“Tổ ấm nơi tận cùng thế giới”: Nỗi đau đớn tận cùng của tình yêu thương

Thụy,
Chia sẻ

“Tổ ấm nơi tận cùng thế giới” dắt ta chứng kiến cuộc sống của những con người được xem là kì dị trong thế giới người nhộn nhạo này...

Tổ ẩm nơi tận cùng thế giới
 
Tác giả: Michael Cuningham
Dịch giả: Bùi Khánh Vân
Nxb. Lao động
Giá bìa: 99.000 VNĐ



Tôi bước vào cuốn sách trong trạng thái của một kẻ say rượu, điên cuồng gặm nhấm sự si mê của nỗi cô đơn đến vắt kiệt tất cả các cảm giác của một con người còn đang sống. Tôi chìm vào trong đó như kiếm tìm, như bước theo, như vùng vẫy trong cái tổ ấm nơi tận cùng thế giới mà bản thân tôi cũng đang cần vô cùng, vô cùng. Lật giở từng trang của cuốn sách tôi đã bị cuốn vào một cõi bi thương, lập dị, bí hiểm và cũng tuyệt diệu nhất thế gian này. Nơi mà những kẻ cô đơn đã vùng vẫy và khao khát cháy bỏng có được sự yêu thương của một tổ ẩm thực sự.

“Tổ ẩm nơi tận cùng thế giới” là nơi duy nhất khiến tôi có cảm giác của một tình yêu thương vĩ đại nhất thế gian này. Câu chuyện về ba người trẻ Bobby, Janathan, Clare là một câu chuyện khiến người đọc sững sờ trong những đau thương, tuyệt vọng, nghẹn ngào, mơ mộng, khao khát và hạnh phúc. Tất cả những xúc cảm ấy đều luôn được đẩy đến tận cùng của ranh giới mong manh của cuộc sống này.


Bobby là một đứa trẻ lớn lên trong không gian ngập ngụa mùi bia rượu và sự ớn lạnh của những ám ảnh chết chóc, với một thứ âm nhạc u mê cay đắng bao trùm. Đen kịt. Quạnh đắng. Cuộc sống của cậu đã chìm ngâp trong một nỗi cô đơn kinh hoàng như bóng đêm. Cả cha, mẹ và anh trai đều chết – những cái chết uất nghẹn trong đớn đau và khổn khổ. Cuộc sống ấy đã dẫn lối cậu đến với cái khói mê hoặc của cần sa, như tìm kiếm sự lãng quên, như trốn chạy thực tại ủ ê và chán chường. Cuộc sống của cậu tưởng như mãi chìm trong những đêm tối nghiệt ngã ấy, nhưng rồi sự gặp gỡ với Jonathan đã khiến cậu khác đi. Tình cảm của hai gã đàn ông đơn côi giữa cuộc đời này lại khiến tôi cảm thấy trân trọng và cảm động. Cái cách họ yêu thương, quan tâm và chăm sóc đến cuộc sống của nhau đã khiến tôi nghĩ đến một mối tình đồng tính tuyệt đẹp. Nhưng rồi, cuộc sống của họ cũng thay đổi khi Jonathan lên thành phố học đại học. 

Cuộc gặp gỡ giữ Jonathan, Bobby và Clare chính là một diều đặc biệt, và là cái duyên cớ để câu chuyện cuốn hút hơn đối với bản thân tôi. Tôi chìm đắm trong những ngỡ ngàng về tình cảm con người mà tác giả đã cố gắng xây dựng nên trong “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới”. Jonathan đã thực sự thừa nhận chuyện anh là người đồng tính nhưng anh vẫn luôn khao khát có một đứa con với Clare. Nhưng rồi Clare và người bạn thân yêu Bobby của anh lại nảy sinh tình cảm với nhau. Họ đã trở thành tình nhân của nhau và có với nhau một đứa con. Điều đó đáng ra đã chẳng khiến tôi ngạc nhiên và cũng không làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn, nhưng điều thực sự đã làm tâm hồn tôi phải cảm động trong một sự day dứt vô cùng đó chính là niềm hạnh phúc bao dung của cả ba con người ấy. Cả Jonathan, Bobby và Clare đã quyết định sẽ cùng sống chung với nhau và cùng nhau đợi chờ đến ngày đứa trẻ ra đời. Khoảnh khắc gần gũi của ba kẻ cô đơn trong cuộc đời này đã khiến tôi ngỡ ngàng, vì một tổ ấm lạ lẫm, nhưng vẫn là một tổ ấm thực sự và duy nhất với họ ở thế giới này. Một tổ ấm nơi tận cùng của những đau đớn, hạnh phúc và hi vọng. Tổ ấm của họ có ba người lớn đã từng trải qua những khốn khổ nhất của cõi đời, và một đứa trẻ mới sinh đáng yêu, trong veo nhất thế giới. Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc từng trang, từng trang sách của “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới” và chứng kiến cuộc sống của những con người được xem là kì dị trong thế giới người nhộn nhạo này.


Hạnh phúc của họ mong manh như sương khói, và rồi dễ tan biến đi mất dù họ khao khát và cố gắng níu giữ, nhưng rồi khi câu chuyện kết thúc, tổ ấm ấy đã khuyết thiếu và mất mát. Kết thúc câu chuyện, các nhân vật đáng thương ấy vẫn vùng vẫy trong niềm cô đơn, chới với và níu kéo cuộc sống với sức lực kiệt cùng khiến tôi tâm hồn tôi nặng trịch và day dứt khôn nguôi.

Khi gập trang cuối cùng của cuốn sách lại, tôi lục tung đống băng đĩa của mình để tìm âm nhạc. Tôi thèm khát một thứ âm khiến tôi trải nghiệm những cảm giác u ám, cô đơn và hạnh phúc này, giống như những nhân vật trong truyện. Vậy là tôi nằm im lìm, và mở Gun’n Rose. Âm nhạc chảy trôi vào trái tim tôi nghẹn ngào bật thành những giọt hình cầu mặn chát, và khiến những nhân vật của “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới” trở về trong tôi rõ ràng đến từng nét cười. Tôi đã nằm như thế suốt cả một buổi chiều với đôi mắt chẳng thể nhắm lại.


Phải mất khá lâu sau tôi mới có thể viết lại được những dòng chữ cảm nhận về cuốn sách này khi cảm xúc đã dần lắng lại. Một cuốn sách thực sự khiến tôi phải nhớ. Và người viết nên câu chuyện ấy thực sự làm tôi khâm phục, biết ơn vì những cảm giác mà ông đã khiến tôi cùng tất cả những người đọc như tôi phải trải nghiệm trong cuộc sống này. Tôi xin thay lời kết bằng một nhận định của nhà phê bình Sherry Rosenthal dành tặng cho “Tổ ấm nơi tận cùng thế giới”: “Lâu lắm rồi mới xuất hiện một cuốn tiểu thuyết quá lôi cuốn bởi vẻ đẹp và sự nhạy cảm đến mức độc giả ngấu nghiến nó gần như hoàn toàn, với một vẻ vô cùng háo hức, để rồi sau đó cảm nhận nỗi đau dai dẳng, khôn nguôi”...
Chia sẻ