"Tôi đã nghĩ mình sẽ chết": Chia sẻ đầy ám ảnh của một bệnh nhân HIV kể về cuộc chiến suốt 30 năm với căn bệnh thế kỷ

H Nguyen,
Chia sẻ

Các loại thuốc uống đảm bảo tải lượng virus - lượng HIV trong máu - trong mức cho phép đã khiến ông cảm thấy buồn nôn liên tục và mất ngủ.

30 trước, ông Lawrence Ang (không phải tên thật), người Singapore, được chẩn đoán nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Ông đã bắt đầu hành trình điều trị và phải chịu đựng các tác dụng phụ nghiêm trọng từ việc uống 15 viên thuốc mỗi ngày.

Các loại thuốc uống đảm bảo tải lượng virus (lượng HIV trong máu) trong mức cho phép đã khiến ông cảm thấy buồn nôn liên tục và mất ngủ.

Một số bệnh nhân HIV xuất hiện tình trạng má lõm do tác dụng phụ có tên loạn dưỡng mỡ. Để tránh điều này, ông Ang phải duy trì chế độ ăn lành mạnh, chăm chỉ tập luyện trong phòng gym để giảm thiểu tác động của bệnh trên cơ thể.

Tuy nhiên, cũng có thời điểm, ông cũng gặp phải những giấc mơ kỳ lạ và biểu hiện dấu hiệu trầm cảm.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ chết" - Bệnh nhân HIV kể về cuộc chiến đấu suốt 30 năm với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 1.

Thoát cửa tử trong gang tấc

Tự nhận mình là "một trong những con khủng long của thập niên 80 còn sống sót", ông Ang kể, ông được chẩn đoán vào năm 1989 khi cơ hội sống sót sau khi nhiễm HIV vẫn còn ảm đạm. Chỉ 2 năm trước đó, Freddie Mercury, giọng ca chính của ban nhạc rock Queen, đã được chẩn đoán nhiễm HIV và cái chết của anh vào năm 1991 do biến chứng từ hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (Aids) đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Vào thời điểm nhận kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, ông Ang 26 tuổi và bác sĩ nói rằng, ông có nhiều nhất 7 năm để sống.

Lần đầu tiên được điều trị bằng thuốc AZT (Ziovudine), ông đã cảm thấy buồn nôn và ớn lạnh.

"Tôi nghĩ mình sẽ chết", ông Ang nhớ lại và tiết lộ thêm, ông bắt đầu lên kế hoạch cho đám tang của chính mình và soạn thảo di chúc vào năm 1993. Ông cũng bỏ công việc quảng cáo và bắt đầu làm tình nguyện viên cho AFA.

Năm 1996, ông thoát chết trong gang tấc nhờ một liệu pháp gồm ba loại thuốc mới: AZT, 3TC (Lamivudine) và Saquinavir.

Vì có nhiều loại thuốc được uống thường xuyên tới mức 5 lần/ngày, ông đã dùng chức năng hẹn giờ để không quên việc uống thuốc.

Trong 3 tháng, ông tăng 10kg - từ 48kg lên 58kg - và tải lượng virus của ông giảm từ gần 1 triệu bản/ml xuống còn khoảng 8.000. Sau 3 tháng nữa, con số này là 40 bản/ml - đồng nghĩa với việc virus HIV ở ông không thể lây truyền được.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ chết" - Bệnh nhân HIV kể về cuộc chiến đấu suốt 30 năm với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 2.

Tác dụng phụ: Từ tệ tới tệ hơn

Trong khi các thuốc trên có tác dụng với ông Ang, cảm giác buồn nôn vẫn không dừng lại. Ông cũng bị chứng mất ngủ và thức dậy hàng giờ trong đêm.

2 năm sau khi bắt đầu điều trị, cơ thể ông đã phát triển khả năng miễn dịch với thuốc và tải lượng virus của ông bắt đầu tăng lên.

Sau đó, ông chuyển sang một nhóm thuốc mới có chứa Crixivan, Didanosine và 3TC.

Phương pháp điều trị "kinh khủng" đã khiến "cơ thể ông bị biến dạng" - má bị hõm sâu, xuất hiện bướu mỡ cổ trâu - một mảng mỡ ở vùng lưng trên và cổ. Bên cạnh đó là cảm giác liên tục buồn nôn.

Ngoài ra còn có các tác dụng phụ khác, như chia sẻ của ông Ang: "Tôi mơ thấy những giấc mơ buồn... Những giấc mơ chán nản về tuổi thơ. Rất may, tôi là một người có ý chí mạnh mẽ và quyết đoán".

