Tổ rỗng

Theo PNO,
Chia sẻ

Như một qui luật phát triển tất yếu của xã hội, khi trưởng thành, những đứa con sẽ lần lượt rời khỏi vòng tay bố mẹ, đi học xa, lập nghiệp nơi khác hay xây dựng gia đình riêng... Trong gia đình chỉ còn lại hai vợ chồng. Sự trống vắng, cô đơn, hụt hẫng… là điều không tránh khỏi. Các chuyên gia tâm lý gọi hiện tượng này là “Hội chứng tổ rỗng”.

“Hội chứng tổ rỗng” sẽ đưa đến những kết cục tốt xấu khác nhau tùy theo cách xử sự của người trong cuộc. Nếu các thành viên trong “tổ” biết chấp nhận hoàn cảnh, cố gắng vượt qua cảm giác trống trải, buồn bã ban đầu thì họ sẽ nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, để gia đình luôn là điểm tựa cho mỗi người. Ngược lại, nhiều cái “tổ ấm” trở thành “tổ lạnh” do mối quan hệ giữa vợ chồng trở nên lỏng lẻo, xa cách. Các thành viên bỏ “tổ” đi tìm cho mình những niềm vui mới bên ngoài, như câu chuyện sau đây.
 
Tiếp bước anh trai, đứa con gái thứ hai sang Mỹ du học, trong nhà còn lại hai vợ chồng. Tan tầm, như mọi khi, vợ định vội vã về nhà, nhưng chợt nhớ ra, chẳng có ai đợi mình như trước đây. Giờ này, chắc chắn chồng chưa về, vì đang làm vài séc tennis. Thế là vợ quyết định đến nhà bạn “tám” hoặc lang thang shoping cho đỡ buồn.
Tối thật tối, vợ về. Nhà cửa vắng tanh. Bữa cơm dọn ra, chỉ vài món đơn giản. Ai ăn đâu mà nấu cho mất công? Một mình vợ trệu trạo vài miếng rồi dọn dẹp. Bởi thi thoảng lắm chồng mới về dùng bữa cùng vợ. Mà lúc đó, bữa ăn cũng diễn ra trong im lặng. Không như trước đây, vợ chồng hay trò chuyện với nhau về con, như việc nuôi dạy con, chăm sóc con, chuyện học hành của chúng…Giờ đây, không có con. Mối quan tâm chung là những đứa con không còn nên họ chẳng biết nói gì với nhau. Sống cùng một nhà mà bỗng trở thành xa lạ. Mỗi người có mối quan tâm riêng. Theo đuổi những suy nghĩ riêng, nổi buồn cũng riêng. Nói với người kia, biết đâu chẳng vui hơn lại còn sinh ra cãi cọ. Có lần, vợ khoe vừa mua một bộ váy mới để đi đám cưới con gái cô bạn thân. Chồng nhăn mặt: “Dẹp đi!Ở tuổi em mà còn váy vủng gì nữa?”. Vợ ngớ ra rồi xịu mặt. Biết vậy khỏi khoe. Lần khác, chồng báo tin sẽ đi công tác nước ngoài. Vợ hậm hực: “Lại hú hí với con thư ký mới tuyển phải không?”. Chồng buông đũa đứng dậy: “Già rồi! Em đừng ghen vớ vẩn!”.
 

Sau bữa ăn, chồng ôm máy vi tính đến khuya. Vợ dọn dẹp mâm bát rồi dán mắt vào tivi, xem bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc. Khuya, chồng lên giường, vợ đã ngủ từ bao giờ.

Dần dần, vợ chồng như khách lạ trong nhà. Chán, không muốn về nhà, khi thì chồng “bận họp đột xuất” với cô thư ký. Lúc thì đi “tiếp đối tác” tại quán bar, karaoke, bia ôm… Ở những nơi đó không chỉ vui hơn ở nhà mà còn được các cô gái trẻ chiều chuộng từ A đến Z. 

Vợ không còn phải tất bật vì con cái, bắt đầu “tự chăm sóc” mình bằng cách đến thẩm mỹ viện làm đẹp, xăm môi, sửa mũi, bơm ngực… diện những bộ váy áo hàng hiệu, túi xách thời trang … Trong khi chồng chê vợ “cưa sừng làm nghé” thì vợ thấy mình vẫn có giá khi được không ít đàn ông khác nhìn theo mỗi khi ra đường. Không lâu sau đó, vợ bắt đầu “ăn nem”. Đôi khi, “nem” của vợ là “phi công trẻ”. Từ đó, chẳng ai còn muốn trở về “tổ”, chẳng thèm chăm sóc “tổ” nên chẳng mấy chốc “tổ” của họ tan tác.
 
Tuy vậy, không phải lúc nào “Hội chứng tổ rỗng” cũng có kết cục xấu. Với không ít người, khi không còn bận rộn với con cái, vợ chồng có thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Những buổi sáng, các cặp “vợ chồng son” này tay trong tay ra công viên tranh thủ làm vài séc cầu lông trước khi đi làm. Buổi tối rảnh rỗi, họ ngồi bên nhau hàn huyên đủ chuyện, cùng nhắc lại những kỹ niệm về nhau, về bạn bè và con cái …

Lúc lên giường, không còn nỗi lo “bị bắt quả tang”, nỗi lo “bầu bí”…, các cuộc “giao ban” như khởi sắc hơn, đậm đà hơn, thăng hoa hơn …

Ngày cuối tuần hay những đợt nghỉ lễ, cả hai cùng đi picnic hay du lịch đâu đó, cùng sống lại thời kỳ trăng mật ngọt ngào tại một khách sạn nào đó, hoặc về thăm lại những nơi chốn cũ. Đôi khi, những cái “tổ rỗng” gọi nhau, hẹn nhau tổ chức những buổi “Gặp nhau cuối tuần” tại nhà ai đó hay một cái quán nào đó để “ôn cổ tri tân” thoải mái mà không phải vội vã về nhà với con.

Vậy nên, dù sống trong “tổ rỗng”, nhưng nếu vợ chồng dành thời gian cho nhau, bên nhau, chăm sóc nhau…sẽ không chỉ làm nóng tình cảm lứa đôi mà còn tạo niềm vui trong cuộc sống. Nhờ thế, vợ chồng sẽ thêm gắn bó, giúp nhau cân bằng và thích nghi với cuộc sống, tránh được sự cô đơn và hụt hẫng khi rời xa con cái. Và cũng nhờ thế, tình yêu dành cho nhau ngày một đằm thắm hơn, sâu sắc hơn. Họ dễ dàng bỏ qua cho nhau những điều không vui, không phải, để cùng nhau tận hưởng những ngày còn lại bên nhau thỏai mái và hạnh phúc hơn.

Chia sẻ