôi- dĩ nhiên theo tính cách tế nhị kín đáo của người Bắc sẽ không bao giờ nói ra điều đó.


10 năm làm dâu xứ người, tôi bắt đầu quen dần với những cảm giác shock văn hóa. Mẹ chồng đã trở thành người mẹ ruột thứ 2 của tôi, thậm chí chúng tôi luôn về cùng một phe khi gia đình có vấn đề cần tranh cãi. Tất nhiên sau đó những người phụ nữ của gia đình thì luôn chiến thắng. Tôi gắn bó với mẹ chồng tôi một cách tự nhiên như thế.

Tôi đã shock nặng về văn hóa vào ngày mẹ chồng mất

Rồi một ngày tai họa giáng xuống: mẹ chồng tôi bị tai nạn giao thông và qua đời sau một thời gian ngắn nằm bệnh viện. Ngày mẹ ra đi cả nhà tôi như bị tụt xuống hố sâu. Quá sức chịu đựng vì những ngày lo lắng cho mẹ trong bệnh viện, cộng với sự ra đi đột ngột của bà, tôi đã ngất ngay khi nghe chồng báo tin và phải ở lại bệnh viện truyền nước sau đó.

Tối muộn tôi được đưa về nhà. Vừa về tới đầu hẻm nhà mình tôi đã nghe những âm thanh ồn ào, tiếng nhạc xập xình như những đám cưới ở quê.  Trong lòng tôi dấy lên cảm giác chua chát: cùng một hẻm nhỏ, cùng trong 1 ngày, nhà thì có tang, nhà có hỷ. Chuyện vậy mà cũng có thể trùng lặp sao?


Bước gần đến nhà mình, tôi không thể tin vào mắt mình khi những âm thanh nhộn nhịp kia lại phát ra từ chính nhà mình, với hệ thống âm thanh công suất lớn và màn hình chiếu đặt giữa rạp. Tôi không biết tả lại cảm giác của mình lúc đó như thế nào: Ngạc nhiên tột độ, phẫn nộ, giận giữ, hoang mang… tôi không thể tả được. Nếu ai đã từng trải qua cảnh ngộ như tôi chắc sẽ rất đồng cảm, bởi thực sự tôi không thể gọi tên thứ cảm xúc đó. Linh cữu mẹ đặt ở giữa với khói hương nghi ngút, chân dung mẹ nhìn thẳng, cười tươi như ngày thường mẹ vẫn chia sẻ nụ cười ấy với tôi, với chồng, với con… 

Tôi quỳ sụp bên linh cữu mẹ khóc không thành tiếng, nước mắt 2 hàng chảy dài tưởng như vắt kiệt mọi nguồn nước trong cơ thể. Kế đó chưa đầy 4m, những người bà con gần xa đang quây quần ngồi chọn bài trong đầu karaoke hát cho thỏa thích (mà theo như lời chồng tôi thì họ đang hát cho mẹ vui).

Gần 12 giờ đêm họ vẫn say sưa hát mặc kệ ông tổ trưởng khu phố có lời nhắc nhở vặn nhạc nhỏ xuống. Nếu không tận mắt nhìn, tôi không thể tin nổi mình đang ở trong 1 đám tang, mà tưởng như mình đang ngồi trong đám cưới ở một vùng quê ngoài đó. Đứa cháu họ dúi cái điều khiển vào tay tôi cố gào lên át tiếng nhạc: “Cô chọn bài hát đi cô”. Đến lúc này mọi ấm ức, tức tưởi, thắc mắc, ngạc nhiên… của tôi dồn lại thành cơn giận dữ bất ngờ. Tôi vung mạnh tay văng cái điều khiển ra xa, đứng vụt dậy gào lên: Bà mất đâu phải là chuyện vui để các người hát hò. Tôi không thể hiểu nổi các người!!! Sau đó tôi bỏ vào phòng mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc…

 
Cho đến bây giờ, khi nhìn người vợ trẻ nghẹn ngào hát tặng bài hát cuối cho chồng, tôi lại nhớ mẹ chồng, nhớ đến cảm giác gục bên linh cữu mẹ nhìn những người bà con hát hò thâu đêm… Tuy không đồng tình với nhiều bình luận khá xúc phạm thiếu văn hóa, nhưng thật tình tôi vẫn không thể chấp nhận được cái văn hóa tang lễ này. Dù 10 năm làm dâu xứ người, tôi đã gần như bị đồng hóa với văn hóa của người Nam, nhưng tôi không thể hiểu nổi: tại sao người ta có thể hát hò vui vẻ trong đám tang? Khi mà người thân mình vừa ra đi mãi mãi?

Chia sẻ