Ông cũng bắt đầu biểu lộ dấu hiệu trầm cảm và phải tới gặp bác sĩ tâm lý.

Năm 2003, ông Ang bắt đầu một lộ trình thuốc mới - sự kết hợp giữa Viracept, Nevirapine và 3TC - không có nhiều tác dụng phụ nhưng không hiệu quả lắm sau 4 năm.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ chết" - Bệnh nhân HIV kể về cuộc chiến đấu suốt 30 năm với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 3.

Sống một cuộc sống bình thường

Năm 2007, ông chuyển sang dùng nhóm thuốc kết hợp Truvada, Atazanavir và Ritonavir và duy trì điều trị bằng nhóm thuốc này trong 10 năm. Ông không còn phải chịu đựng những tác dụng phụ về thể chất như buồn nôn nữa.

Sự kiện này đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên điều trị HIV vừa thuận tiện vừa phù hợp với bệnh nhân, bác sĩ Leong nhấn mạnh. Bước tiếp theo sẽ là các phương pháp điều trị chỉ cần được thực hiện 1 lần/tháng hoặc 3 tháng/lần. Theo bác sĩ, "thuốc tiêm có tác dụng lâu dài" đang được công ty dược phẩm GlaxoSmithKline phát triển.

Hiện tại, ông Ang dùng "một loại thuốc thế hệ thứ tư" - sự kết hợp của Tivicay, TAF (Tenofovir alafenamide) và 3TC mà ông cảm thấy ít có khả năng gây ra các vấn đề về thận.

"Đó là thứ tốt nhất. Tác dụng phụ bằng 0. Tôi uống một viên thuốc mỗi ngày", ông Ang cho hay.

Số lượng tế bào bạch cầu CD4 của anh ấy cũng tăng lên 850 tế bào/ml3 máu, là "mức cao nhất trong cuộc đời điều trị của tôi", ông Ang cho biết thêm.

Sau một hành trình thăng trầm kéo dài 30 năm, ông Ang cảm thấy nhẹ nhõm vì giờ đây ông có thể sống một cuộc sống bình thường như bất kỳ ai khác.

"Nếu từng có một cuộc chinh phục trong đời tôi thì vượt qua tất cả chuyện này mang lại nhiều ý nghĩa hơn bất cứ thành tựu nào người ta có thể đạt được. Tôi cảm thấy thật trọn vẹn vì đây là những loại thuốc cứu mạng đã giúp bạn vượt qua căn bệnh thế kỷ", ông Ang bộc bạch.

"Tôi đã nghĩ mình sẽ chết" - Bệnh nhân HIV kể về cuộc chiến đấu suốt 30 năm với căn bệnh thế kỷ - Ảnh 4.

Ngày nay, điều trị HIV đã phát triển và cải thiện đáng kể so với nhiều thập kỷ trước, các bác sĩ và bệnh nhân cho hay.

"Bây giờ là thời đại mà thuốc chữa HIV ưu việt, tác dụng phụ của thuốc là tối thiểu và chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân HIV tốt hơn trước rất nhiều. Trận chiến của họ dễ dàng hơn nhiều so với những gì tôi đã trải qua. Tôi có thể nói với các bạn điều này bởi vì tôi đã trải qua điều tồi tệ nhất", ông Ang, hiện 56 tuổi, bày tỏ.

Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết, việc kiểm soát virus HIV ngày nay được thực hiện thông qua việc uống mỗi viên thuốc/ngày và các tác dụng phụ "thực tế là không tồn tại".

Tiến sĩ Leong cho biết, Biktarvy là phiên bản Truvada được "tái thiết kế", hiện là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong các bệnh nhân HIV và được dùng để phòng ngừa HIV. Người dùng không gặp tác dụng phụ như các vấn đề về xương và thận.

Ngoài Singapore, chỉ có Hoa Kỳ, Hồng Kông và Liên minh châu Âu đã chấp thuận sử dụng Biktarvy cho tới thời điểm này.

"Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm HIV vào những năm 1990, rất có thể chỉ 10% sẽ sống đến khi thực sự già. Giờ đây, một người được chẩn đoán nhiễm HIV, tôi kỳ vọng người đó có thể sống lâu như bạn hoặc tôi", bác sĩ Leong chia sẻ.

Bài viết của tác giả Wong Pei ting trên trang Todayonline kể về sự mạnh mẽ của một bệnh nhân sống cùng và chống chọi với HIV trong suốt 30 năm.

Chia sẻ